Theo quan niệm của Liên hợp quốc, bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và nam giới được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người, có cơ hội đóng góp cũng như thụ hưởng những thành quả phát triển của quốc gia trên các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa.
Mặc dù đã có rất nhiều công ước quốc tế về quyền con người quy định rõ quyền bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực nhưng trên thực tế, cho đến những năm 70 của thế kỷ XX, tình trạng bất bình đẳng giữa nam và nữ vẫn diễn ra ở khắp các nơi trên thế giới. Vì vậy, ngày 18/12/1979, Đại hội đồng Liên hiệp quốc mới thống nhất được các ý kiến để ban hành Công ước “Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ” (tiếng Anh viết tắt là CEDAW) và có hiệu lực thi hành từ 05/9/1981. Đây được xem là một văn bản pháp lý đầy đủ và toàn diện nhất về quyền con người của phụ nữ. Đến nay đã có 189 nước ký tham gia Công ước, trong đó Việt Nam là một trong 35 quốc gia ký đầu tiên.
Ở Việt Nam, quyền bình đẳng nam nữ được thể hiện đậm nét từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946, tại Điều 9: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Trong các Hiến pháp sửa đổi, bổ sung năm 1959, 1980, 1992 quy định: “công dân nam nữ có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội và gia đình. Nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử đối với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ. Lao động nam nữ làm việc như nhau thì được hưởng lương như nhau. Nhà nước và xã hội tạo điều kiện để phụ nữ nâng cao trình độ về mọi mặt, không ngừng phát huy vai trò của mình trong xã hội”. (Điều 63, Hiến pháp năm 1992).
Về bình đẳng giới trong chính trị, Điều 54, Hiến pháp năm 1992 cũng ghi rõ: “Công dân không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu của và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật”.
Tiếp đó, quyền bình đẳng nam nữ càng được thể hiện sâu sắc hơn ở Hiến pháp năm 2013, đó là bảo đảm bình đẳng thực chất, triệt để xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; tiếp tục ghi nhận quyền bình đẳng trước pháp luật của nam, nữ (khoản 1, Điều 16); bình đẳng trong kết hôn và ly hôn (khoản 1, Điều 35); vai trò của Nhà nước, xã hội và gia đình trong việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em (khoản 2, Điều 26 và khoản 2, Điều 36); không phân biệt đối xử giữa nam và nữ (khoản 2, Điều 16). Điều này quy định cụ thể “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”...
Bình đẳng giới không chỉ đề cập trong Hiến pháp mà còn được cụ thể hoá trong các văn bản pháp luật của Việt Nam về bình đẳng giới như: Luật Bình đẳng giới năm 2006; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 và 2022; Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 và 2014;
Luật Bình đẳng giới năm 2006 khẳng định: “Mục tiêu bình đẳng giới là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình” (Điều 4). Đồng thời, cũng khẳng định: “Bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình; hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và hưởng thụ thành quả của sự phát triển”. (Khoản 1, Điều 7)
Trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định rõ tại Điều 23: “Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội”.
Trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, bình đẳng giới cũng được đề cập tại Khoản c, Điều 13: “Chú trọng thay đổi hành vi của người có hành vi bạo lực gia đình, người thường xuyên có hành vi cổ xuý cho bạo lực, kỳ thị, phân biệt đối xử về giới, giới tính, định kiến giới”.
Bên cạnh đó, Đảng ta cũng đã cụ thể hoá quan điểm bình đẳng nam nữ bằng những Nghị quyết và Chỉ thị về công tác phụ nữ, điển hình như: Nghị quyết 04/NQ-TW ngày 12/7/1993 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới; Chỉ thị 37-CT/TW ngày 16/5/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới; Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 17/4/2007 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới ngày 20/10/2018; Chiến lược về bình đẳng giới năm 2011 – 2020…
Thực trạng thực hiện bình đẳng giới ở nước ta hiện nay.
Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ và hiện đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững năm 2030, trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.
Trong lĩnh vực chính trị
Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (tháng 6/2023), Việt Nam đã tăng 11 bậc về bình đẳng giới so với năm 2022, từ hạng 83 lên 72 trong 146 nước tham gia xếp hạng. Đặc biệt, trong lĩnh vực chính trị, Việt Nam tăng 17 bậc so với năm 2022, xếp từ thứ hạng 106 lên thứ hạng 89, trong đó tỷ lệ nữ tham chính xếp hạng 53.
Hiện nay, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng và Nhà nước được nâng cao về số lượng và nhất là về chất lượng. Những đồng chí nữ lãnh đạo tiêu biểu trong các nhiệm kỳ gần đây như đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, đồng chí Nguyễn Thị Xuân Mỹ, đồng chí Tòng Thị Phóng, đồng chí Trương Mỹ Hoa, đồng chí Nguyễn Thị Doan, đồng chí Võ Thị Ánh Xuân…
Trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có 19 đồng chí nữ, chiếm 9,5% tổng số Ủy viên Trung ương. Quốc hội khóa XV đạt tỷ lệ 30,26% đại biểu nữ (cao nhất kể từ Khóa VI - Khóa Quốc hội thống nhất cả nước đến nay). Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt (là Bộ trưởng, Thứ trưởng và tương đương) tham gia lãnh đạo, quản lý cơ quan là nữ đạt 50%.
Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh có 16% là các đồng chí nữ; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 29% là đại biểu nữ. Có 47/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có lãnh đạo chủ chốt là nữ (bao gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), chiếm 74,6%.
Theo thống kê của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về lãnh đạo chủ chốt cấp huyện: có 12 tỉnh, thành phố, ở cấp huyện có nữ lãnh đạo chủ chốt đạt 60% trở lên; có 11 tỉnh, thành phố ở cấp huyện có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt từ 50% đến dưới 60%.
Về lãnh đạo chủ chốt là nữ của cấp xã: Có 10 tỉnh, thành phố ở cấp xã có nữ là lãnh đạo chủ chốt đạt 60% trở lên và 8 tỉnh, thành phố đạt từ 50% đến dưới 60%...
Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm.
Trong những năm qua, thành tựu về bình đẳng giới còn thể hiện ở khía cạnh giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao.
Kết thúc năm 2023, trên tổng số 23,98 triệu lao động làm công ăn lương, thì số lao động nữ là 12,21 triệu, chiếm 50,9%. Hiện nay có gần 24 triệu lao động nữ có việc làm, trong đó lao động nữ thuộc khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm gần 6,29 triệu người, chiếm hơn 26,2% . Chỉ tiêu này cho thấy sự dịch chuyển lao động nữ từ nông nghiệp sang các ngành nghề phi nông nghiệp đang diễn ra tương đối nhanh.
Theo một nghiên cứu của Hãng tư vấn doanh nghiệp Grant Thornton, Việt Nam hiện nay có tỷ lệ nữ lãnh đạo cao cấp chiếm 36%, xếp thứ hai châu Á. Trong đó, bốn vị trí hàng đầu thường được đảm nhận trong doanh nghiệp là giám đốc tài chính (36%), giám đốc điều hành (30%), giám đốc nhân sự và giám đốc marketing (25%).
Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Theo báo cáo của Bộ giáo dục đào tạo, năm học 2021 - 2022, tỷ lệ trẻ em trai hoàn thành giáo dục tiểu học đạt 98%, năm học 2022 - 2023 là 96%. Tỷ lệ học sinh hoàn thành cấp trung học năm 2021 - 2022 là 89%, năm học 2022 - 2023 là 90%.
Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2023 có khoảng 500 nghìn phụ nữ nông thôn được học nghề, chiếm 45,4% tổng số lao động nông thôn được học nghề. Ở 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương số nữ học sinh, sinh viên được tuyển sinh vào hệ thống các trường nghề khoảng 127.370 học viên, đạt 41%.
Mục tiêu đến năm 2025, đưa nội dung về giới, bình đẳng giới vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân và được giảng dạy chính thức ở các trường sư phạm.
Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.
Nhiều phụ nữ đã đoạt giải khu vực và quốc tế. Các nữ đại sứ, nữ cán bộ ngoại giao, nữ công an, nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã trở thành các "sứ giả" của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của nước ta trong hoạt động đối ngoại… Nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học tăng lên đáng kể. Nhiều phụ nữ là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, hàng nghìn nữ trí thức có nhiều thành công trong nước và quốc tế về nghiên cứu khoa học, mang lại giá trị kinh tế cao và tính nhân văn cao cả, sâu sắc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì trong nhiều lĩnh vực vẫn còn tồn tại sự bất bình đẳng giới:
Về chính trị - xã hội: Tỷ lệ nữ giới làm công việc lãnh đạo, quản lý đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với các vị trí lãnh đạo, quản lý nói chung, so với sự gia tăng của lực lượng lao động nữ nói riêng.
Về kinh tế: ở một số nơi vấn đề chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ cùng một vị trí công việc vẫn còn tồn tại. Cơ hội để phụ nữ tiếp cận những việc làm có thu nhập cao vẫn thấp hơn so với nam giới. Lao động nữ chưa được đánh giá cao như lao động nam, là đối tượng dễ bị rủi ro và tổn thương hơn khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm nhân sự.
Trong gia đình: vẫn còn tư tưởng “trọng nam khinh nữ” trong quá trình sinh con, nuôi con, phân công công việc. Ở một số gia đình, dù phụ nữ tham gia đóng góp kinh tế như nam giới nhưng vẫn phải làm việc nhà nhiều hơn, đảm nhận công việc nội trợ là chủ yếu và nam giới vẫn thường là người đưa ra các quyết định quan trọng. Và một thực trạng đáng báo động hơn nữa đó là phụ nữ luôn là nạn nhân của các vấn đề bạo lực gia đình, nạn nhân của buôn bán người, bóc lột và xâm hại tình dục. Một số trường hợp phụ nữ bị bạo hành trong một thời gian dài mà âm thầm chịu đựng không dám tố cáo, không được chính quyền và cộng đồng lên tiếng bảo vệ.
Thực trạng này, một phần là do nhận thức hạn chế của người dân về luật pháp nên chưa biết tự bảo vệ; một phần, do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh nên thiếu sức răn đe, tình trạng bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ và trẻ em chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, một phần do chịu ảnh hưởng của quan niệm cổ hủ, lạc hậu, bản thân nhiều phụ nữ không chỉ tự ti, an phận, mà còn thiếu ý chí vươn lên, chấp nhận số phận, không dám đấu tranh, sợ dư luận xã hội… Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến sự phát triển, thực hiện bình đẳng mà còn tác động không tốt đến việc hoàn thành các mục tiêu tiến bộ xã hội của quốc gia.
Giải pháp nâng cao việc thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay
Để phải giải phóng “một nửa thế giới”, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; và nhất là để thực hiện thành công mục tiêu 5 (trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam) là “đạt được bình đẳng giới”, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu và ban hành kịp thời các văn bản pháp luật, chính sách có liên quan đến phụ nữ. Nhà nước cần có nhiều chính sách thiết thực hơn nữa bảo đảm quyền lợi chính đáng cho phụ nữ, có biện pháp tạo thêm việc làm, cơ hội nâng cao kiến thức và khởi nghiệp, sáng tạo cho phụ nữ, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ kết hợp được nghĩa vụ công dân với thiên chức làm vợ, làm mẹ, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Thứ hai, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần phát huy vai trò của mình, tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động; đa dạng hoá các hình thức tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của Hội theo lứa tuổi, ngành nghề, sở thích, vùng miền, gắn quyền lợi với nghĩa vụ. Hội thường xuyên phối hợp với các đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Tổ chức, bồi dưỡng, tuyên truyền, động viên các tầng lớp phụ nữ thực hiện các phong trào hành động cách mạng, chăm lo đời sống, giải quyết và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; đặc biệt coi trọng việc đào tạo nghề, tạo việc làm, nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, bảo vệ sức khỏe phụ nữ, trẻ em. Chú trọng xây dựng đội ngũ nữ trí thức, nữ doanh nhân gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với quá trình cấu trúc lại nền kinh tế và quá trình hội nhập quốc tế. Trang bị cho phụ nữ những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh...
Thứ ba, tiếp tục chú trọng công tác cán bộ nữ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục nâng cao tỷ lệ và chất lượng đội ngũ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, nghiên cứu khoa học. Có kế hoạch tổng thể, dài hạn công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, phát huy năng lực cán bộ nữ. Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ nữ làm công tác khoa học - kỹ thuật, kinh tế, pháp luật, hành chính, quản lý nhà nước, cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số, theo tôn giáo, cán bộ nữ ở vùng sâu, vùng xa. Quan tâm phát triển đảng viên nữ, chú ý đến việc bồi dưỡng, kết nạp Đảng đối với những nữ doanh nhân là chủ doanh nghiệp khu vực tư nhân. Việc sử dụng, sắp xếp, bố trí cán bộ nữ cũng cần chú ý những đặc điểm về giới tính, bố trí cho chị em những ngành, nghề thích hợp, để chị em có thể phát huy tối đa khả năng và sở trường của mình. Có chính sách ưu tiên và đãi ngộ thích đáng đối với cán bộ nữ hoạt động lâu năm, những cán bộ nữ công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và công tác ở nước ngoài.
Thứ tư, nâng cao chất lượng và hình thức trong việc giáo dục vai trò giới tính và kỹ năng sống trong nhà trường, giúp cho thanh thiếu niên nhận thức đúng đắn những vấn đề về giới và bình đẳng giới một cách cơ bản, hệ thống và khoa học. Từ đó, giúp các em có ý thức trách nhiệm về bình đẳng giới trong xây dựng gia đình và xã hội.
Một trong những điều kiện quan trọng để thực hiện được bình đẳng giới đó là dù phải đối mặt với nhiều thách thức, với những định kiến khắt khe theo quan niệm truyền thống, song “chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chị thị giải phóng cho mình mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh”[1]. Mà bản thân mỗi người đều phải tự khắc phục khó khăn, nỗ lực học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt và rèn luyện các kỹ năng cần thiết để không chỉ tham gia các hoạt động trên các lĩnh vực mà còn nhận thức đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình để có điều kiện thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người vợ, người mẹ và xứng đáng với tám chữ vàng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng.
Xây dựng xã hội bình đẳng giới chính là để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho phụ nữ, để phụ nữ có cơ hội, điều kiện đóng góp cho xã hội, cho đất nước. Phụ nữ Việt Nam mãi luôn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Với đà tiến bộ và phát triển hiện nay, phụ nữ nhất định sẽ phát huy truyền thống của dân tộc cùng với các phẩm chất của phụ nữ trong thời đại mới “Tự tin-Tự trọng-Trung hậu-Đảm đang”, để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, đồng thời sẽ mãi là chỗ dựa vững chắc cho mỗi mái ấm gia đình, góp phần xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.
Tài liệu tham khảo
TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội: Việt Nam với vấn đề bình đẳng giới (https://daibieunhandan.vn/viet-nam-voi-van-de-binh-dang-gioi-post375610.html)
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.30