Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam trung bộ Việt Nam, có diện tích tự nhiên 7.828 km2. Phía Bắc giáp tỉnh Ninh Thuận, phía Tây Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Tây giáp tỉnh Đồng Nai, phía Tây Nam giáp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Bình Thuận có 1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện với 124 đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh lỵ của Bình Thuận là thành phố Phan Thiết. Tổng số dân của tỉnh Bình Thuận (theo niên giám thống kê năm 2022) là 1.252.056 người. Số người sống ở khu vực thành thị là 483.266 người (chiếm 38,6% tổng dân số) và ở khu vực nông thôn là 768.790 người (chiếm 61,4%). Có 34 dân tộc cùng sinh sống ở Bình Thuận, trong đó đông nhất là dân tộc Kinh; tiếp đến là các dân tộc Chăm, Ra Glai, Hoa (tập trung nhiều ở phường Đức Nghĩa - thành phố Phan Thiết), Cơ Ho, Tày, Chơ Ro, Nùng, Mường…. sinh sống tập trung ở 11 xã (Phan Dũng thuộc huyện Tuy Phong; Phan Lâm, Phan Sơn, Phan Điền, Phan Tiến thuộc huyện Bắc Bình; La Dạ, Đông Giang, Đông Tiến thuộc huyện Hàm Thuận Bắc; Mỹ Thạnh, Hàm Cần thuộc huyện Hàm Thuận Nam; La Ngâu thuộc huyện Tánh Linh) và 20 thôn xen ghép; dân tộc Chăm cư trú tập trung ở 04 xã (Phan Thanh, Phan Hiệp, Phan Hòa thuộc huyện Bắc Bình; xã Phú Lạc thuộc huyện Tuy Phong) và 09 thôn xen ghép ở ven các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ; dân tộc Tày, Nùng, Hoa chủ yếu sống ở 02 xã (Hải Ninh, Sông Lũy thuộc huyện Bắc Bình) và 02 thôn xen ghép. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán, lễ hội riêng, tạo nên sự phong phú, đa dạng trong nền văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Một số kết quả nổi bật về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Bình Thuận.
Một là, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao; khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước được thu hẹp dần. Phát huy tối đa nội lực, biến lợi thế, tiềm năng thành nguồn lực quan trọng để tự lực vươn lên, phát triển và hội nhập.
Với việc xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội... Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Thuận tiến hành hàng loạt các giải pháp về tuyên truyền nâng cao nhận thức; triển khai kịp thời các chính sách giảm nghèo bền vững; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo… Mục đích nhằm khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS và miền núi là 46,8 triệu đồng người/năm, tại 17 xã thuần là 43,6 triệu đồng người/năm[1]. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh giảm 3,05%, tương đương 764 hộ (số hộ nghèo DTTS đầu năm 2023 là 2.801 hộ, chiếm 10,78% so với tổng số hộ DTTS; đến đầu năm 2024 là 2.037 hộ, chiếm 7,73% so với tổng số hộ DTTS và chiếm 30,77% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh); tỷ lệ hộ cận nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh giảm 2,13%, tương đương 514 hộ (số hộ cận nghèo DTTS đầu năm 2023 là 3.341 hộ, chiếm 12,86% so với tổng số hộ DTTS; đến đầu năm 2024 là 2.827 hộ, chiếm 10,73%, so với tổng số hộ DTTS và chiếm 23,17% so với tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh).
Hai là, các Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững tại vùng đồng bào DTTS và miền núi được thực hiện có hiệu quả toàn diện trên các mặt dân sinh, kinh tế, xã hội. Để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bình Thuân, HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết[2], UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai các chương trình, kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2025 và hàng năm trên địa bàn tỉnh. Triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm các cấp, các ngành và cộng đồng về chương trình giảm nghèo, huy động mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia các hoạt động giảm nghèo; thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội[3].
Ba là, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, từ ngân sách địa phương và nguồn vốn huy động từ xã hội tiếp tục được đầu tư xây dụng đồng bộ. Quỹ đất nông nghiệp được tập trung khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng, gắn sản xuất, trồng trọt với đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và ngành nghề, dịch vụ, tăng thu nhập, giảm nghèo nhanh, bền vững. Những năm qua, tỉnh Bình Thuận chú trọng đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, nhà văn hóa… Đến nay, 100% xã vùng đồng bào DTTS và miền núi có đường ô tô đến trung tâm xã, điện lưới quốc gia, hạ tầng bưu chính, viễn thông đều khắp, trạm y tế có bác sĩ. Đặc biệt, toàn tỉnh hiện có 07/17 xã vùng đồng bào DTTS được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới DTTS[4]. Kết quả triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay 100% xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có đường ô tô thảm nhựa thông suốt đến trung tâm xã, sử dụng điện lưới quốc gia, hạ tầng bưu chính, viễn thông và nhiều công trình thủy lợi vừa và nhỏ góp phần mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp, thâm canh, tăng vụ, tạo điều kiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.
Bốn là, giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa được phát triển toàn diện; bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số được gìn giữ, phát huy; các thiết chế văn hóa được đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân được nâng cao; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Về giáo dục - đào tạo và dạy nghề: Mạng lưới trường lớp trong vùng đồng bào DTTS và miền núi được mở rộng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh[5]. Các chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên DTTS được triển khai đầy đủ, kịp thời đúng đối tượng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giảm đáng kể tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng. Các chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên và người học là người DTTS được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Qua đó đã khuyến khích công tác dạy và học, tạo sự bình đẳng trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong vùng DTTS và miền núi.
Về văn hoá: Công tác nghiên cứu, sưu tầm, khai thác, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, các lễ hội dân gian, các nghề thủ công truyền thống tiếp tục được duy trì, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS[6]; di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di tích được các cấp công nhận, trong đó các di tích được đầu tư kinh phí, chống xuống cấp, tôn tạo[7]. Một số hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào được triển khai kết hợp với phát triển du lịch tại địa phương. Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận; Báo Bình Thuận đã triển khai tuyên truyền về công tác dân tộc và các chính sách dân tộc, thời sự, chuyên đề..., đầy đủ toàn diện trên các lĩnh vực, bao phủ toàn địa bàn vùng DTTS và miền núi.
Về y tế: Mạng lưới y tế ở các xã thuần đồng bào DTTS và miền núi tiếp tục được củng cố, tăng cường và cơ bản đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân tại chỗ. Đến nay, các xã thuần vùng DTTS của tỉnh đã đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Năm là, mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, chính quyền với nhân dân và doanh nghiệp được tăng cường; hiệu lực quản lý nhà nước của các cơ quan có thẩm quyền và thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc được nâng cao; vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc được phát huy; chất lượng các phong trào thi đua yêu nước tại vùng đồng bào DTTS và miền núi được nâng cao .
Sáu là, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đặc biệt sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng phát huy. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào DTTS và miền núi cơ bản ổn định, không xảy ra khiếu nại, tố cáo vượt cấp, đồng bào yên tâm sản xuất và chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, không bị kẻ xấu xúi giục, lợi dụng.
Những bất cập, tồn tại, hạn chế
Thứ nhất, địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số phân tán rộng, trên 50% số hộ sinh sống ở miền núi, xa trung tâm, điều kiện tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu còn khó khăn; việc thực hiện lồng ghép các chương trình, huy động các nguồn lực đầu tư để giảm nghèo bền vững ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.
Thứ hai, một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm, chỉ đạo đối với việc phát triển các chính sách xã hội ở địa phương, công tác triển khai thực hiện còn mang tính hình thức, việc theo dõi, nắm bắt hình thực hiện chương trình hành động, nghị quyết của Đảng về các chính sách xã hội, phục vụ người dân còn chưa kịp thời. Công tác tuyên truyền, vận động để người dân tiếp cận, nắm bắt chính sách, vấn đề xã hội có lúc, có nơi chưa được thực hiện thường xuyên, sâu rộng.
Thứ ba, so với mặt bằng chung của tỉnh, kinh tế - xã hội, đời sống của đồng bào DTTS và miền núi còn nhiều khó khăn, tập quán sản xuất còn lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, nguy cơ tái nghèo dễ xảy ra; trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững.
Thứ tư, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm chưa thực sự phát
huy hiệu quả; số lao động được giải quyết việc làm thông qua nguồn vốn vay giải quyết việc làm, đa số là lao động phổ thông, tập trung vào các ngành nghề chăn nuôi, trồng rừng, trồng cây ăn quả...; tình trạng lao động là người DTTS thiếu việc làm hoặc có việc làm không ổn định còn nhiều; công tác hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm còn bị động, thu nhập của người lao động còn thấp; còn thiếu môi trường để người lao động phát huy kỹ năng, kiến thức đã được đào tạo vào thực tiễn công việc.
Thứ năm, nguồn lực cho an sinh xã hội và phúc lợi xã hội còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, với diện bao phủ và mức hỗ trợ còn thấp[8]. Một bộ phận đồng bào DTTS vẫn còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, hoạt động công tác xã hội, từ thiện của các tổ chức, cá nhân…; chưa chủ động, nỗ lực vươn lên trong sản xuất, cải thiện đời sống.
Những hạn chế nêu trên xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất, hoạt động thông tin, tuyên truyền khẳng định, mục đích ý nghĩa, tầm quan trọng của các chính sách xã hội có nơi chưa được thường xuyên; tuy có đổi mới về phương pháp nhưng người dân chưa nắm bắt đầy đủ về trách nhiệm và quyền lợi của các chính sách. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai đã làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của đồng bào; công tác huy động nguồn lực của xã hội để thực hiện chính sách an sinh xã hội cho đối tượng yếu thế, đời sống của nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi ở một số nơi còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa nhưng không thuộc diện được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định, nhiều hộ đồng bào DTTS vẫn khó tiếp cận với chính sách BHYT do không còn nằm trong danh sách các xã, thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 (theo Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 612/QĐ-UBDT).
Thứ hai, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên; sự phối hợp giữa các sở, ngành liên quan trong việc thực hiện chế độ, chính sách an sinh xã hội cho đối tượng yếu thế và người DTTS ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; nhận thức của một bộ phận người dân về phát triển xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội còn chậm, coi an sinh xã hội là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước; vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước.
Thứ ba, công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, nhất là việc thành lập các đoàn kiểm tra về công tác triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XI).
Thứ tư, một bộ phận lao động vùng đồng bào DTTS không muốn học nghề, mặc dù đã được tư vấn nhưng phần lớn không thấy lợi ích lâu dài của việc học nghề, tạo việc làm để có thu nhập ổn định cuộc sống. Do trình độ học vấn của lao động là người DTTS không đồng đều nên gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng trong quá trình học nghề nên không theo kịp chương trình đào tạo, dẫn đến tình trạng bỏ học, gây lãng phí nguồn lực đầu tư hoặc có tâm lý ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước, không nỗ lực vươn lên trong học tập.
Một số giải pháp
Thứ nhất, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục chỉ đạo tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy và các văn bản liên quan đến các chính an sinh xã hội trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, nhất là đồng bào DTTS và miền núi nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong chỉ đạo và thực hiện.
Thứ hai, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền địa phương các cấp và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc thực hiện các chương trình, chính sách đối với người có công, người DTTS và bảo đảm an sinh xã hội.
Thứ ba, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách bảo đảm tính hệ thống và đồng bộ, đơn giản và hiệu quả; vừa hỗ trợ, vừa khuyến khích nỗ lực vươn lên của các đối tượng thụ hưởng, khắc phục sự ỷ lại vào Nhà nước. Thống nhất đầu mối quản lý các chương trình, chính sách theo hướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương chỉ quản lý mục tiêu, hỗ trợ nguồn lực, hướng dẫn thực hiện, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, phổ biến điển hình.
Thứ tư, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách về đào tạo nghề và giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đối với lao động DTTS, thanh niên DTTS sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng và đào tạo nghề. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi. Có cơ chế chăm lo đời sống cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Thứ năm, tập trung chỉ đạo, giải quyết những khó khăn trong vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện nay như: tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt để đồng bào ổn định cuộc sống; tập trung chỉ đạo các địa phương thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế ổn định cho đồng bào vùng DTTS và miền núi. Kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa vùng DTTS và miền núi với thị trường trong nước và quốc tế; đồng thời, chú trọng xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào.
Thứ sáu, bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội phù hợp, tránh dàn trải. Các chính sách cần bảo đảm tính liên kết, liên thông tốt, như chính sách tín dụng gắn với tạo việc làm, dạy nghề gắn với nhu cầu việc làm… Tăng cường thực hiện cơ chế xã hội hóa và sự đóng góp nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp, qua đó huy động cao nhất các nguồn lực cho giảm nghèo, an sinh xã hội tại vùng đồng bào DTTS và miền núi./.
[1] Báo cáo 1024/BC-BDT, ngày 20/9/2024 của Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận về Kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc 9 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm 03 tháng cuối năm 2024.
[2] Nghị quyết số 13/2022/NQ-HĐND ngày 23/8/2022 Ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêuquốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 23/8/2022 Kế hoạch vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 23/8/2022 Kế hoạch vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022 trên địa bàn tỉnh.
[3] Chính sách tín dụng ưu đãi: Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải quyết cho 1.522 hộ nghèo vay 75.988 triệu đồng; cho 3.566 hộ cận nghèo vay 176.195 triệu đồng, 6.373 hộ mới thoát nghèo vay 296.893 triệu đồng được sử dụng để đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Chính sách bảo hiểm y tế: Cấp 32.000 thẻ BHYT cho người nghèo và 76.728 thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo để khám, chữa bệnh; thực hiện đảm bảo việc miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài tỉnh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Chính sách đào tạo nghề: tính đến cuối năm 2022 tổ chức tuyển mới đào tạo nghề cho 200 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người lao động có thu nhập thấp. Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo: đến nay, từ nguồn quỹ “Vì người nghèo” đã vận động được 17 tỷ đồng; từ nguồn Quỹ đã hỗ trợ xây dựng mới 20 căn nhà ở và sửa chữa 20 căn nhà ở cho hộ nghèo với tổng số tiền 1.600 triệu đồng (xây mới 50 triệu đồng/căn, sữa chữa 30 triệu/căn). Chính sách trợ giúp pháp lý: Trung tâm trợ giúp pháp lý cấp tỉnh, huyện đã trợ giúp pháp lý kịp thời cho người nghèo trên các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính và các lĩnh vực khác.
[4] Theo số liệu thống kế đến 31/5/2024, có 07/17 xã vùng đồng bào DTTS được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới: Xã Hải Ninh (2015), xã Phan Thanh (2016), xã Phan Hiệp và xã Phan Hòa (2017), xã Sông Lũy (2020), xã Phú Lạc (2022), xã Đông Tiến (2023)
[5] Toàn tỉnh hiện có 01 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh và 04 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện; hệ thống trường, lớp vùng đồng bào DTTS được quan tâm đầu tư, nâng cấp theo hướng đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng nhu cầu cho học sinh học tập 02 buổi/ngày; đội ngũ giáo viên ở các cấp học được chuẩn hoá, chất lượng dạy và học được nâng lên, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường tăng (mầm non đạt 99,86%, tiểu học đạt 99,5%%, trung học cơ sở đạt 92,91%, trung học phổ thông đạt 61,17%).
[6] Lễ hôi Katê của người Chăm Bàlamôn; Lễ hôi Ramưwan của người Chăm Bàni; Lễ hội Rijà Nưgar; Lễ hội tại miếu Bà Chúa (Pô Inư Nưgar): Lễ hội Katê tại đền ông La Băng Lạc Sứ; Lễ hội dân gian tại đền thờ Thiên Ya Na của người Chăm; Tết Đầu lúa của người Cơho; Lễ hội Nghinh Ông của người Hoa; Lễ Vía Thánh Quan Âm của người Hoa; Lễ Trung Nguyên; Lễ Cầu Phước... của người Tày, Nùng; Lễ mừng lúa mới của người Raglai; Nghề làm gốm thủ công truyền thống của người Chăm và nghề dệt...
[7] Trong năm 2024, có 2 di tích được đầu tư kinh phí, chống xuống cấp, tu bổ tôn tạo là Đền thờ Pô Nít,
xã Phan Hiệp và Đền thờ Pô Klong Mơh Nai, thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình (bằng nguồn vốn Chương
trình mục tiêu quốc gia).
[8] Mức chuẩn trợ giúp xã hội từ ngày 01/7/2021 là 360.000 đồng, trong khi giá cả thị trường ngày một tăng nên mức
sống của các đối tượng bảo trợ xã hội còn khó khăn chưa bảo đảm mức tối thiểu chung.