Kể từ khi giành được chính quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm rất lớn đối với nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Sinh thời, người không sử dụng thuật ngữ “tham nhũng” mà người dùng thuật ngữ “tham ô”. Người chỉ rõ: “Tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất trong xã hội. Tham ô là trộm cắp của công, chiếm của công làm của tư. Nó làm hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà; hại đến công việc cải thiện đời sống của nhân dân; hại đến đạo đức cách mạng của người cán bộ và công nhân”[1]; đó là “giặc nội xâm”, là loại giặc “vô hình, vô ảnh, không dàn ra thành trận, luôn luôn lần lút trong mình”[2], là “kẻ địch trong người, trong nội bộ”[3] vô cùng nguy hiểm.
Do đó, Người cho rằng cần phải giáo dục chính trị và tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ: “Phải khai hội đủ mặt mọi người trong cơ quan, đơn vị, trường học,... để giải thích rõ ràng, nói đi nói lại, cho mọi người đều hiểu: Tham ô, lãng phí, quan liêu có hại cho dân cho nước thế nào? Vì sao phải chống những nạn ấy”[4] , do đó “chúng ta phải phát động tư tưởng của quần chúng làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”[5].
Thật vậy, tham nhũng khiến cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, có lối sống thực dụng, thích hưởng thụ, lười học tập, nghiên cứu, rèn luyện đạo đức, lệch lạc về suy nghĩ, coi thường tổ chức, vi phạm chế độ sinh hoạt Đảng, chế độ công tác. Tham nhũng ảnh hưởng, tác động đến tất cả các lĩnh vực, trong đó dẫn đến mất niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.
Thực tiễn hiện nay, Đảng ta là Đảng duy nhất cầm quyền. Lịch sử cách mạng Việt Nam trong hơn 94 năm qua đã minh chứng sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng luôn ý thức được việc phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân là mục tiêu, là sứ mệnh của Đảng. Đường lối, chính sách của Đảng tác động trực tiếp, toàn diện đến tất cả các thành phần kinh tế - xã hội, đến lợi ích trực tiếp của các giai tầng khác nhau trong xã hội.
Nhằm luận giải, chỉ đạo, đề ra những phương hướng, giải pháp trước những vấn đề bức xúc trên, tháng 02/2023, tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra mắt bạn đọc với hơn 600 trang. Các nội dung chính trong tác phẩm là sự tổng kết thực tiễn sâu sắc, phong phú của một nhà hoạt động thực tiễn phong phú, từng trải, dày dạn kinh nghiệm; phản ánh kịp thời, sinh động hơi thở của cuộc sống, đáp ứng được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Qua tác phẩm, người đọc sẽ cảm nhận sâu sắc tư tưởng nhất quán, kiên định về công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cũng như những tình cảm, sự ủng hộ của Nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế với kiểu tư duy chống “giặc nội xâm” này.
Hiện nay, tham nhũng đã và đang gây ra những tác hại vô cùng nghiêm trọng, là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bất ổn về chính trị, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định: “Tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, là loại biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tham nhũng và tiêu cực, nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau”[6]. Vì thế, cố Tổng Bí thư khẳng định nguyên nhân của tham nhũng là: “do một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị... chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm; thiếu bản lĩnh, dĩ hòa vi quý, nể nang, né tránh, thậm chí còn bao che cho người vi phạm. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, thậm chí suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”[7].
Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, kinh tế thị trường đã tạo ra nhiều tác động tiêu cực đến phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên như: chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, lối sống chạy theo đồng tiền bất chấp đạo lý, tham nhũng, tội phạm... Đặc biệt, với những cán bộ, công chức, viên chức trẻ khi tuổi đời chưa nhiều, sự trải nghiệm trong công việc chưa sâu, bản lĩnh chính trị vẫn cần phải tiếp tục được hun đúc thêm, thì nếu không trau dồi đạo đức sẽ rất dễ sa vào tệ tham nhũng, tiêu cực.
Các vụ việc phát hiện gần đây cho thấy, nếu cán bộ, đảng viên luôn trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, biết nói không trước những cám dỗ vật chất tầm thường, biết vì lợi ích cao quý của Đảng, của quốc gia - dân tộc, đó chính là sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng. Do đó, điều quan trọng là tất cả chúng ta, phải có quyết tâm lớn, có biện pháp thực hiện quyết liệt, chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, tỉnh táo, bình tĩnh, không cực đoan, không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại. Nếu không xác định như vậy thì mỗi khi thấy có sự việc tiêu cực trong Đảng dễ mất bình tĩnh, nảy sinh tư tưởng bi quan, hoài nghi hoặc mất niềm tin, phủ nhận mọi sự cố gắng và kết quả chung. Qua đó, mỗi đảng viên phải nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân là tự nguyện cống hiến hy sinh, quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng và của dân tộc.
Vì vậy, hiện nay cán bộ, đảng viên phải tự hoàn thiện mình, tự giác tu dưỡng phẩm chất đạo đức và nâng cao trình độ, năng lực, phải coi trọng trách nhiệm giác ngộ người khác, lan tỏa tấm gương tốt; phải mạnh dạn đấu tranh với những hành vi tiêu cực, sai trái. Có làm tốt được điều này thì Nhân dân sẽ ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, đồng thời ngày càng trở thành chỗ dựa vững chắc cho Đảng và Nhà nước trong công cuộc xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Có thể nói, đây là cuốn sách “gối đầu giường” của mỗi cán bộ, đảng viên, cần được tiếp tục nghiên cứu để lan tỏa, giúp cán bộ, đảng viên hiểu rõ trách nhiệm tự nhắc nhở mình phải gương mẫu rèn luyện, tự phê, tự soi để tự sửa, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, tính tiền phong, gương mẫu, giữ gìn uy tín của mình, uy tín của Đảng trước Nhân dân./.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t. 14, tr. 141.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 8, tr. 98-99.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 8, tr. 56.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 7, tr. 358.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 13, tr. 49.
[6] Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Sđd, tr.16.
[7] Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Sđd, tr. 128.