PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH - GIÁ TRỊ VĂN HÓA ỨNG XỬ VÀ ĐẠO ĐỨC

  • /
  • 18.5.2012 - 16:21

Học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh

      Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, là chiến sĩ cộng sản quốc tế xuất sắc, những cống hiến to lớn của Người đã được tổ chức UNESCO công nhận là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất. Di sản của Người để lại là to lớn, học tập và làm theo Người được Đảng ta phát động đã lan tỏa ngày càng đi vào chiều rộng và từng bước đi vào chiều sâu có ý nghĩa thiết thực; trong đó làm theo phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung cấp thiết được Đảng ta đưa vào kế hoạch việc học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh; tôi xin góp phần làm rõ “Phong cách Hồ Chí Minh - giá trị văn hóa ứng xử và đạo đức”.

       Để có cách nhìn và cách tiếp cận thống nhất, trước hết chúng ta cần nắm phong cách là gì ? để từ đó xác định nội hàm và những biểu hiện bên ngoài của phong cách. Theo Tự điển Tiếng Việt 1992 của Viện ngôn ngữ học thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam thì Phong cách là những lối, những cung cách sinh hoạt, làm việc, hoạt động, xử sự tạo nên cái riêng của một người hay một loại người nào đó. Như vậy, nói đến phong cách là nói đến cách thức hành động, ứng xử của một chủ thể biểu hiện ra bên ngoài trong tất cả các hoạt động của chủ thể đó. Trong bài viết này tôi chỉ nêu một vài phong cách ứng xử chủ yếu của Hồ Chí Minh.

     Thứ nhất, một con Người có hoài bão lớn và bản lĩnh kiên định. Với khát vọng giành độc lập cho tổ quốc, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho đồng bào, Người đã có một cuộc hành trình vạn dặm, từ năm 1911 chỉ có hai bàn tay trắng đi qua các nước ở Châu Á, Châu Phi, Châu Âu, Châu Mỹ La Tinh, làm rất nhiều nghề khác nhau; tham gia thành lập và hoạt động trong nhiều tổ chức chính trị - xã hội, yêu nước tiến bộ và làm quen với các nhà văn hóa, các nhà hoạt động chính trị để quyết tâm tìm đường cứu nước và giải phóng dân tộc. Trải qua 20 năm, đến năm 1930 - Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, bắt đầu hình thành con đường cứu nước, giải phóng dân tộc để thực hiện hoài bão lớn. Hun đúc và kiên định với hoài bão lớn đó, Người tiếp tục cùng Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng Việt Nam quyết tâm làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công.- khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa; chín năm làm một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu; tiếp tục 21 năm làm nên cuộc giải phóng dân tộc, non sông thu về một mối - thống nhất nước nhà; tiếp tục thực hiện dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh. Hoài bão lớn và bản lĩnh kiên định thể hiện trong suốt cuộc đời hoạt động của Người: “ Một ham muốn, ham muốn tột bậc…”; “Không có gì quý hơn…” “Thà hy sinh…” “không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “Tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi” “Dù hy sinh đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn”, “.. cái mà tôi cần thiết nhất  trên đời này là đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”.  Chính vì vậy nhà văn Úc trong Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông A-Lan-A-Xbon phát biểu có đoạn: “Chúng ta phải học tập ở Hồ Chí Minh bằng cách phát triển những phẩm chất đã thể hiện trong suốt cuộc đời đấu tranh cách mạng lâu dài của Người; kiên nhẫn và vững vàng theo đuổi mục đích”, hay ông Cốc Nguyên Dương, Viện nghiên cứu kinh tế chính trị thế giới của Trung Quốc phát biểu: “Học tập tinh thần phấn đấu không ngừng của Người cho sự nghiệp chính nghĩa, Người không ngại bất kỳ khó khăn trở ngại nào, dũng cảm tiến lên”

     Thứ hai, Hồ Chí Minh có phong cách ứng xử rất văn hóa đó là khiêm tốn, nhã nhặn, lịch lãm đối với mọi người, với chính khách quốc tế, thông qua các câu chuyện sau đây nói lên phong cách này: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Ấn Độ và Chính phủ Ấn Độ mở cuộc mitting chào mừng tại cung Đi- van- hao, khi Ban tổ chức mời Bác Hồ ngồi vào ghế danh dự cho quý khách: Hồ Chí Minh từ chối: “Tôi không muốn khác biệt với mọi người trong cuộc gặp vui vẻ và thân tình này ”. Cử chỉ này  làm cho cả cuộc mitting xúc động và hoan hô nhiệt liệt. Câu chuyện thứ hai, năm 1946 tại PaRis thủ đô nước Pháp, Bác Hồ trả lời một câu hỏi của một nhà báo có tính khiêu khích: “Thưa Chủ tịch Ngài có phải cộng sản không?”, Bác Hồ điềm tĩnh đi tới lẵng hoa trên bàn rút ra những bông hoa đẹp nhất, đem tặng cho những người có mặt và nói “Tôi là người cộng sản như thế này này!”. Trước kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I(31-10-1946) Hồ Chí Minh tuyên bố: “ Lần này là lần thứ 2 Quốc hội giao phó cho tôi phụ trách Chính phủ một lần nữa ….Tôi xin nhận … Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và thế giới rằng Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài” và Người con cho rằng mình “ tài hèn đức mọn, cho nên chưa làm đầy đủ sự mong muốn của đồng bào”. Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa II đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 73 ngày sinh của Bác Hồ, các đại biểu nhất trí đề nghị Quốc hội trao tặng cho Bác Huân chương Sao vàng, nghe tin ấy Bác bảo: “ Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận huân chương ấy. Vì sao? Vì huân chương là để thưởng người có huân công, nhưng tôi tự xét chưa có huân công xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội”.Năm 1967 Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô quyết định tặng thưởng Huân chương Lê-nin-huân chương cao quý nhất của nhà nước Xô-viết nhưng Bác cũng đã từ chối, hẹn đến ngày đất nước Việt Nam thống nhất, Bắc Nam sum hợp một nhà. Từ những phong cách ứng xử nêu trên nhà văn A-lan A-xbon (Úc) và nhà nghiên cứu Cốc nguyên Dương (Trung Quốc) khi gặp Bác hoặc nghiên cứu về Bác đều có nhận xét chung là Hồ Chí Minh một người “khiêm tốn, bình dị” hay Đại diện Quỷ nhi đồng Liên Hiệp Quốc khi đến thăm khu Di tích Bác, phát biểu rằng: “ Nơi làm việc và ngôi nhà giản dị của Chủ tịch  Hồ Chí Minh là sự phản ánh chân thật nhất tích cách sâu sắc, phong cách giản dị”. Đại sứ nước Cộng hòa nhân dân Công- gô tại Việt Nam là Mooc-len Ô-xki-om-ba khi đến tăm khu Di tích Bác Hồ đã có cảm tưởng: “ Nơi thiêng liêng này mà tôi được may mắn đến thăm là một biểu hiện của sự khiêm tốn, phải được được dùng làm mẫu mực cho tất cả những người lãnh đạo ở các nước nghèo khổ”

     Thứ ba, Hồ Chí Minh có phong cách linh hoạt, chủ động, biến hóa. Dù ở đâu và bất cứ hoàn cảnh nào Hồ Chí Minh ứng xử và xử lý những công việc hết sức linh hoạt, uyển chuyển, chủ động và biến hóa. Chính vì vậy, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” là một trong những phong cách hành động để ứng xử mọi tình huống khi gặp khó khăn trắc trở. Câu chuyện sau đây để chứng minh cho phong cách này. Một lần Bác Hồ ở Côn Minh về Bách Sắc, gặp lúc đoàn đại biểu trong nước gồm Hoàng Quốc Việt, Đặng Việt Châu vừa ra, Bác bèn tìm chỗ họp để bàn bạc công việc. Bọn Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ lẽo đẽo theo sau quấy phá. Chúng vừa đi, vừa hỏi: “Các vị đi đâu đấy ạ?”. “Chúng tôi đi uống nước”, Bác vừa thản nhiên trả lời, vừa đưa chúng tôi đi về phía bờ sông Châu Giang, vì từ chỗ đang ở đi đến phố Bách Sắc phải qua sông. Chúng giả vờ mừng rỡ: “Hoan hô! Hôm nay Cụ Hồ Chí Minh đãi bọn mình đấy nhé, đi đi thôi”. Bác Hồ nói: “Thế thì xin mời cứ theo chúng tôi”. Bọn chúng hí hửng đi theo và cho là kèm sát thế là chắc sẽ phá được cuộc họp. Khi đến bờ sông, Bác chỉ xuống sông và lạnh lùng nói: “Đấy nước đây! Mời các vị uống đi! Đừng khách sáo!”. Bọn chúng bẽ mặt, lủi mất. Và hôm đó cuộc họp vẫn tiến hành tốt.

            Thứ tư, Hồ Chí Minh có phong cách chân tình nồng hậu, cảm hóa, khoan dung, đại lượng. Đây là phong cách ứng xử văn hóa- đạo đức đầy ắp tình người của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Tổng bí thư Đảng Janata Dal toàn Ấn độ, Hồ Chí Minh “Người đã thu phục được trái tim và khối óc của nhân dân ở mọi lứa tuổi và thuộc mọi tầng lớp xã hội, bởi vì Người chính là một trong số họ và chia xẻ những hy vọng và khát khao của họ”… “ Người là một người nồng hậu, có khả năng lôi cuốn và thông cảm. Người thiết tha quan tâm đến đồng bào của mình”.. “Ở Người, tình yêu đối với nhân dân là một tình yêu mãnh liệt”. Đoàn đại biểu Đảng cộng sản Pê-ru khi đến thăm Khu di tích Bác Hồ đã phát biểu rằng: “Tính giản dị, kiên nghị và lòng nhân ái là những nét đặc sắc trong phong cách của Bác Hồ cũng như tình yêu của Người với cuộc sống và lòng triều mến của Người với thiên nhiên”. Việc từ chối sống trong một ngôi nhà khang trang, đến ở một ngôi nhà sàn nhỏ bé  giản dị, với đôi dép đơn sơ, đôi giầy vải, bộ ka ki bạc màu đã phản ánh phong cách văn hóa- đạo đức của Hồ Chí Minh đang đấu tranh chống quan liêu hóa, chống đặc quyền, đặc lợi, nói một cách khác đó là sự chấp nhận làm đại diện thật sự của nhân dân. Ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 111/SL phong hàm Thiếu tướng cho Nguyễn Sơn, Ủy nhiệm cho Chủ tịch UBKCHC Liên khu 4 làm lễ thụ phong. Ít lâu sau có tin rằng Nguyễn Sơn chần chừ chưa chịu nhận. Hành động này nếu ở triều vua phong kiến tướng ấy e không an toàn tính mạnh. Nhưng với tính cách Nguyễn Sơn thì khai trừ, giam tù, sống chết, cách chức….không có gì là lạ và phải chăng Nguyễn Sơn dựa vào sự thân quen với Bác Hồ từ những 20 năm mới dám ứng xử như vậy. Trong trường hợp này nếu ra mệnh lệnh, phê bình, cảnh cáo, bắt tội… có lẽ Nguyễn Sơn lại thêm  “hăng hái”coi thường và không làm gì được ông. Nếu không cách nào làm cho Nguyễn Sơn chấp nhận, thi hành Sắc lệnh thì phép nước chẳng ra sao, lẽ nào Chính phủ “đầu hàng” trước một con người có cá tính như vậy. Do đó, Hồ Chí Minh đã chọn cách ứng xử:

             - Lấy tư cách “anh em bảo nhau” là người cùng họ Nguyễn, Bác Hồ gửi thơ tặng Nguyễn Sơn rất mềm mỏng, nhẹ nhàng “dĩ nhu chế cương” lấy “ lạt mềm để dễ buộc”. Nội dung bức thư, trước hết khen Nguyễn Sơn đã làm được 12 chữ của Tôn Tử Mạo, nhưng vẫn khuyên răn phải làm tốt hơn nữa, vừa có ý nhắc là còn có việc làm chưa tốt.

            - Cử một đặc phái viên Chính phủ và của riêng cá nhân Chủ tịch nước là Phạm Ngọc Thạch từ Việt Bắc vào Liên khu IV chủ trì, trao quân hàm cho Nguyễn Sơn.  Khi Nguyễn Sơn nhận thư và lệnh này đã phải thốt lên: Ông cụ này khiếp thật. Và ông chỉ thị cho cán bộ trong Liên khu bộ chuẩn bị đón đặc phái viên, nhận thụ phong. Đây là phong cách ứng xử tuyệt vời của Hồ Chí Minh nhân ái bao la, khoan dung, độ lượng, độc đáo, thông minh, đầy ý nghĩa, khuyên can nhẹ nhàng, thấm thía, thuyết phục, chinh phục xúc động lòng người.

          Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh bao gồm: Đối với chính mình, cần kiệm, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, đã nói là làm, vững vàng, bản lĩnh thực hiện mục đích lý tưởng. Đối với vật chất không xa xỉ, lãng phí, thực hành tiết kiệm. Đối với người giàu lòng khoan thứ, độ lượng. Đối với việc phải cân nhắc kĩ càng, quyết đoán sáng suốt. Đó là thể hiện cái Đức, cái Tâm trong phong cách ứng xử Hồ Chí Minh. Chính vì vậy Hồ Chí Minh đã tạo nên sức hút và sức lan tỏa dịu kỳ dẫn dắt đội ngũ trí thức đi theo cách mạng, đem trí tuệ, tài năng, nhiệt huyết để họ cống hiến cho sự nghiệp cứu nước và kiến quốc, như: Giáo sư Hồ Đắc Di, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Giáo sư Tôn Thất Tùng. Còn biết bao nhiêu trí thức bày tỏ tình cảm trân trọng đã được gần, tiếp xúc, theo Bác và được Bác dìu dắt, chăm lo ân cần, như:  Giáo sư Trần Hữu Tước, Giáo sư Đỗ Xuân Hợp, Ma đơ len Rip Pho nhà báo người Pháp v.v.. Đặt cái tên cho một trí thức, đặt tên cho con trai của một trí thức, một bức thư chia buồn đến gia đình của một trí thức, một cái thiếp chúc mừng, một món quà đơn giản bình dị, viếng thăm và chúc Tết các trí thức vào đêm giao thừa của Bác Hồ; đó là phong cách ứng xử đơn giản nhưng giá trị văn hóa - đạo đức tuyệt vời, có sức hút phi thường, liều thuốc trường sinh mạnh mẻ cho đội ngũ trí thức đem hết sức lực, trí tuệ và tài năng cống hiến cho sự nghiệp cứu nước và kiến quốc, cho sự phồn vinh và hạnh phúc của nhân dân.

          Làm theo phong cách Hồ Chí Minh mỗi người chúng ta, nhất là đội ngũ trí thức cần xây dựng cho mình cung cách sinh hoạt, làm việc, hoạt động, xử sự đối với chính mình, đối với công việc, đối với người phải thật sự khoa học; sâu sát thực tiễn cơ sở, chống quan liêu; làm việc đúng giờ, chống lãng phí thời gian; nói đi đôi với làm, đúng tinh thần chỉ đạo cấp trên, đúng quy định, quy chế, của tổ chức Đảng, đoàn thể, pháp luật của Nhà nước, với tinh thần trách nhiệm cao; tương thân tương ái giúp đỡ đồng chí , đồng nghiệp cùng tiến bộ.  Trong bài viết này tôi chỉ nêu một vài phong cách  chủ yếu của Hồ Chí Minh mong rằng mỗi đồng chí chúng ta tiếp tục nghiên cứu , bổ sung và vận dụng thực hành phong cách Hồ Chí Minh từ những việc làm đơn giản nhất, cụ thể nhất trong công tác, trong sinh hoạt, trong giao tiếp cư xử với con người nhằm xứng đáng là công bộc của nhân dân./.

                                                                                              NGƯT, Ths. Bùi Tấn Hưng

                                                                                            Hiệu trưởng Trường Chính trị

 

 


  • |
  • 1064
  • |

Các tin khác