TRÍ THỨC BÌNH THUẬN HỌC VÀ HÀNH THEO GƯƠNG BÁC HỒ

  • /
  • 23.5.2012 - 8:37

Trong cuộc đời của Hồ Chí Minh là một chỉnh thể thống nhất giữa nói và làm

       Trong cuộc đời của Hồ Chí Minh là một chỉnh thể thống nhất giữa nói và làm. Bác Hồ đã nói và làm gì đối với trí thức. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hồ Chí Minh, luôn lo nghĩ, sợ không thấy hết, không dùng hết hiền tài. Người nói: "Kiến thiết cần nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối; khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, phát triển càng nhiều thêm" (1) . "E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuât thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận" (2). Theo Hồ Chí Minh cần tập hợp, sử dụng trí thức, miễn họ vì nước, vì dân: "Ai có tài, có sức, có đức, có lòng phụng sự  Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ" (3). 

           Hồ Chí Minh nói rõ quan điểm, tình cảm của Đảng ta đối với trí thức và yêu cầu trí thức phải vì dân; gắn lý luận với thực hành, biết tổng kết, giải quyết thực tiễn. Người khẳng định: "Đảng, Chính phủ và nhân dân ta rất yêu quý trí thức. Yêu quý những trí thức gắn liền lý luận với thực hành, thật lòng, thật dạ phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến. Yêu quý những trí thức đoàn kết thành một khối với nhân dân, những trí thức của nhân dân" (4). Người giao cho trí thức phải có trách nhiệm đào tạo trí thức mới. "Nhiệm vụ của trí thức là vừa thi đua công tác, vừa thi đua giúp Chính phủ đào tạo thêm trí thức mới" (5) .

          Bác Hồ luôn nhắn nhủ trí thức phải dũng cảm tự rèn luyện, chống chủ nghĩa cá nhân, chống kẻ thù nội xâm. "Có hai thứ vũ khí sắc bén để giúp chúng ta cải tạo, tức là cố gắng học tập gắn liền với thực hành và không e ngại, không che giấu, thật thà tự phê bình và hoan nghênh quần chúng phê bình mình" (6).

          Những tư tưởng, quan điểm nêu trên đã được Hồ Chí Minh và Đảng ta thể hiện thành chủ trương, chính sách, việc làm cụ thể đối với trí thức từ năm 1945 đến mãi sau này. Lời nói đi đôi với việc làm của Hồ Chí Minh đã thu phục các thế hệ trí thức Việt Nam vào công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Một trong những trí thức tiêu biểu - cụ Vũ Đình Hoè, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên đã nói lên điều đó: "Chúng tôi được Bác Hồ cuốn hút vào một sự nghiệp mới mẻ, vô cùng hấp dẫn và cao cả" (7). 

          Trong giai đoạn cách mạng và bối cảnh hiện nay, cái sai, cái xấu, cái ác đang trỗi dậy, lấn đẩy cái đúng, cái tốt, cái thiện; đặc biệt là chúng ta đang thực hiện NQTW4/Khóa XI về xây dựng Đảng; cán bộ, nhân dân nói chung, trí thức Bình Thuận nói riêng học và làm theo gương Bác Hồ càng có ý nghĩa sâu sắc và toàn diện.

          Hiện nay, nhân dân, công nhân, nông, ngư dân, các tổ chức của tỉnh Bình Thuận đang trông chờ sự trưởng thành, cống hiến của trí thức; mong mỏi lực lượng quan trọng này có nhiều kết quả nghiên cứu, ứng dụng phục vụ sản xuất và đời sống; nhất là những lĩnh vực trọng tâm, mũi nhọn, điểm nút, sức bật của tỉnh. Nếu đội ngũ này có nhiều đề tài, dự án, công trình, luận cứ khoa học hiệu quả, thiết thực, tác phẩm hay, đó chính là tăng thêm chất keo gắn kết khối liên minh công - nông - trí. Chúng ta phải thật sự trở thành trí thức của nhân dân.

          Muốn làm được điều đó, trước hết những trí thức chân chính phải tắm mình vào thực tiễn, lăn lộn trong cuộc sống để hiểu dân cần gì; mình phải giải đáp, nghiên cứu, ứng dụng những gì; không thể ngồi trong "tủ lạnh" để làm khoa học, giải đáp thực tiễn.

          Chính cuộc đời của Bác Hồ giúp chúng ta thắm thía lời dạy của Người, phải là trí thức thật - thật sự có tri thức. Muốn vậy mỗi người phải khiêm tốn, nghiên cứu học hỏi, học tập suốt đời; gắn đào tạo với tự đào tạo. Tri thức là những điều hiểu biết, do kinh nghiệm, học tập mà có; phải từ thực tiễn, tổng kết, khái quát thực tiễn để có cách giải quyết phù hợp. Học đi đôi với hành, nói đi đôi với làm. Điều đó nghe rất quen, tưởng chừng như đơn giản, nhưng trong thực tế hiện nay không phải ai cũng làm được. Khắc phục được tình trạng chỉ nói cho người khác làm; chính mình lại làm khác điều đã nói, không phải là chuyện dễ! Đây là một cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện và triệt để.

          Với thực trạng và yêu cầu thực tiễn của tỉnh nhà, các cơ quan chức năng và chính bản thân mỗi người, mỗi nhà phải thống nhất, đồng bộ phối hợp để đào tạo, rèn luyện, không ngừng bổ sung cho trí thức Bình Thuận về lập trường, quan điểm, niềm tin cách mạng. Đây là nền tảng, là ngọn hải đăng giúp tất cả đoàn thuyền đi đúng hướng theo quan điểm, tư tưởng của Đảng ta và Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, tùy điều kiện, môi trường, lĩnh vực hoạt động, từng cá nhân vươn lên tự trang bị cho mình và không ngừng nâng cao phương pháp luận, kỹ năng nghiên cứu, sáng tác, ứng dụng khoa học, công nghệ, tạo ra nhiều công trình, sản phẩm có giá trị.

          Đã gọi là trí thức hiểu theo Hồ Chí Minh thì phải thật sự có năng lực tư duy, suy nghĩ độc lập sáng tạo, biết và dám phát hiện và giải quyết mâu thuẫn, phát hiện cái mới, bảo vệ cái đúng, dám phản biện, cung cấp cơ sở, luận cứ khoa học; tổng kết thực tiễn và có biện pháp sát hợp giải quyết những yêu cầu do thực tiễn của tỉnh nhà đặt ra cả trên lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn cũng như các lĩnh vực khoa học công nghệ khác. Trí thức là người làm việc, lao động bằng trí óc, bằng sự suy nghĩ sáng tạo, độc lập.     

          Theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh thì trí thức Việt Nam nói chung, trí thức Bình Thuận nói riêng, trong giai đoạn, bối cảnh hiện nay, bên cạnh mặt mạnh cần phát huy, đồng thời từng bước khắc phục một số hạn chế. Trước hết là chống cái "tôi", chủ nghĩa cá nhân, bệnh thành tích, kèn cựa, kẻ thù nội xâm... Chống khuynh hướng sao chép cả trong suy nghĩ, việc làm, công tác và học tập; chống thụ động, máy móc, rập khuôn, thiếu sáng tạo... Chống bệnh "thiếu gan", thiếu dũng khí, không dám bảo vệ chân lý. Bác Hồ thường căn dặn trí thức phải biết và dám sử dụng vũ khí tự phê, phê bình  và nhất thiết phải có gan.

            Hiện nay, trí thức Bình Thuận cần gì, kiến nghị gì? Theo tôi, cần quan tâm đáp ứng một số yêu cầu cơ bản sau:

1. Đảng, Nhà nước ta nói chung, Bình Thuận nói riêng nên hết lòng, thật tâm yêu mến, mạnh dạn trọng dụng hiền tài, trí thức có đạo đức, năng lực, tâm huyết muốn góp sức xây dựng quê hương.

2. Lãnh đạo các cấp kịp thời cung cấp thông tin toàn diện, cần thiết, đối thoại với họ theo chuyên đề, có chiều sâu; nên nói cho trí thức nghe và nghe trí thức nói; thật sự hiểu, tôn trọng và tin nhau.

          3. Tạo môi trường thật sự thông thoáng, cách ứng xử dân chủ, bình đẳng, cởi mở để trí thức giàu cảm hứng và mạnh dạn sáng tạo, sáng tác, dám nói, dám làm, dám bộc bạch những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm...

          4. Tỉnh cần có cơ chế, chính sách, cách quản lý đối với đội ngũ này một cách khoa học, linh hoạt, hợp lý, hợp tình, hợp pháp tạo điều kiện động viên, khích lệ trí thức  hăng say cống hiến đồng thời có thu nhập tương xứng và hoàn toàn chính đáng.

          5. Lãnh đạo các cấp cần có cơ chế để khai thác, phát huy "chim đầu đàn". Những nhà khoa học, trí thức đàn anh hãy sẵn lòng dang rộng vòng tay dìu dắt lớp đàn em. Ngược lại lớp trẻ phải khiêm tốn kế thừa, trân trọng lắng nghe người có kinh nghiệm, vốn sống, có phương pháp luận, quan điểm đúng, kỹ năng nghiên cứu khoa học. Trong hoạt động khoa học rất cần và nhất thiết phải có sự kế thừa biện chứng và phối kết hợp với nhau.

          6. Người lãnh đạo, người kêu gọi trí thức làm theo Bác Hồ trước hết phải là tấm gương về lời kêu gọi ấy. Người đứng đầu các ngành, các cấp cần thống nhất cao giữa nói và làm. Chỉ như thế mới tạo lực hút mạnh mẽ, thuyết phục trí thức: nghe, thấy và làm theo. Ngọn cờ tập hợp trí thức rất quan trọng. Bác Hồ nhờ có đầy đủ: tài, đức, tri thức - đạo, năng, uy nên đã thật sự chinh phục trí thức. Thực tế cho chúng ta thấy: kết quả, việc làm cụ thể luôn là lời hiệu triệu chân thành nhất, có sức hấp dẫn mãnh liệt. Ngược lại nói mà không làm là sự lừa dối đáng sợ nhất; đánh mất lòng tin công chúng./.

 

                                                                                       Trần Nhật Nghĩa

                                                                                    Trưởng Khoa Dân vận

 

 

 

* Sách đã dẫn: « Bác Hồ với nhân sĩ, trí thức » -H. : Nhà xuất bản Thông Tấn, 2005.

(1): Trang 336;  (2) : Trang 14;  (3) : Trang 11;   (4) : Trang 360;   (5) : Trang 371;

(6) : Trang 365;   (7) :   Trang 25.


  • |
  • 1052
  • |

Các tin khác