HỌC TẬP VÀ LÀM THEO PHONG CÁCH DIỄN ĐẠT CỦA BÁC HỒ

  • /
  • 25.5.2012 - 11:14

Trong cuộc đời hoạt động của mình, Bác luôn quan tâm đến việc rèn luyện cách nói, cách viết, như rèn giũa một thứ công cụ chuyên dụng và luôn luôn khuyên, nhắc nhở cán bộ, đảng viên, những người tuyên truyền cũng làm như thế.

           Bác thường đặt ra bốn vấn đề khi nói và viết là:

Nói, viết cho ai? (đối tượng);

Nói, viết để làm gì? (mục đích);

Nói, viết cái gì? (nội dung);

Nói, viết như thế nào? (phương pháp)

           Với mỗi đối tượng cụ thể, Người đều có cách nói, cách viết phù hợp nhất. Nếu đối tượng là người phương Tây, Bác có cách viết rất “Tây”, sâu xa châm biếm, hài hước, ý nhị... Với nhân dân Việt Nam, Bác lại nói và viết rất giản dị, nhiều khi có vần, có đối như ca dao tục ngữ. Ví dụ, Người đã diễn đạt Bản yêu sách 8 điểm của nhân dân Việt Nam bằng thể thơ lục bát với tựa đề Việt Nam yêu cầu ca để người Việt Nam dễ đọc, dễ hiểu và dễ nhớ:

                                          Một xin thả kẻ đồng bào,

                                          Vì chung chính trị mắc vào tù giam.

                                          Hai xin pháp luật sửa sang,

                                          Người Tây người Việt hai phương cùng đồng.

                                          ...

          Bác nói cũng như viết, hết sức chân thực, ngắn gọn, rõ ràng, giản dị, dễ hiểu, bởi vậy, những lời Người nói, những bài Người viết có sức thuyết phục mạnh mẽ đối với người nghe, người đọc. Bác dạy thanh niên:

                                          Không có việc gì khó

                                          Chỉ sợ lòng không bền

                                          Đào núi và lấp biển

                                          Quyết chí ắt làm nên

           Lời dạy của Bác hết sức thấm thía, dễ hiểu, dễ nhớ, đã trở thành bài học nằm lòng của thanh niên Việt Nam và tất cả mọi người.

           Khi diễn đạt hay giải thích những vấn đề lý luận, chính trị, Bác thường dùng phương pháp so sánh và đưa ra những ví dụ đơn giản, gần gũi, dễ hiểu. Chẳng hạn, nói về vai trò quan trọng của đạo đức cách mạng, Người viết: đạo đức là nguồn nuôi dưỡng phát triển của con người, cũng như gốc của cây, như ngọn nguồn của sông suối, cây không có gốc thì cây héo, sông không có nguồn thì sông cạn, người không có đạo đức thì dù tài giỏi  mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Những hình ảnh con sông, nguồn nước, cây héo làm cho mọi người dễ dàng thừa nhận quy luật tất yếu của tự nhiên, từ đó cũng sẽ phải thừa nhận một cách hiển nhiên rằng người cách mạng phải có đạo đức cách mạng.

          Bác luôn nhắc nhở, để viết và nói giản dị, dễ hiểu thì phải chống bệnh hay nói chữ, ham dùng chữ, dùng chữ nước ngoài, thậm chí không hiểu cũng dùng. Bác sử dụng được nhiều ngoại ngữ nhưng Người luôn tránh dùng tiếng nước ngoài khi có thể dùng tiếng Việt. Ví dụ, Người dùng “Hội Chữ thập đỏ” thay cho “Hội Hồng thập tự”, “vùng trời Việt Nam” thay cho “không phận Việt Nam”, “nửa thuộc địa” thay cho “bán thuộc địa”,... Bác thường khuyên cán bộ, viết và nói phải ngắn gọn, sáng tỏ, thiết thực, đi thẳng vào vấn đề; tránh thói ba hoa, tránh viết dài mà sáo rỗng; viết và nói phải sao cho người đọc, người nghe dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm.

          Làm nghề giảng dạy đã khó, giảng dạy lý luận chính trị càng khó hơn; giảng như thế nào để học viên dễ hiểu, dễ nhớ và có thể vận dụng những điều đã học vào lĩnh vực mình công tác; giảng thế nào để học viên thực sự hứng thú học tập (chứ không phải học để đủ bằng cấp !)  Vì thế, cùng với việc chuẩn bị nội dung bài giảng thì phương pháp truyền đạt có vai trò không kém quan trọng. Vậy giảng viên học tập phong cách diễn đạt của Bác như thế nào trong việc giảng dạy lý luận chính trị ?

         Trước hết, giảng viên phải xác định đối tượng học viên về trình độ, lĩnh vực công tác, lứa tuổi… để điều chỉnh nội dung bài giảng và cách truyền đạt cho phù hợp. Không thể đem nguyên si một bài giảng với cùng một cách truyền đạt để áp dụng cho 2 lớp khác nhau, chẳng hạn như lớp trung cấp LLCT - HC hệ tập trung và lớp lớp trung cấp LLCT - HC hệ tại chức, vì mỗi lớp học, người học có trình độ khác nhau, yêu cầu khác nhau.

          Trong giảng dạy, giảng viên phải lựa chọn từ ngữ chính xác về chuyên môn, phù hợp với đối tượng, giản dị, dễ hiểu; sử dụng chính xác và hợp lôgic các liên từ (và, thì, vì vậy, cho nên, …), tránh lặp từ. Khi giảng giải, phân tích trên bảng, phải lựa chọn từ ngữ khái quát, tóm tắt, tránh viết quá nhiều. Đặc biệt, giảng viên tuyệt đối không viết hay nói những điều mình chưa chắc chắn hoặc chưa hiểu thấu đáo.

          Ngoài trang bị lý luận chính trị cho học viên, giảng viên phải gắn với thực tiễn, bám sát tình hình thực tiễn để người học hiểu và nắm chắc lý luận; giúp học viên biết cách vận dụng lý luận vào thực tiễn. Vì vậy, cần có nhiều ví dụ để chứng minh và làm sáng tỏ những vấn đề lý luận phức tạp; ví dụ phải thật điển hình, cụ thể, tránh nói chung chung hoặc nói tràn lan.

          Đối với những bài có nội dung quá dài so với thời gian học tập trên lớp, giảng viên phải xác định đúng trọng tâm để phân phối thời gian hợp lý, tập trung phân tích sâu, giảng giải kỹ nội dung trọng tâm; tránh nói tràn lan từ đầu bài đến cuối bài, mất thời gian mà kiến thức không sâu. Ngoài ra, tùy theo trình độ học viên, giảng viên cũng có thể chọn những nội dung phù hợp hướng dẫn người học tự nghiên cứu.  Để học viên dễ nắm bài và thuận lợi trong quá trình ôn tập thì sau mỗi nội dung, giảng viên cần chốt lại vấn đề cơ bản, mấu chốt.

          Tùy nội dung bài giảng, có thể dùng văn, thơ, nhạc, ca dao tục ngữ để minh họa cho bài giảng thêm sinh động, thu hút học viên. Đối với những giảng viên có năng khiếu văn nghệ thì nên tận dụng lợi thế này; tuy nhiên, phải sử dụng vừa phải, hợp lý.

          Học tập và làm theo phong cách đạo đức Hồ Chí Minh bắt đầu từ những điều tưởng như nhỏ nhất, đó là cách nói, cách viết; nó đơn giản, mộc mạc nhưng lại hết sức ý nghĩa./.

                                                                                                    Võ Thị Xuân Thuận

                                                                                             Trường Chính trị Bình Thuận


  • |
  • 1378
  • |

Các tin khác