Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc ươm trồng con người mới xã hội chủ nghĩa để xây dựng chủ nghĩa xã hội, việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là công việc trọng đại của đất nước, của dân tộc, của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: người cán bộ cần có đủ các tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức và tài năng. Sự nghiệp cách mạng bao giờ cũng là sự nghiệp vẻ vang song cũng đầy gian khổ hi sinh. Sự nghiệp ấy chỉ có thể được thực hiện bởi lực lượng quần chúng cách mạng đông đảo và có đội ngũ cán bộ cách mạng làm nòng cốt. Đó là những người hội tụ đủ những phẩm chất cần thiết như: có trí tuệ uyên bác, khả năng nắm bắt được quy luật vận động, phát triển của thời đại và dân tộc, có khả năng đề ra đường lối cách mạng đúng đắn; có khả năng vận động và tập hợp quần chúng, tổ chức họ vào cuộc đấu tranh cách mạng. Hồ Chí Minh chỉ rõ, người cán bộ phải có đức và tài. Người nói: “người có tài mà không có đức giống như người làm kinh tế giỏi nhưng tư lợi dẫn đến thụt két, còn người có đức mà không có tài chẳng khác gì ông bụt ngồi trên chùa, không làm hại ai nhưng chẳng có ích gì”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức là gốc của cách mạng. Chỉ khi có đầy đủ những phẩm chất đạo đức cách mạng cần thiết thì người cán bộ mới có điều kiện làm việc phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phụng sự Đảng. Nếu thiếu đạo đức cách mạng hoặc đạo đức cách mạng chưa đủ trong sáng thì người cán bộ không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ cách mạng được giao. Người khẳng định: “cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Theo Người thì đầu tư cho sự nghiệp trồng người, đầu tư cho công tác cán bộ là sự đầu tư sáng suốt nhất, có lãi cao nhất. Người nhấn mạnh: cán bộ là tiền vốn của đoàn thể. Có vốn mới làm ra lãi, không có cán bộ tốt thì hỏng việc tức là lỗ vốn. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công. Bác cho rằng: cán bộ phải là người có tài năng, thể hiện ở chỗ giỏi chuyên môn, thạo công việc mà mình đảm nhiệm, có khả năng tập hợp, tổ chức lãnh đạo nhân dân, quần chúng để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Đối với người cán bộ lãnh đạo, Người yêu cầu phải có óc quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, không được thụ động, ỷ lại.
Về công tác cán bộ Người cho rằng: đây là nhiệm vụ phức tạp, bao gồm nhiều nội dung gắn bó chặt chẽ với nhau. Người đã nhiều lần phân tích vấn đề này và chỉ ra rằng, chất lượng cán bộ là kết quả tổng hợp các khâu trong công tác cán bộ, từ phát hiện, đào tạo, đánh giá, sử dụng, đề bạt. Hồ Chí Minh khẳng định: công tác cán bộ là: “hiểu biết cán bộ, khéo dùng cán bộ, cất nhắc cán bộ, thương yêu cán bộ, phê bình cán bộ”. Tuy quan điểm này rất ngắn gọn nhưng hàm chứa những nguyên lý hết sức căn bản và khoa học. Đặc biệt, Người lấy “hiểu biết cán bộ” làm điểm xuất phát của toàn bộ quá trình hoạt động của công tác cán bộ. Hiểu đúng là cơ sở để sử dụng, cất nhắc, đánh giá đúng chính là cơ sở quyết định sự đúng đắn của toàn bộ công tác cán bộ.
Qua đây, chúng ta có thể khẳng định rằng: tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ là một hệ thống quan điểm sâu sắc, toàn diện, khoa học. Đồng thời, Người đã nêu ra và giải quyết những vấn đề cơ bản về cán bộ và công tác cán bộ một cách khoa học, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam./.