Có nhiều cách hiểu khác nhau về khởi nghiệp hay doanh nghiệp khởi nghiệp. Tại Việt Nam, vào năm 2016, với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2015”, đã đưa ra những thông tin tương đối rõ ràng hơn và làm rõ khái niệm về doanh nghiệp khởi nghiệp. Doanh nghiệp khởi nghiệp là “loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới”. Như vậy, cách hiểu phổ biến của Việt Nam về doanh nghiệp khởi nghiệp được xác định dựa vào 3 yếu tố chính là: (1) tăng trưởng nhanh; (2) tài sản trí tuệ, công nghệ - tức là khả năng đổi mới sáng tạo và (3) mô hình kinh doanh mới. Về cơ bản, cách nhìn nhận như vậy phù hợp với các quan điểm phổ biến của thế giới về hoạt động khởi nghiệp.
Tiềm năng phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam đang thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Làn sóng các công ty mới thành lập lan tỏa mạnh mẽ; nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã huy động được số tiền đầu tư lên đến hàng triệu USD. Cụ thể: Sự kiện 500 Startups của Mỹ công bố quyết định lập riêng một quỹ nhỏ trị giá 10 triệu USD để hỗ trợ vốn cho 100 đến 150 doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam. Giá trị mỗi lần hỗ trợ khoảng 100 nghìn đến 250 nghìn USD. Trong giai đoạn đến năm 2020, số vốn hỗ trợ sẽ tăng lên tới 100 triệu USD. Hay Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity (SCPE) và Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã đầu tư 28 triệu USD vào Ví điện tử MoMo. Và đây được xem là một trong những dự án gọi vốn thành công nhất của doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Ngoài ra, còn rất nhiều các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam đã huy động được các nguồn vốn đầu tư như nguồn vốn đầu tư vào GotIt! lên đến 9 triệu USD; Vntrip.vn với 3 triệu USD hay Toong với hơn 1 triệu USD,…
Để hoạt động khởi nghiệp thành công thì Việt Nam cần tích cực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp thân thiện thông qua các cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Hiện nay, cả nước có khoảng 21 cơ sở ươm tạo và 7 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Các mô hình này đang ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng sự hình thành và phát triển cho doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Khoa học và công nghệ, tính đến năm 2016, Việt Nam đã phát triển mới được khoảng 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp với nhiều loại hình tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Và theo kết quả khảo sát của Tổ chức BSSC thuộc Thành Đoàn Tp. Hồ Chí Minh cho thấy xu hướng lựa chọn lĩnh vực, ngành nghề của các doanh nghiệp khởi nghiệp bao gồm: khoảng 50% số doanh nghiệp khởi nghiệp là thuộc lĩnh vực công nghệ, 20% thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ và có tới 16% khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Khởi nghiệp là chủ đề nhận được sự quan tâm rộng khắp của cả các nhà lập chính sách, các doanh nghiệp và doanh nhân của Việt Nam trong những năm gần đây. Mặc dù đây là lĩnh vực mới, đặt cho các doanh nghiệp khởi nghiệp những thách thứ lớn, nhưng kết quả đạt được bước đầu là đáng trân trọng. Tuy nhiên, trong hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam trong thời gian qua vẫn còn nhiều khó khắn, vướng mắc như:
- Một là, các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn chưa đủ, chưa đồng bộ và chưa đảm bảo nhất quán khi áp dụng.
- Hai là, các chính sách hỗ trợ nói chung chưa đủ mạnh, vẫn thiếu các quy định cụ thể, mang nặng tính khuyến khích chung chung.
- Ba là, nguồn lực dành cho hỗ trợ khởi nghiệp còn hạn hẹp. Các chính sách Nhà nước hiện mới tập trung vào hình thành một số vườn ươm doanh nghiệp, bảo lãnh tín dụng với quy mô vừa phải,… chưa đủ mạnh để tạo ra những sự đột phá.
- Bốn là, chưa có sự phối hợp từ trung ương và địa phương để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới gắn với đặc thù của vùng miền.
- Năm là, các doanh nghiệp và cá nhân tham gia khởi nghiệp chưa thự sự có ý tưởng mới, sáng tạo để thu hút sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như quan tâm đầu tư của các nhà đầu tư.
- Sáu là, nguồn lực của các doanh nghiệp và cá nhân tham gia khởi nghiệp còn khá hạn hẹp.
Với những hạn chế nêu trên, ngày 16/05/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Với nghị quyết này, Chính phủ đã đưa ra một số cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao. Từ góc độ quản lý, điều hành, chuyển biến rõ nhất là việc Chính phủ đưa ra yêu cầu phải khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới như Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã được xây dựng và đưa vào vận hành; các hoạt động để thực hiện mục tiêu đề ra dđã được triển khai, đặc biệt là các nổ lực nhằm đạt con số đã định là hỗ trợ 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó 50 doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư với tổng giá trị ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.
Mặc dù vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng với những chủ trương, chính sách về thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp của các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền và giới doanh nghiệp, tôi tin rằng, các doanh nghiệp và cá nhân khởi nghiệp sẽ gia tăng niềm tin và động lực để phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng trong thời gian sắp tới./.