Ổn định là trạng thái tồn tại hài hòa giữa các yếu tố phát triển; nó mang tính tương đối và tính động. Không có sự ổn định cần thiết thì sự phát triển không thể diễn ra theo ý muốn. Do đó, ổn định được xem là điều kiện để sự phát triển diễn ra tốt. Ổn định không thể tồn tại dựa vào ý chí chủ quan mà nó tồn tại trên cơ sở vững chắc các mối quan hệ xã hội, sự bảo đảm vững chắc công bằng, bình đẳng, kỷ cương, kỷ luật và tâm lý xã hội cùng phát triển theo luật pháp.
Phát triển là thay đổi về lượng và chất của hệ thống từ trình độ thấp đến trình độ cao. Phát triển đối với một đất nước phải bao hàm cả phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tiềm lực quốc phòng - an ninh và quan hệ quốc tế.
Như vậy, đổi mới, ổn định và phát triển không tồn tại biệt lập, không đối lập nhau mà nương tựa vào nhau cùng tạo ra sự phát triển chung của quốc gia. Đổi mới, ổn định và phát triển đều do con người và vì con người. Con người vừa là mục đích, vừa là chủ nhân, là động lực của đổi mới, ổn định và phát triển.
Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức về mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển ngày càng rõ. Đồng thời, rất coi trọng mối quan hệ này và xác định đây là một trong tám mối quan hệ lớn cần “xử lý và giải quyết” trong quá trình thực hiện các phương hướng đi lên chủ nghĩa xã hội. Có thể khái quát quá trình nhận thức của Đảng ta về mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển như sau:
Giai đoạn 1986 - 1990: Trong bối cảnh nước ta lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, Đảng ta đã đề xướng chủ trương đổi mới, coi đổi mới là yếu tố quyết định để phát triển đất nước. Công cuộc đổi mới đã trở thành phong trào xã hội sâu rộng. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, từng vấn đề đổi mới, ổn định, phát triển thường được đề cập riêng lẻ ở các văn kiện khác nhau, chưa có văn kiện nào đề cập hai hoặc cả ba yếu tố đổi mới, ổn định, phát triển. Giai đoạn này Đảng và Nhà nước ta coi trọng yếu tố ổn định, đặc biệt là giữ vững ổn định chính trị.
Giai đoạn 1991 - 2000: Bám sát thực tiễn đất nước, ở giai đoạn này Đảng ta coi trọng đổi mới kinh tế, nhấn mạnh việc giữ ổn định để phát triển nhanh hơn.
Kế thừa phát triển tư tưởng của Đại hội VI, Đảng ta đã chỉ rõ, phải đổi mới tư duy sâu sắc hơn, nhất là tư duy kinh tế, rồi mới đổi mới tư duy chính trị. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Đảng ta đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (gọi tắt là Cương lĩnh năm 1991) tiếp tục đường lối đổi mới và khẳng định: “Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”[1]. Kết thúc 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VII, về cơ bản, thời kỳ này “Nước ta đã ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng và kéo dài hơn 15 năm, tuy còn một số mặt chưa vững chắc, song đã tạo được tiền đề cần thiết để chuyển sang một thời kỳ phát triển mới: đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”[2]
Đến Đại hội VIII, xuất phát từ thực tiễn đổi mới, ổn định và phát triển đất nước những năm cuối thế kỷ XX, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện và đồng bộ, tiếp tục phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[3]. Đây là giai đoạn đánh dấu bước phát triển quan trọng của kinh tế thời kỳ mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những thành quả này đã chứng minh cho việc đổi mới phải gắn liền với ổn định, an dân để phát triển là đúng đắn.
Từ 2001 đến nay: Đại hội lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam, trên cơ sở tổng kết thành tựu 5 năm của Đại hội VIII, đã bổ sung lý luận phát triển kinh tế: “Thực hiện nhất quán lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”[4]
Đặc biệt là tại Đại hội lần thứ XI và XII của Đảng, đã xác định, quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển là một trong tám mốii quan hệ lớn cần “xử lý và giải quyết” trong quá trình thực hiện các phương hướng đi lên chủ nghĩa xã hội.
Có thể nói, đến nay, cả ba yếu tố đổi mới, ổn định, phát triển đều được coi trọng, được đặc biệt quan tâm và ngày càng được đặt trong một mối quan hệ mật thiết.
Từ việc ứng phó với những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Đảng ta nhìn rõ hơn ba yếu tố và mối quan hệ giữa chúng và đã chỉ đạo quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước thu được nhiều thành tựu quan trọng; chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng được giữ ững. Cùng với việc khẳng định những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước trong 30 năm đổi mới, Đảng ta cũng nhận thức sâu sắc hơn những khó khăn, thách thức, yếu kém và bất cập ảnh hưởng đến tiến trình và chất lượng phát triển; Tổng kết thực tiễn 20 năm đổi mới (1986 - 2006) tại Đại hội X, 25 năm đổi mới (1986 - 2011) tại Đại hội XI và 30 năm đổi mới (1986 - 2016) Đại hội XII, Đảng ta ngày càng nhận thức đúng đắn hơn về giá trị của mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển đối với công cuộc xây dựng đất nước; đồng thời nhấn mạnh dân chủ và thực hành dân chủ để đảm bảo thắng lợi cho công cuộc đổi mới và phát triển đất nước./.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Chính trị quốc gia, HN. 2001, tr.9 - 10
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia , HN, 1996, tr.12
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, 1996, tr.91
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, 2001, tr.86