70 năm “lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”

Lịch sử dân tộc Việt Nam là quá trình dựng nước đi đôi với giữ nước, trải qua biết bao gian lao, thử thách với những mốc son chói lọi. Ngày 19/12/1946, Bác Hồ ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” là một mốc son lịch sử của dân tộc ta, đánh dấu sự mở màn cho cuộc kháng chiến toàn quốc vĩ đại của cả dân tộc với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

70 năm đã trôi qua, nhưng những giá trị lịch sử của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vẫn còn vẹn nguyên, nhất là trong thời kỳ đất nước đang đứng trước những nguy cơ và thách thức trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, chính quyền cách mạng vừa mới ra đời, còn non trẻ, đã phải đứng trước một tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế, văn hóa, xã hội và nạn thù trong, giặc ngoài. Ở miền Bắc nước ta là 20 vạn quân Tưởng, theo sau chúng là bọn Việt Quốc, Việt Cách âm mưu phá hoại chính quyền cách mạng. Ở miền Nam, là sự có mặt của quân đội Anh, Pháp, Nhật. Trên đất nước Việt Nam lúc bấy giờ, lực lượng quân sự nước ngoài xấp xỉ khoảng 30 vạn với những âm mưu khác nhau, nhưng đều có một mục đích chung là tiêu diệt chính quyền cách mạng non trẻ Việt Nam.

Để khắc phục khó khăn, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chủ trương nhằm xây dựng, củng cố bảo vệ chính quyền cách mạng, nỗ lực đàm phán ngoại giao để tránh một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù, thể hiện rõ mong muốn hòa bình của dân tộc Việt Nam. Song bất chấp những thiện chí của ta, thực dân Pháp nổ súng gây hấn nhiều nơi ở Hà Nội, quyết tâm xâm chiếm nước ta một lần nữa, những hành động của thực dân Pháp đã đặt nhân dân ta trước sự lựa chọn “hàng” hay “đánh”. Khi kẻ thù đã buộc ta phải cầm súng để bảo vệ Tổ quốc, thì nhân dân ta không sợ hy sinh, gian khổ, kiên quyết chiến đấu để bảo vệ độc lập, tư do cho dân tộc.

Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị, quyết định phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ngay đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến - một văn kiện rất ngắn gọn với những từ ngữ diễn đạt súc tích, gần gũi, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người, nhưng cũng rất đanh thép, vì vậy đã có tác dụng cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin vô bờ cho hàng triệu người dân Việt Nam muôn người như một, đoàn kết một lòng, “bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam” đều nhất tề đứng lên cầm vũ khí chống giặc ngoại xâm với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Để từ đó lập nên bao chiến công, đánh bại chủ nghĩa thực dân Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, tạo tiền đề cho thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giành độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc bằng đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Từ đó đến nay, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vẫn giữ nguyên giá trị, đó là giá trị của niềm tin chiến thắng, của sự đoàn kết, là giá trị của sự ý thức sâu sắc độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, là con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Hôm nay, chúng ta ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, để thêm một lần nữa khẳng định sự sáng suốt, tài tình của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, càng thêm tự hào, phấn khởi, trân trọng những gì cha ông ta đã làm được, để tiếp tục phát huy trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh các thế lực thù địch đang thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình; nạn tham nhũng lãng phí đang gây bức xúc trong xã hội. Vì vậy, trách nhiệm của Đảng, của dân tộc ta hiện nay là phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua thử thách, đồng sức đồng lòng tạo động lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, tiến tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.


Các tin khác