Pháp luật với đạo đức, tôn giáo, tập tục trong quản lý xã hội

Trong đời sống xã hội, có nhiều công cụ điều chỉnh cách xử sự của con người như pháp luật, đạo đức, tín điều tôn giáo, tập tục v.v. Trong đó pháp luật là công cụ chủ yếu Nhà nước sử dụng để quản lý xã hội. Sự cần thiết, tối cần thiết của luật pháp là điều hiển nhiên. Nhưng chỉ dựa vào pháp luật thì không đủ, cần có sự hỗ trợ của những yếu tố khác trong việc điều chỉnh hành vi con người, cộng đồng và quản lý đất nước.

Thực tiễn đã chứng minh tầm quan trọng của pháp luật đối với sự duy trì và phát triển của một xã hội, một đất nước. Pháp luật có những đặc trưng như:

Đó là tính bắt buộc chung. Pháp luật phải được thực hiện bởi tất cả các chủ thể trong xã hội, không phân biệt nguồn gốc, tôn giáo, dân tộc, tín ngưỡng, v.v.

Đó là tính minh bạch. Pháp luật được xác định chặt chẽ, ổn định, có thể tiên liệu, dự đoán trước.

Đó là tính được đảm bảo thực hiện bởi nhà nước. Pháp luật được đảm bảo thực hiện bởi Nhà nước thông qua hoạt động của các cơ quan công quyền.

Bên cạnh những ưu điểm, pháp luật có những điểm yếu cần phải được bổ khuyết. Cụ thể:

Pháp luật mang tính chủ quan. Pháp luật phụ thuộc vào ý chí của những người có thẩm quyền trong quy trình ban hành pháp luật hay nói cách khác pháp luật phụ thuộc vào trình độ, năng lực, mức độ am hiểu các vấn đề xã hội của các nhà làm luật. Pháp luật là sản phẩm của con người, bản thân con người đầy mâu thuẫn và không hoàn thiện vì vậy sản phẩm do con người làm ra hiển nhiên không thể hoàn thiện được, do vậy pháp luật không phải bao giờ cũng đúng, cũng là chân lí.

Pháp luật có tính khái quát hóa. Pháp luật là những qui tắc xử sự phổ biến do vậy nó cần phải mang tính khái quát hoá cao, sự khái quát hoá cao đó giữ cho luật pháp vừa ổn định lại vừa đảm bảo được một sự công bằng và thống nhất. Song nếu sự khái quát hoá quá cao, sẽ dẫn đến những qui định quá chung chung, pháp luật dễ dàng bộc lộ điểm yếu nhất - khó đi vào cuộc sống.

Pháp luật dễ bị lạc hậu so với cuộc sống. Xét thấy trong thực tế, không hệ thống pháp luật nào có thể bao trùm hết tất cả các quan hệ xã hội. Pháp luật suy cho cùng chỉ là sự phản ứng của con người trước những đổi thay của tự nhiên và xã hội, do vậy pháp luật luôn đi sau cuộc sống.

Chính những điểm yếu nói trên làm cho pháp luật, dù là cần thiết, thậm chí tối cần thiết, bản thân nó vẫn chưa hoàn toàn đủ để điều chỉnh toàn bộ hành vi con người, sự hài hoà của cộng đồng, để điều hành một xã hội, một đất nước. Trong hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật cần phải kết hợp và đặt pháp luật trong mối liên hệ với những qui phạm xã hội khác như đạo đức; phong tục, tập quán; điều lệ của các tổ chức xã hội…

Ngoài pháp luật, đạo đức là công cụ không thể thiếu để điều chỉnh cách hành xử của con người trong xã hội. Đạo đức là những quan điểm, quan niệm về chân, thiện, mỹ và những nguyên tắc, quy tắc xử sự tương ứng của mỗi người cũng như cả cộng đồng xã hội, thể hiện thái độ, tình cảm, sự đánh giá của cộng đồng cũng như của chính mỗi người về vấn đề đó. Nhờ có đạo đức, các hành vi trái với các quy tắc chung của công đồng bị hạn chế, trật tự xã hội được ổn định, quan hệ giữa con người được đảm bảo bằng tình yêu thương đồng loại, sự gắn bó, đùm bọc lẫn nhau, mang đạm tính nhân văn, nhân đạo. Pháp luật và đạo đức có sự gắn bó chặt chẽ và thống nhất với nhau. Nhiều quy tắc xử sự trong xã hội vừa là quy tắc đạo đức vừa là quy phạm pháp luật như nghĩa vụ giữa cha mẹ và con cái; nghĩa vụ tôn trọng, chung thủy giữa vợ chồng; nghĩa vụ chăm sóc, hiếu thuận đối với ông bà, người lớn tuổi, …Trong nhiều trường hợp, đạo đức và pháp luật có sự đánh giá thống nhất về các hành vi của con người ví dụ hành vi trộm cắp, giết người,… bị pháp luật trừng phạt và đạo đức lên án; hành vi cứu giúp người gặp khó khăn được pháp luật khen thưởng, đạo đức hoan nghênh… Nhiều quan hệ xã hội được đạo đức điều chỉnh nhưng pháp luật không điều chỉnh như quan hệ bạn bè, quan hệ trong lĩnh vực tình yêu,… Ngược lại, pháp luật điều chỉnh quan hệ giữa các cơ quan quyền lực, hành chính… nhưng đạo đức thì không. Đạo đức người Việt Nam được hình thành trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam, đúc kết những tư tưởng đạo đức phương Đông, và tinh hoa đạo đức nhân loại… Đạo đức xã hội là cơ sở để xây dựng pháp luật, tạo điều kiện cho pháp luật được mọi người thực hiện đầy đủ, nghiêm minh. Chúng ta thấy rằng, đa phần những người có đạo đức tốt là những người có ý thức thực hiện pháp luật cao và ngược lại, người không có đạo đức tốt dễ vi phạm pháp luật. Pháp luật là vũ khí sắc bén khi nó được thực hiện bởi những người có đạo đức, dung để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, xã hội.

Đất nước Việt Nam, nơi sinh sống của nhiều dân tộc khác nhau, mỗi dân tộc có những tập tục truyền thống khác nhau. Tập tục là một bộ phận quan trọng trong vốn văn hóa truyền thống, là công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội mà còn chứa đựng những triết lý sâu xa về nhân sinh, cội nguồn, v.v. Tập tục là chuẩn mực cho hành vi của con người trong những hình thức tổ chức xã hội ở những phạm vi dòng họ, xóm, ngõ, làng, bản. Những chuẩn mực này được tuân thủ qua nhiều thế hệ, trở thành những “thông  lệ pháp lý” và là “cương lĩnh về nếp sống” của từng cộng đồng dân cư Việt, một công cụ điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, một tri thức dân gian về quản lý cộng đồng. Tập tục đã được hình thành và tồn tại trước khi có pháp luật, pháp luật chỉ thay thế một phần chứ không thay thế tập tục một cách hoàn toàn trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Trong số những tập tục còn tồn tại ở nước ta cho đến nay, có nhiều tập tục tiến bộ góp phần duy trì quản lý xã hội, vì hạnh phúc nhân sinh. Tập tục các dân tộc thiểu số góp phần bảo vệ thuần phong mỹ tục, bảo vệ các nguồn lợi từ thiên nhiên (bảo vệ rừng lâu năm, rừng đầu nguồn, rừng thiêng, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ nguồn tôm cá, cấm đánh bắt, săn bắn bừa bãi,…). Chẳng hạn như ở vùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vì coi rừng là nguồn tài sản vô giá của buôn làng, rừng có quan hệ mật thiết với cộng đồng dân cư, tập tục quy định rõ tầm quan trọng của bảo vệ rừng, tôn trọng các quy tắc của cộng đồng về xác lập chủ quyền đối với rừng và đất rừng của từng gia đình, dòng họ. Tập tục răn dạy mọi người không nên làm những việc xấu, không làm những điều ác, không trộm cắp, không loạn luân, không uống rượu say, không đánh đập vợ con,…; lấy việc khoan dung, hoà giải làm trọng. Bên cạnh đó, cũng có không ít những tập tục lạc hậu, không phú hợp với nếp sống văn minh hiện nay, thậm chí có tập tục trái với cả các quy định tiến bộ của pháp luật, cản trở việc thực hiện pháp luật, chẳng hạn như tục nối dây (chun nuê của người Ê Đê hay mã kơ mai của ngời Chăm Roi), tảo hôn, trọng nam, khinh nữ v.v. đối với những tập tục có nội dụng trái pháp luật, có hại cho tiến bộ xã hội sẽ bị pháp luật kìm hãm, cấm đoán hay loại trừ. Về cơ bản, pháp luật và tập tục đồng hành với nhau, pháp luật sẽ tiêu vong khi những cơ sở kinh tế, xã hội cho sự tồn tại của nó không còn, những tập tục tốt đẹp vẫn còn với đời sống con người trong mọi xã hội.

Việt Nam không những là một quốc gia đa dân tộc mà còn là quốc gia đa tôn giáo. Đời sống tâm linh của người Việt rất phong phú, ở Việt Nam tồn tại và phát triển khá nhiều tôn giáo như Cao Đài, Công giáo, Phật giáo, Hòa Hảo, Tin lành, v.v. trong đó phổ biến là Phật giáo và Công giáo. Mỗi tôn giáo có những triết lý riêng về thế giới, con người gồm trách nhiệm, quyền của những người theo tôn giáo đó, cách ứng xử của mỗi tín đồ cần thực hiện trong đời sống đạo của mình. Quan điểm và niềm tin tôn giáo của nhân dân có vai trò quan trọng đối với hệ thống pháp luật, đặc biệt là luật hôn nhân gia đình và luật hình sự, tôn giáo có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội, duy trì trật tự xã hội, giáo dục, cảm hóa con người sống lương thiện, tránh làm ác. Những điều này có tác dụng thiết thực, hữu dụng cho cuộc sống hiện nay và chúng hoàn toàn phù hợp với nội dung, tinh thần của pháp luật. Ở mức độ nhất định, một số tín điều tôn giáo thống nhất với pháp luật, hỗ trợ để pháp luật được thực hiện nghiêm minh.

Luật pháp có thể yêu cầu mọi người phải làm điều này không được làm điều kia nhưng khi kêu gọi hướng đến cái đẹp, cái thiện thì luật pháp bỗng trở nên bất lực.Chính đạo đức, phong tục tập quán tốt đẹp, tín điều tôn giáo... lại có khả năng làm được và làm tốt điều này. Ngay cả văn học nghệ thuật, đức tin v.v.cũng có vai trò không thể phủ nhận được. Chẳng hạn, trong thời chiến tranh, noi theo gương ông cha đi trước hoặc nghe một bản nhạc, đọc một bài thơ, một cuốn sách, nhiều thanh niên sẵn sàng rời ghế nhà trường ra đi chẳng tiếc tuổi xanh, để quyết tử cho tổ quốc quyết sinh....

Nhà nước pháp quyền là nhà nước vị pháp luật, một nhà nước quản lí xã hội bằng pháp luật. Trong việc điều chỉnh hành vi con người, phối hợp hài hòa pháp luật với những công cụ khác để phát huy chức năng quản lý xã hội, điều chỉnh hành vi con người đồng thời hướng con người tới được những giá trị cao cả.

Tóm lại, luật pháp cần, rất cần thiết, nhưng chỉ dựa vào luật pháp là chưa đủ./.


Các tin khác