Vận dụng kiến thức thực tiễn vào giảng dạy lý luận chính trị

Trong những năm qua Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận luôn quan tâm đến công tác đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy, lý luận gắn với thực tiễn trong đội ngũ giảng viên nhà trường đặc biệt là đội ngũ giảng viên trẻ, tập sự giảng viên, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tỉnh nhà.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy, hàng năm nhà trường tổ chức thao giảng, dự giờ cấp khoa, cấp trường từ đó cử giảng viên tham dự hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Học viện; lấy phiếu phản hồi từ học viên về chất lượng bài giảng của giảng viên, qua đó nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên cũng như tạo điều kiện để giảng viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Một bài giảng có chất lượng được cấu thành bởi nhiều yếu tố từ khâu soạn giảng, cập nhật tư liệu, cách thức truyền đạt, phương pháp sư phạm, thâm niên giảng dạy… Trong đó “kiến thức thực tiễn” trong mỗi nội dung của bài giảng là một yếu tố không kém phần quan trọng, nó làm cho bài giảng trở nên sinh động và có hồn, mang hơi thở cuộc sống. Như vậy, “kiến thức thực tiễn” ở đây được hiểu là thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, là sự vận động của đời sống xã hội. Vậy, làm thế nào để giảng viên vận dụng “kiến thức thực tiễn” vào bài giảng.

 Muốn vận dung “kiến thức thực tiễn” vào bài giảng đòi hỏi mỗi giảng viên phải có kiến thức thực tiễn quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là kiến thức thực tiễn quản lý nhà nước ở chính quyền cơ sở vì đối tượng học viên phần lớn đang công tác tại cấp xã. “Kiến thức thực tiễn” có được thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, sách, báo, thông qua trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp, qua hoạt động nghiên cứu thực tế ở cơ sở và qua trao đổi với học viên trên lớp và cả thực tế… Nhưng “kiến thức thực tiễn” không chỉ một màu mà nó đa dạng. Điều đó, đặt ra cho mỗi giảng viên đặc biệt là đội ngũ giảng viên trẻ làm sao phải biết sàng lọc và vận dụng kiến thức thực tiễn một cách phù hợp, khoa học và sáng tạo lẫn nghệ thuật chuyển tải thông tin với từng nội dung trong mỗi bài giảng có như thế chất lượng bài giảng mới hiệu quả. Vì nếu chỉ lựa chọn những màu tươi sáng thì sẽ dễ dẫn đến phản ánh một chiều, không thuyết phục người nghe, nhưng ngược lại nếu chọn “màu đen” thì có nguy cơ sai với chủ trương, đường lối của Đảng và hiệu quả của công tác đào tạo lại phản tác dụng. Vậy, mỗi giảng cần phải làm thế nào để khai thác thông tin từ thực tiễn một cách linh hoạt, thuyết phục và hiệu quả để vận dụng “kiến thức thực tiễn” vào mỗi nội dung bài giảng một cách khoa học, loogic và từng bước nâng tầm chất lượng nội dung bài giảng. Để làm được điều đó đòi hỏi cả một quá trình thâm niên, quá trình xâm nhập nghiên cứu thực tiễn, nghệ thuật giảng dạy ở từng giảng viên.

Để vận dụng “kiến thức thực tiễn” vào bài giảng nhằm làm cho bài giảng có hơi thở cuộc sống và trở nên sinh động hơn, lôi cuốn học viên, thì ngoài việc nghiên cứu lý luận. Hằng năm, nhà trường và các khoa thường xuyên tổ chức nhiều đợt nghiên cứu thực tế ở trong tỉnh, ngoài tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể, qua mỗi đợt nghiên cứu thực tế là dịp để đội ngũ giảng viên có cơ hội nắm bắt được tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, đồng thời nắm bắt được những chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ở địa phương,  hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở có những ưu điểm, khuyết điểm gì. Điều đó, sẽ giúp ích rất nhiều trong việc bổ sung kiến thức thực tiễn cho nội dung bài giảng thêm sinh động và góp phần quan trọng vào việc chuyển tải thông tin, giúp cho học viên vận dụng những tri thức được học vào việc giải quyết các nhiệm vụ cụ thể của địa phương.

Để giảng viên có điều kiện thâm nhập thực tiễn ở cơ sở sâu hơn và có thời gian thẩm thấu thực tiễn, nhà trường đã xây dựng đề án đưa giảng viên đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở, nhằm tạo ra sự liên hệ sát với hoạt động thực tiễn, những vấn đề phát sinh, những tình huống “gay cấn” trong cuộc sống đời thường mà đội ngũ giảng viên chưa thể tiếp cận được đang diễn ra trên địa bàn cơ sở, như vậy thì những vấn đề từ phức tạp, trừu tượng sẽ trở nên dễ hiểu dễ tiếp thu hơn khi giảng viên truyền đạt kiến thức đến học viên.

Ngoài ra, mỗi giảng viên phải tự thâm nhập thực tiễn, thường xuyên theo dõi thời sự, cập nhật thông tin mới, chính thống hằng ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao chất lượng nghiên cứu lý luận để tìm được thực tiễn phù hợp nhằm chứng minh cho nội dung nêu ra, giúp học viên hiểu sâu sắc lý luận hơn. Đó chính là nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy lý luận gắn với thực tiễn như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “lý luận mà không có thực tiễn là lý luận suông, thực tiễn mà không có lý luận là thực tiễn mù quáng”. Bài học giá trị này giảng viên cần lưu tâm đối với việc giảng dạy lý luận chính trị./.


Các tin khác