Một vài trao đổi nhằm nâng cao chất lượng thảo luận của các lớp trung cấp LLCT-HC, hệ tập trung tại Trường Chính trị Bình Thuận

Thảo luận phần học là một trong nội dung bắt buộc của chương trình TCLLCT - HC, hệ tập trung. Hiện nay, trường Chính trị Bình Thuận vẫn áp dụng phương pháp thảo luận trên lớp. Vì thảo luận là phương pháp mà học viên không còn làm việc cá nhân mà là làm việc chung với nhau ngay trên lớp và thảo luận về những vấn đề do khoa chủ quản - phụ trách bộ môn đó - đề ra nhằm mục đích giúp học viên tìm hiểu sâu kỹ hơn một số nội dung quan trọng của phần học với sự giám sát, điều hành chung của lớp trưởng hay của giảng viên. 

Ưu điểm của việc thảo luận phần học của chương trình TCLLCT - HC, hệ tập trung tại trường Chính trị Bình Thuận là khi những vấn đề được giao hoặc phân công cho lớp thảo luận, các  học viên trong lớp sẽ cố gắng tìm hiểu để trình bày ‎ý kiến của mình trước cả lớp và vào giấy - vì theo yêu cầu là tất cả học viên đều phải có đề cương trước khi thảo luận. Đồng thời, lúc này, tinh thần hợp tác trong lớp giữa các học viên trong lớp sẽ được phát huy và hỗ trợ lẫn nhau.  Do đó, việc học tập sẽ mang lại kết quả tốt hơn.

Thảo luận trong lớp cũng là dịp được bộc lộ phát huy những động lực tiềm tàng ở mỗi cá nhân học viên. Đây cũng chính là cơ hội để cho học viên học tập lẫn nhau và khi được thầy cô tổng kết giải đáp, học sinh sẽ hiểu bài hơn, nhớ lâu hơn.

Tuy nhiên, việc thảo luận của các lớp TCLLCT - HC, hệ tập trung của trường Chính trị Bình Thuận cũng gặp một số bất cập như sau:

Khi lớp thảo luận hoạt động dưới sự giám sát của thầy cô giáo, những thói quen xấu ít nhiều sẽ bị loại trừ. Tuy nhiên, đôi khi giảng viên của khoa đi giảng và không thể dự cùng với lớp thì những việc  như: nói chuyện riêng, thiếu tập trung, đùa giỡn, hát hò… diễn ra khá thường xuyên; điều đó, ít nhiều làm ảnh hưởng đến chất lượng của buổi thảo luận.

Hiện nay chưa có văn bản nào quy định việc đánh giá chất lượng thảo luận đối với học viên. Đây cũng là một hạn chế không phải nhỏ, bởi lẽ nếu có điểm số đánh giá, thì chất lượng thảo luận chắc chắn sẽ khác vì nó bắt buộc học viên phải cố gắng tối đa.

Và không phải hễ cứ thảo luận là tất cả mọi thành viên đều tích cực mà còn xuất hiện tâm lý ỷ lại vào Ban Cán sự lớp và Ban Cán sự tổ,.. (vì họ thường là học khá hoặc tích cực hơn). Như vậy, một số học viên khác sẽ biến thành thụ động. Lớp càng đông, càng nhiều học viên thụ động nếu giáo viên không tích cực giám sát khi lớp thảo luận. 

Từ những bất cập trên, tôi mạnh dạn nêu lên một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao chất lượng thảo luận như sau:

Thứ nhất: Để khắc phục tâm lý ỷ lại vào Ban Cán sự lớp, các thầy cô nên thỉnh thoảng gọi học viên không phải là Ban Cán sự lớp hay Ban Cán sự tổ phát biểu. Làm thế vài lần tâm lý ỷ lại sẽ giảm bớt đi và buộc thành viên nào trong lớp cũng phải chú ý phát biểu. 

Thứ hai: Không nên quá 3 lần thảo luận trong một phần học (nhiều lần quá chưa hẳn đã tốt vì chương trình phần học có hạn). Cũng không nên lạm dụng thảo luận vì sẽ gây nhàm chán nơi học viên. 

Thứ ba: Đề tài thảo luận nên là những vấn đề mở (chưa có giải đáp trong Giáo trình) thì mới gây được hứng  thú cho học viên. Không nên chọn những đề tài đã có lời giải trong Giáo trình.  

Thứ tư: Phản hồi ý kiến sau khi học viên phát biểu là một việc làm mà thầy cô không được bỏ qua. Phải có ý kiến dứt khoát học viên trả lới đúng, sai hay thiếu sót như thế nào và kịp thời sửa chữa bổ sung mới được kết thúc phần thảo luận.  

Trên đây là một số vấn đề tôi muốn trao đổi khi được phân công tham gia dự thảo luận cùng với lớp. Hy vọng sẽ góp phần nhỏ vào việc nâng cao chất lượng thảo luận của các lớp TCLLCT - HC, hệ tập trung tại Trường Chính trị Bình Thuận./.


Các tin khác