Những điều cần tránh khi xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm khách quan

Biên soạn bộ đề thi trắc nghiệm khách quan có 4 dạng: đa phương án, đúng sai, ghép hợp, điền khuyết, ở mỗi dạng đều có ưu, khuyết điểm và những điều cần tránh khi xây dựng ngân hàng câu hỏi.

Theo nghĩa chữ Hán, “trắc” có nghĩa là “đo lường”, “nghiệm” là “suy xét”, “chứng thực”.  So với các hình thức thi khác trắc nghiệm có nhiều lợi ích như: người học dành nhiều thời gian để đọc và suy nghĩ, lựa chọn câu trả lời đúng nhất trong số những câu trả lời gợi ý; khảo sát được số lượng lớn thí người học và cho ra kết thi quả nhanh nhất vì người chấm ít tốn công và kết quả chấm là khách quan vì không bị ảnh hưởng tâm lý khi chấm; mặt khác hình thức thi trắc nghiệm điểm số đáng tin cậy, công bằng, chính xác, vô tư; đồng thời, ngăn ngừa người học “học tủ”. Tuy nhiên hình thức thi trắc nghiệm còn bộc lộ những hạn chế: thí sinh nếu không học, không hiểu thậm chí không biết có khuynh hướng đoán mò đáp án nên có may rủi dẫn đến xác suất thí sinh đoán mò và đã làm đúng; bên cạnh đó hình thức này không thấy rõ diễn biến tư duy của thí sinh hoặc một đề bài luận đề tương đối dễ soạn nhưng khó chấm điểm, còn trắc nghiệm thì khó soạn nhưng dễ chấm điểm; mặt khác, đối với người ra đề tốn công sức, thời gian đầu tư  cho soạn bộ đề rất lớn…

Từ những lợi ích và hạn chế đã nêu, theo tôi để biên soạn bộ đề thi trắc nghiệm khách quan có 4 loại: đa phương án, đúng sai, ghép hợp, điền khuyết, trong đó câu hỏi đa phương án được dùng phổ biến hơn cả. Những câu hỏi trắc nghiệm khách quan ở mỗi dạng đều có các nguyên tắc hay yêu cầu khi soạn chúng. Bên cạnh, những điều đó thì có một số điều đã được kiểm nghiệm trong thực tế và cần tránh khi xây dựng ngân hàng câu hỏi như sau:

Một, Xây dựng câu hỏi một cách chủ quan theo ý của người ra câu hỏi, không dựa vào kết cấu của giáo trình (theo từng mục, theo từng bài). Cơ cấu câu hỏi phải dựa vào tầm quan trọng của từng bài.

Hai, Phần đáp án hoặc quá rõ (người làm bài tuy không có chuyên môn vẫn có thể trả lời được) hoặc quá chung chung (gây tranh cãi).

Ba, Thiếu căn cứ đối với các câu trả lời sai, các câu trả lời sai phải hợp lý, nên dùng các từ quen thuộc đối với người làm bài trong các câu trả lời sai, nếu có từ dễ nhận dạng trong câu trả lời đúng thì nên để các từ này xuất hiện cả trong các câu trả lời sai.

Bốn, Dùng nhiều các từ mang tính tuyệt đối hóa như “tất cả”, “luôn luôn”, “không bao giờ”, “hiếm khi”, hoặc các từ có ý nghĩa mập mờ như: “thường là”, “tiêu biểu là”, “có lẽ” hoặc các từ nhóm “ tất cả những câu trên là đúng”, “không câu nào trên đây là đúng”, cần thận trọng khi dùng các từ/ cụm từ vừa nêu.

Năm, Dùng các câu phủ định 2 lần. Đưa ra quá nhiều câu trả lời, tối đa chỉ nên 4 câu. Đồng thời, hình thức bên ngoài của các câu trả lời khác xa nhau. Các câu trả lời dạng lựa chọn nên có cùng độ dài và cấu trúc ngữ pháp.

Sáu, Câu hỏi mang tính giải thích, dài, nhiều mệnh đề. Nên dùng câu ngắn, có kết cấu câu rõ ràng (chủ ngữ, vị ngữ…). Nếu câu hỏi không rõ, có thể hiểu nội dung khác nhau thì cả người có trình độ chuyên môn cao vẫn có thể trả lời sai.

Thiết nghĩ hình thức thi trắc nghiệm ngày càng được áp dụng rộng rãi do tính ưu việt của chúng tuy nhiên cần phải biên soạn bộ đề thật khách quan, khoa học sẽ phát huy được khả năng tự học và năng lực sáng tạo của người học; mặt khác hình thức này giúp giảng viên điều chỉnh kiến thức nội dung giảng dạy phù hợp với đối tượng người học./.

                                                                                 


Các tin khác