Những tháng qua và những ngày gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên các mặt báo, có nhiều tin, bài viết về ông Huỳnh Văn Nén, cư trú tại thị trấn Tân Minh huyện Hàm Tân, người bị kết án oan sai trong vụ án giết người và cướp tài sản vào tháng 4/1998 mà nạn nhân là bà Lê Thị Bông ở xã Tân Minh (nay là thị trấn Tân Minh) huyện Hàm Tân, khiến dư luận cả nước, nhất là những người quan tâm đến lĩnh vực hoạt động tư pháp lần nữa nhớ lại nơi mà trước đây, vào năm 2006, các cơ quan tố tụng ở địa phương Bình Thuận đã tổ chức xin lỗi oan sai đối với gia đình bà Nguyễn Thị Lâm trong vụ án giết người tại vườn điều thuộc địa bàn xã Tân Minh ( tháng 5/1993), nạn nhân bị giết là bà Dương Thị Mỹ. Vụ án đó, ông Huỳnh Văn Nén bị kết án 6 năm tù với vai trò là người đồng phạm giết bà Dương Thị Mỹ.
Dư luận cả nước hẵn chưa lắng xuống về vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở tỉnh Bắc Giang, là người bị kết án oan với mức hình phạt tù chung thân trong vụ án giết người và cướp tài sản tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên (Bắc Giang. Ông Chấn được minh oan cách đây 2 năm và đã được bồi thường thiệt hại 7,2 tỷ đồng. Nay lại tiếp tục “nóng” lên vụ ông Huỳnh Văn Nén vừa được các cơ quan tố tụng ở tỉnh Bình Thuận tổ chức công khai xin lỗi vì bị kết án oan. Điều đó chứng tỏ trách nhiệm và sự thành khẩn của các cơ quan tố tụng nói riêng và trách nhiệm của Nhà nước trước pháp luật, trước công dân bị oan sai được thể hiện theo đúng tinh thần của cải cách tư pháp. Đây không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn là đạo lý, là nghĩa cử nhân văn. Việc đó sẽ làm cho người bị oan sai vơi bớt nổi đau và sự mất mát, và được dư luận nhân dân rất đồng tình. Đó là biểu hiện của nền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền - dân chủ, tôn trọng công lý, quyền con người và quyền công dân. Tuy vậy, từ những vụ án oan sai và việc công khai xin lỗi, qua đó cũng cần có một cách toàn diện để thấy ở một khía cạnh khác còn những điều phải trăn trở và suy ngẫm từ phía trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tiến hành tố tụng.
Lời người xưa đã nói “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” (một ngày trong tù bằng nghìn ngày ở ngoài đời). Vậy mà ông Nguyễn Thanh Chấn có hơn 3600 ngày, và ông Huỳnh Văn Nén với hơn 6100 ngày tù tội, đã phải nếm trãi biết bao những đắng cay, tủi nhục của oan sai!. Khó có thể một giá nào bù đắp được những tổn thất đó. Có lẽ ông Huỳnh văn Nén là người “hiếm có” trong lịch sử tố tụng ở Việt Nam, được mệnh danh “người tù thế kỷ”, vì chính ông phải gánh chịu nỗi oan khuất trong hai vụ án đặc biệt nghiêm trọng đều xảy ra trên địa bàn xã Tân Minh trước đây, phải ngồi tù oan hơn 17 năm ròng rã!. Hậu quả đó cần phải có sự phán quyết về mặt pháp lý, trước hết là ở các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Người bị oan sai và dư luận rất hài lòng khi tại lễ công khai xin lỗi ông Huỳnh Văn Nén, ngoài việc nhắc lại những vấn đề oan sai đối với cá nhân ông Nén trong 2 vụ án oan, đại diện TAND tỉnh Bình Thuận đã thẳng thắn: “Chúng tôi thừa nhận sai sót đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng này, thừa nhận khuyết điểm và xin chịu hoàn toàn trách nhiệm theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên điều dự luận trông đợi hơn khi lời đó được trở thành hiện thực và nó không dừng lại ở đại từ nhân xưng.
Có thể nói chưa lúc nào pháp luật ở nước ta lại quan tâm bảo vệ quyền con người, quyền công dân như giai đoạn hiện nay. Nhằm đề cao trách nhiệm của Nhà nước với công dân, Quốc hội đã không ngừng hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực tư pháp; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 388, năm 2003 về việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra. Hiện nay đã có Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước được ban hành năm 2009 thay thế NQ số 388. Đặc biệt đáng lưu ý trong Hiến pháp năm 2013, tại Điều 31 đã quy định: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật.”. Tại kỳ họp thứ X Quốc hội khóa XIII vừa qua, khi tiến hành sửa đổi Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự, các đại biểu Quốc hội đã bàn thảo, cân nhắc kỹ lưỡng các vấn đề vừa mới, vừa hết sức nhạy cảm như “quyền được im lặng” của bị can, người bị tạm giam, tạm giữ và vấn đề thực hiện ghi âm, ghi hình trong khi tiến hành hỏi cung để chống oan sai cho bị can và những người tiến hành tố tụng. Ở tỉnh ta, theo báo Bình Thuận thông tin, trong kỳ họp lần thứ XII của HĐND tỉnh Bình Thuận tới đây sẽ xem xét ban hành 15 Nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết về tiếp tục nâng cao chất lượng, kết quả, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh. Song pháp luật dù hoàn thiện đến đâu thì yếu tố quyết định vẫn là cơ quan và những người cầm cân nãy mực, nhân danh công lý để phán quyết những bản án tâm phục, khẩu phục, vì nó đã đúng người, đúng tội, đúng pháp luật./.