Vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên trong giai đoạn hiện nay

Trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp vì nước, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã để lại cho cách mạng và nhân dân Việt Nam kho di sản vô giá đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có vấn đề bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái. Vận dụng những tư tưởng của Người về môi trường sống giúp chúng ta nhận thức và góp phần giải quyết tốt hơn các vấn đề về môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên trong giai đoạn hiện nay.

Ở Việt Nam, ngay sau khi hòa bình được lập lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến việc bảo vệ môi trường sinh thái, đấu tranh chống lại tại họa của thiên nhiên, “trồng cây”, “bảo vệ rừng và chống phá rừng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động “Tết trồng cây” để phong cảnh ngày càng tươi đẹp, khí hậu hài hòa và cải thiện môi trường sống cho nhân dân. Tác dụng của chủ trương này, không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn thể hiện nhãn quan tổng hòa các mối quan hệ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học và thẩm mỹ của Người. Theo Người, trồng cây, gây rừng là “việc làm ít tốn kém mà lợi ích nhiều” và “trong mười năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp khí hậu sẽ hiền hòa hơn, cây gỗ sẽ đầy đủ hơn. Điều đó, sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”[1]. Cho đến lúc sắp đi xa, Bác vẫn căn dặn chúng ta phải thường xuyên trồng cây, gây rừng và bảo vệ môi trường sống.

 Người đã đưa ra lời cảnh báo về những mối nguy hiểm nếu như chúng ta phá vỡ hệ cân bằng sinh thái: “Nếu rừng kiệt thì không còn gì, vì mất nguồn nước thì ruộng đất mất màu, gây ra lụt và hạn hán”[2]. Do đó, Người kêu gọi “phải có kế hoạch trồng rừng và tích cực bảo vệ rừng”[3].

Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến mọi mặt đời sống của nhân dân, trong đó có môi trường sống. Năm 1947, Người viết tác phẩm “Đời sống mới” đề cập đến vấn đề này rất nhiều. Người luôn căn dặn các chiến sĩ “Chớ tắm nước lã nhiều quá. Chớ uống nước lã, chớ ăn no quá… Tổ chức vệ sinh chung để sửa sang, quét dọn đường sá trong làng”.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Người luôn nhắc nhở nhân dân “phải giữ gìn vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, ở sạch thì sức mới khỏe, sức càng khỏe thì lao động càng tốt”[4]. Và “muốn có nước sạch thì phải đào giếng, đào nhiều giếng sẽ có nhiều nước sạch”[5]. Tư tưởng này của Người không những thể hiện tính nhân văn to lớn, mà còn mang tính thời sự sâu sắc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lên án gây gắt những kẻ tạo ra vũ khí giết người hàng loạt, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Người tố cáo Mỹ đã dùng máy bay B52 ném bom trải thảm trên đất nước ta, Người cũng lên án các nước đế quốc thử bom nguyên tử, hạt nhân trên biển làm ô nhiễm vùng biển nói riêng và môi trường sống của nhân loại nói chung. Từ đó, chúng ta rút ra, cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường gắn liền với cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc.

Từ những quan điểm về môi trường sinh thái, Người đã chỉ cho chúng ta thấy: các nhân tố kinh tế, con người, môi trường, công nghệ gắn bó chặt chẽ với nhau. Chỉ có sự thực hiện đồng bộ các nhân tố mới tạo ra được sự tiến bộ thật sự của xã hội. Ở đây, con người với tư cách là chủ thể của lao động và trí tuệ; là nhân tố giữ vai trò quyết định cho sự phát triển lâu bền. Và, bảo vệ về môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên là vấn đề cấp thiết của loài người. Bởi vì, hậu quả ô nhiễm môi trường đã, đang và sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người một cách nghiêm trọng.

Đối với Việt Nam, trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội và tiến hành công nghiệp hóa, chúng ta đã khai thác ồ ạt các nguồn tài nguyên thiên nhiên làm cho tài nguyên quý giá bị cạn kiệt và môi trường bị ô nhiễm một cách trầm trọng. Theo đó, độ che phủ rừng Việt Nam đã giảm sút đáng báo động; nếu năm 1943 rừng chiếm 435 tổng diện tích cả nước thì đến năm 1990, con số này chỉ còn 28,4%[6]. (Đến năm 2014, do chúng ta thực hiện tốt các chính sách về trồng rừng nên độ che phủ rừng đạt 41%). Bên cạnh đó, hiện tượng thiếu nước ngọt và sự nhiễm bẩn nước ngọt ở nhiều nơi là vấn đề nan giải. Tiềm năng nước ngầm ở nước ta khoảng 48 tỷ m3/năm và trữ lượng khai thác dự báo từ 6-7 tỷ m3/năm[7]. Nhưng  do độ che phủ rừng giảm mạnh nên nạn hạn hán xảy ra thường xuyên ở nhiều vùng trên đất nước chúng ta, đặc biệt là miền Bắc và miền Trung.

Ô nhiễm nước do nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp cũng xảy ra ở khắp nơi, tất cả 2360 con sông lớn nhỏ ở Việt Nam đều bị ô nhiễm ở mức độ khác nhau do 1 tỷ m3 chất thải hàng năm chưa xử lý, thả trực tiếp ra sông[8]. Môi trường vùng ven biển bị thoái hóa trầm trọng, Việt Nam có bờ biển dài hơn 3260 km2 với nhiều kiểu hệ sinh thái biển, ven biển, nhưng các hệ sinh thái này đang bị biến đổi nhanh chóng. Áp lực kinh tế hiện nay đã biến rừng ngập mặn thành đất canh tác hoặc nuôi trồng thủy sản. Nghề đánh cá ven bờ đang khai thác quá mức, phương pháp đánh cá có tính hủy diệt. Đặc biệt môi trường đô thị ở nước ta dang bị ô nhiễm nặng nề do chất thải rắn chưa được thu gom, nước thải chưa được xử lý đúng qui định. Trong khi đó, khí thải, tiếng ồn, bụi xe… càng làm cho điều kiện vệ sinh môi trường ở nhiều đô thị lâm vào tình trạng đáng báo động. Ngoài ra, vấn đề khai thác mỏ, vật liệu xây dựng, vàng, đá quý… chính thức và tự do cũng đã và đang làm hủy diệt môi trường sinh thái.

Trước tình hình trên, việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái đã trở thành vấn đề sống còn của nhân loại nói chung và nhân dân Việt Nam nói riêng. Muốn vậy, Đảng và nhà nước ta cần phải xây dựng chính sách phù hợp để thu hút các nguồn lực tài chính đầu tư cho việc phát triển và bảo vệ môi trường từ nhiều nguồn khác nhau. Đồng thời, xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là sự nghiệp của toàn dân. Sự nghiệp này chỉ có thể thực hiện thắng lợi với sự tham gia tự giác của đông đảo quần chúng nhân dân, tạo thành một phong trào rộng lớn, thường xuyên, lâu dài. Đặc biệt, các chính sách phát triển kinh tế-xã hội cần phải bảo đảm cho người dân có thu nhập và mức lương tương đối ổn định, coi trọng công tác xóa đói giảm nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số để không có khoảng cách chệch lệch quá xa giữa đồng bằng và miền núi, giữa các các nhóm dân cư với nhau.

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh là yêu cầu của cuộc sống, là sự đảm bảo cho việc giải quyết những vấn đề lớn của thời đại, đặc biệt là vấn đề về bảo vệ môi trường. Ngày nay, khi các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái đang bị đe dọa một cách nghiêm trọng thì vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường sống ở nước ta có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm phát triển đất nước Việt Nam một cách bền vững - cho hiện tại và tương lai./.

 


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB CTQG, H, 1996, T8, Tr521, 532.

[2] Hồ Chí Minh, Sđd, T.10, Tr 825.

[3] Hồ Chí Minh, Sđd, T.10, Tr 825.

[4] Hồ Chí Minh, Sđd, T.9, Tr 78, 358.

[5] Hồ Chí Minh, Sđd, T.9, Tr 78, 358.

[6] Theo Báo Hà Nội mới, 28/12/ 2003, tr2.

[7] Theo Báo Hà Nội mới, 28/12/ 2003, tr2.

[8] Theo Báo Hà Nội mới, 28/12/ 2003, tr2.


Các tin khác