Trung Quốc làm “dậy sóng” biển Đông!

Những ngày cuối tháng 5, từ 29 đến 31/5/2015, tại diễn đàn Shangri - La (Singapore), vấn đề Biển Đông được đặt lên hàng đầu trên bàn nghị sự ngay từ ngày đầu diễn ra đối thoại. Đại diện phái đoàn của các nước tham dự, nhất là Mỹ, Nhật Bản và Anh đã chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc, bởi do nước này có hành vi khiêu khích trên biển Đông, tăng cường xây đắp trái phép các đảo nhân tạo, nhằm lấy cớ để áp đặt các yêu sách đòi chủ quyền của họ ở vùng biển này. Tình hình đó sẽ gây nguy cơ bất ổn cho an ninh khu vực và trên thế giới. 

Biến Biển Đông không thể là “ao nhà” của Trung Quốc

Những năm gần đây, nhất là từ thời điểm 2014 đến nay, Trung Quốc đang ồ ạt đẩy nhanh tiến trình xây dựng các công trình kiên cố; nhà cao tầng, sân bay quân sự và cảng biển trên các đảo đã chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam cùng các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế, họ đang chạy đua gấp rút hoàn thành các công trình để đặt mọi việc trước sự đã rồi, nhằm thực hiện mưu đồ toan tính đầy tham vọng trên con đường độc chiếm Biển Đông.

Biển Đông có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, trải rộng từ vĩ độ 3o lên đến vĩ độ 26o Bắc và từ kinh độ 100o đến 121o Đông, được bao bọc bởi 9 quốc gia, gồm: Việt Nam, Philippin, Indonesia, Bruney, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Campuchia và Trung Quốc. Vùng biển này không chỉ là địa bàn chiến lược quan trọng đối với các nước trong khu vực mà còn cả của châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ; đồng thời là kho chứa nguồn tài nguyên thiên nhiên biển rất phong phú, đa dạng, đặc biệt là nguồn thuỷ sản và dầu khí. Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, Châu Âu - Châu Á. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới được thực hiện bằng đường biển thì trong đó có tới 45%  phải đi qua vùng Biển Đông.

Trước một vùng biển có tiềm năng và lợi thế về nhiều mặt, Trung Quốc đã muốn biến nó thành ao nhà mình bằng việc ngang nhiên đưa ra yêu sách phi lý với cái gọi là “ Đường gấp khúc chín đoạn” (còn có tên gọi đường lưỡi bò), chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông, liên quan đến nhiều quốc gia trong khu vực, và cho rằng họ có quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng biển đó. Mặc dù cho đến những năm đầu của thế kỷ XX, các bản đồ của Trung Quốc xuất bản dưới thời Nhà Thanh thì biên giới lãnh thổ của “nước lớn” này chỉ đến đảo Hải Nam.

Nằm ở trung tâm Biển Đông, có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Năm 1974, trong lúc chúng ta đang toàn tâm, toàn lực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Lợi dụng thời thế đó, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã đưa quân chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa. Đến năm 1988 và năm 1995, phía Trung Quốc tiếp tục dùng vũ lực quân sự để chiếm đóng các đảo, gồm: Châu Viên, Chữ Thập, Cụm đá Ga Ven, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Các chiến sĩ Hải quân của Quân đội nhân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu quyết liệt, và đã có 64 người phải hy sinh trong trận chiến với quân Trung Quốc ở đảo Gạc Ma vào năm 1988.

Có được các hòn đảo do cưỡng đoạt của Việt nam, họ ra sức đầu tư cải tạo, xây dựng thành các đảo nhân tạo, biến nó thành các “chiến hạm” có diện tích ngày càng lớn thêm. Ngày 26/5/2015 vừa qua, phía Trung Quốc còn xây thêm 2 cột đèn Hải đăng. Việc làm ngang ngược đó đã tạo ra tình hình tranh chấp chủ quyền lãnh thổ rất phức tạp ở Biển Đông. Trung Quốc dùng các đảo này để đe dọa các nước láng giềng, trước hết là đối với Việt Nam, như việc ngang nhiên đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá ở vùng Biển Đông từ ngày 16/5 đến ngày 1/8/2015 là một bằng chứng cụ thể. Tiềm ẩn nguy cơ sâu xa hơn tại khu vực này, đối với vùng trời, họ có thể đưa ra tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không. Đối với vùng biển sẽ kiểm soát giao thương, gây cản trở tự do hàng hải quốc tế. Nguy cơ đó có thể dễ xảy ra xung đột ở Biển Đông.

Trung Quốc cần tôn trọng luật pháp quốc tế

Là nước lớn, lại giữ vai trò thành viên Thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, do đó Trung Quốc càng phải gương mẫu trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác. Để tạo niềm tin cho cộng đồng quốc tế thì điều quan trọng là lời nói phải đi đôi với việc làm. Trung Quốc đã tuyên bố kế sách “Trổi dậy trong hòa bình” và “Con đường tơ lụa trên biển”. Nhưng thực tế những gì họ hành xử ở Biển Đông những năm qua thì không phải hòa bình và cũng chẳng là tơ lụa, bởi hành động hung hăng của  kẻ ưa dùng sức mạnh cơ bắp để đe dọa nước khác. Sự kiện tháng 5 năm 2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển Việt Nam, rồi dùng tàu quân sự uy hiếp và tàu gắn vòi rồng phun nước, đâm húc làm hỏng các tàu đánh cá của ngư dân và tàu chấp pháp của Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông. Kiểu hành xử ngang ngược đó làm cho dư luận thế giới hết sức bất bình. Trên các diễn đàn quốc tế cũng như diễn đàn khu vực những năm gần đây, Trung Quốc cứ danh xưng mình là nước lớn. Phô trương sức mạnh như vậy càng làm giảm sút lòng tin của cộng đồng quốc tế; đồng thời họ đã tự cô lập mình.

Quân sự hóa Biển Đông là sai lầm nghiêm trọng của Trung Quốc. Hành vi lấn biển, xây đảo trái phép tại Biển Đông đã vi phạm nghiêm trọng Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), vi phạm nguyên tắc ứng xử Biển Đông (DOC) đã bị dư luận quốc tế chỉ trích dữ dội. Philippines đã khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án trọng tài quốc tế. Tại diễn đàn Shangri- La 2015, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, ông Carter đặt câu hỏi "không rõ Trung Quốc sẽ còn đi xa đến đâu?”; đồng thời yêu cầu chấm dứt ngay lập tức và lâu dài các hoạt động cải tạo tại các vùng tranh chấp ở Biển Đông và cho rằng hành vi này của Bắc Kinh vượt ra khỏi chuẩn mực quốc tế. Bộ trưởng quốc phòng Malaysia, ông Hishammuddin cảnh báo “Nếu chúng ta không cẩn thận, thì nó (căng thẳng Biển Đông) sẽ leo thang thành một trong những cuộc xung đột chết chóc nhất trong thời đại của chúng ta, nếu không muốn nói là trong lịch sử”.

Dù Trung Quốc có làm trò phù phép gì cũng không thể thay đổi được hiện trạng biến bãi đá chìm thành đảo, bởi luật pháp quốc tế không công nhận các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng. Theo Công ước quốc tế về Luật biển 1982, một quốc gia không thể tuyên bố chủ quyền trên một bãi đá ngập sâu trong biển ở cách xa quá 200 hải lý ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tính từ đường cơ sở của mình.

Là quốc gia ven biển, Việt Nam là có chiều dài bờ biển hơn 3. 200km và có chủ quyền theo quy định của pháp luật quốc tế ở Biên Đông. Với đầy đủ các bằng chứng pháp lý và lịch sử lâu đời, chúng ta khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Từ lịch sử hàng nghìn năm và những bài học gần đây trong quan hệ với nước láng giềng Trung Quôc, núi liền núi, sông liền sông; Việt Nam hiểu rất rõ và luôn tôn trọng tình đoàn kết hữu nghị láng giềng theo phương châm “16 chữ” và “bốn tốt”. Tuy vậy chúng ta kiên quyết phản đối việc làm của phía Trung Quốc trong việc xâm chiếm và xây dựng trái phép các căn cứ quân sự trên các đảo thuộc quần đảo Trường sa của Việt Nam. Yêu cầu phía Trung quốc chấm dứt việc làm sai trái đó để thể hiện sự tôn trọng luật pháp quốc tế và lợi ích quốc gia Việt Nam nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh khu vực; đồng thời vì an ninh và thịnh vượng chung của các quốc gia trên thế giới./. 


Các tin khác