Sự lãnh đạo của Đảng - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam

Năm 2015, năm diễn ra những ngày lễ trọng đại của đất nước, đồng thời cũng là năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng. Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta càng thấy rõ vai trò, bản lĩnh, lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trước những thời điểm có tính bước ngoặt của lịch sử.

Nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng, chúng ta cùng điểm lại những bước ngoặt thể hiện rõ vai trò, bản lĩnh chính trị của Đảng ta. Trước hết là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 03-02-1930) là một bước ngoặt lịch sử mở đầu quá trình gắn bó mật thiết, giữa đấu tranh vì độc lập dân tộc với con đường xã hội chủ nghĩa - con đường giải phóng triệt để xã hội vì hạnh phúc của con người. Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng ta thể hiện sự dứt khoát con đường cách mạng, đó cũng là sự lựa chọn của chính lịch sử. Mười lăm  năm sau, Đảng đã lãnh đạo nhân dân làm cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, nhất là khi Đảng ta đã nắm lấy thời cơ, không chậm trễ khi quyết định phải giành chính quyền ngay khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh. Đó là quyết định thể hiện tầm nhìn chiến lược và nhạy cảm về chính trị, đồng thời giải quyết được những vấn đề về khoa học và nghệ thuật của một cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Rồi hơn một năm sau, Đảng quyết định phát động toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược tháng 12 năm 1946 và chín năm sau đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đất nước tạm thời chia làm hai miền với việc thực hiện hai chiến lược cách mạng khác nhau. Đảng ta quyết tâm lãnh đạo đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời tiến hành Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân. Nhìn lại lịch sử càng thấy rõ chủ trương tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện sự vững vàng và sang tạo của Đảng ta.

Đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện cách mạng  xã hội chủ nghĩa trên thế giới lâm vào khó khăn và khủng hoảng, nhất là về kinh tế. Đặc biệt, những năm 1985, 1986 đất nước ta lâm vào khủng hoảng về kinh tế-xã hội. Chính vào thời điểm ấy, Đảng ta đã quyết định dứt khoát đường lối đổi mới đất nước. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng vào tháng 12-1986, đại hội đổi mới tư duy trở thành mốc thời gian quan trọng, một bước ngoặt trong lịch sử lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa của Đảng ta. Một lần nữa, bản lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam lại được lịch sử ghi nhận ở một trong những khúc quanh khó khăn, phức tạp nhất. Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xét cả điều kiện trong nước và quốc tế, ít nhất đất nước ta đã trải qua hai thời điểm với những thách thức gay go nhất, thách thức đối với toàn dân tộc, mà trước hết đối với Đảng ta, người khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới.

Thời điểm thứ nhất là năm 1989, ba năm sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, đường lối đổi mới chưa thật sự đi vào cuộc sống, chưa mang lại hiệu quả, tình hình kinh tế, xã hội, đời sống vẫn khó khăn.  Thức tế đó đòi hỏi Đảng phải cụ thể hóa đường lối đổi mới và phải tìm ra giải pháp có hiệu quả. Lúc đó, trước những khó khăn chưa được khắc phục, đã nảy sinh sự hoài nghi về con đường đổi mới. Các thế lực thù địch lợi dụng khẩu hiệu dân chủ hóa, công khai hóa và với sự tác động từ bên ngoài đã ra sức đòi đa nguyên chính trị và chế độ đa đảng. Tình hình cải tổ của các nước xã hội chủ nghĩa do phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác đã đẩy các nước đó lún sâu vào khủng hoảng và đứng trước sự sụp đổ. Trong bối cảnh phức tạp như thế, Đảng Cộng sản Việt Nam không những kiên định con đường đổi mới vì chủ nghĩa xã hội mà còn cụ thể hóa và phát triển đường lối đổi mới bằng những nguyên tắc và chính sách đúng, đưa công cuộc đổi mới phát triển về chất.Thời điểm thứ hai là năm 1991, vào thời điểm đó, chế độ xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ ở các nước Đông Âu và Liên Xô, gây nên một tác động xấu về tình cảm, niềm tin và cả sự hoài nghi về chủ nghĩa xã hội. Trong bối cảnh đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (6-1991) tiếp tục khẳng định con đường xã hội chủ nghĩa và lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng và xã hội ta. Chính sự khẳng định này, giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng.

Để chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, trong điều kiện tình hình thế giới và khu vực đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là vấn đề chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Lịch sử cho thấy Đảng ta đã biến thách thức thành cơ hội, khó khăn thành thuận lợi, chuyển bại thành thắng nhờ bản lĩnh chính trị và thiên tài của Đảng ta, nhân dân đang kỳ vọng và đòi hỏi trách nhiệm của Đảng qua kỳ đại hội này./.


Các tin khác