Bình Thuận với kết quả thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với Chương trình "Chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới" đã tạo nên sức mạnh vật chất và động lực tinh thần để phát triển kinh tế-xã hội ở tất cả các địa phương trong toàn tỉnh.

Việc chỉ đạo nâng cao chất lượng phong trào đã được các cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Phong trào tỉnh quan tâm, đề ra nhiều giải pháp tích cực theo hướng thiết thực và hiệu quả, sát với cơ sở, gắn với công tác khen thưởng và nhân rộng điển hình tiên tiến. Các tổ chức hội, đoàn thể ngày càng thể hiện rõ nét hơn vai trò, trách nhiệm, đem lại kết quả cao cho Phong trào, như phong trào "Tuổi trẻ Bình Thuận xây dựng nông thôn mới" và "Tuổi trẻ tham gia xây dựng văn minh đô thị" của Tỉnh Đoàn Thanh niên; phong trào "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu bền vững"  của Hội Nông dân; phong trào "5 không, 3 sạch" của Hội Phụ nữ; phong trào "xóa đói giảm nghèo", góp vốn phát triển kinh tế, "Đền ơn đáp nghĩa", "Vì người nghèo"... được tiếp tục phát huy.

Trong năm 2014, trong toàn tỉnh, có 274.642/281.340 hộ, chiếm tỷ lệ 97% số hộ gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa; qua bình xét, có 254.643/281.340 hộ đạt GĐVH, chiếm tỷ lệ 90,5%. Những địa phương có tỷ lệ GĐVH đạt tỷ lệ khá cao như Phú Quý (96,4%), Phan Thiết (95,5%). Toàn tỉnh cũng đã xây dựng 703/705 thôn, khu phố, đạt 99,7% . Trong đó, số thôn, khu phố đạt danh hiệu văn hóa là 444 thôn (công nhận mới: 02, giữ chuẩn: 442). Phong trào cây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện đạt chuẩn văn hóa cũng được chú trọng. Có 1.630 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu trên, chiếm tỷ lệ 90%.      Phong trào cũng  đã huy động được sức dân tham gia đóng góp kinh phí để nâng cấp, xây dựng đường thôn, ngõ, xóm sạch đẹp, tạo cảnh quan môi trường thông thoáng, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo được hiệu quả xã hội ngày một rõ nét.

Qua thực hiện các tiêu chí của phong trào, một số địa phương, nhất là các xã điểm đã quan tâm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chăm lo tốt hơn đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, thực hiện tốt các chính sách xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, giữ gìn và phát huy những nét đẹp về truyền thống văn hóa dân tộc. Huy động các doanh nghiệp và vận động nhân dân tham gia xây dựng cơ sở thiết chế văn hóa, thể thao với 31 công trình văn hóa (trong 96 xã). Phong trào xã hội hóa thể thao phát triển, nhất là các sân bóng đá mi ni, bóng chuyền, góp phần đẩy mạnh phong trào rèn luyện sức khỏe trong thanh, thiếu nhi...tạo nên những sân chơi lành mạnh, bổ ích, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần và thay đổi diện mạo nông thôn mới.

Tuy nhiên, phong trào phát triển chưa đồng đều giữa các khu vực, vùng miền; số lượng và chất lượng các cuộc vận động của phong trào ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số và các doanh nghiệp chưa cao. Kết quả xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh còn chậm. Tỷ lệ phát động xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị mới đạt 26% (8/31 phường, thị trấn); tỷ lệ phát động xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 18,75% (13/96 xã). Một số địa phương còn trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước; các xã điểm chưa chú trọng nhiều đến việc xây dựng các thiết chế văn hóa-thể thao. Nhà văn hóa-thể thao cấp xã trong toàn tỉnh mới có 37/127, đạt 29,13% (hầu hết chưa đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL); trong đó, tỷ lệ nhà văn hóa tổ chức các hoạt động thường xuyên là 27/37, đạt 73%. Đáng chú ý, nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân ở một số địa phương về chủ trương xây dựng "xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới" và "phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị" chưa cao.

Vì vậy, trong thời gian đến, các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong cán bộ và nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của Phong trào, khẳng định chủ thể xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở là nhân dân ở địa bàn dân cư và cán bộ, CCVC-LĐ ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Rà soát các tiêu chí xây dựng để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tế của địa phương, thực hiện bộ tiêu chí khung theo nội dung Bộ tiêu chí quốc gia về Phong trào. Tiếp tục chỉ đạo việc hướng dẫn, bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa trong Phong trào phải đúng thực chất, không chạy theo thành tích. Đồng thời, đảm bảo kinh phí cho hoạt động Phong trào. Các BCĐ Phong trào ở các cấp phải thường xuyên được rà soát, củng cố để đủ sức chỉ đạo hoạt động Phong trào đạt hiệu quả./.


Các tin khác