Đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận từng bước trưởng thành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới

Giáo dục lý luận chính trị là quá trình tác động có mục đích, có hệ thống nhằm giác ngộ, nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, đảng viên và quần chúng, lôi cuốn họ tham gia phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Trong hoạt động của công tác giáo dục lý luận chính trị, giảng viên, báo cáo viên có vai trò quan trọng, bởi lẽ họ là những người truyền tải những nội dung thông tin, định hướng những quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người học.

Cùng với sự hình thành và phát triển của Trường Chính trị tỉnh Bình Thuân, trong những năm qua, đội ngũ giảng viên của nhà trường đã từng bước trưởng thành và phát triển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.

Tính từ năm 1992- năm tái lập tỉnh Bình Thuận, Trường chỉ có 7 giảng viên; trình độ chuyên môn chỉ là đại học, không có giảng viên nào có trình độ thạc sỹ. Hiện tại tổng số giảng viên và tập sự giảng viên của nhà trường là 26 đồng chí, trong đó giảng viên là 18 đồng chí, tập sự giảng viên là 8 đồng chí; trình độ thạc sỹ có 14 đồng chí, đang học cao học có 3 đồng chí,  đại học có 7 đồng chí.

 Giảng viên của Trường đều giữ vững lập trường tư tưởng, tin tưởng vào đường lối cách mạng của Đảng; tự tin, yêu nghề; hầu hết sử dụng thành thạo giáo án điện tử, ứng dụng được các phần mềm tin học trong giảng dạy. Các hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế ngày càng được quan tam thực hiện; qua đó đã bổ sung kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn cho giảng viên trong giảng dạy. Nhờ vậy, chất lượng giảng dạy của nhà trường ngày càng được nâng lên, từ năm 2005 đến nay, có 9 lượt giảng viên tham gia và đạt giải trong Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp quốc gia do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, trong đó có 1 giảng viên 1 lần đạt danh hiệu giảng viên xuất sắc và 1 giảng viên 2 lần đạt danh hiệu giảng viên xuất sắc.

Tuy nhiên, thực trạng đội ngũ giảng viên của trường vẫn còn một số bất cập, hạn chế như:

Theo quy định, đội ngũ giảng viên phải chiếm hai phần ba số lượng đội ngũ công chức, viên chức của nhà trường. Nếu tính trên biên chế được cấp trên cho phép là 50, thì số lượng giảng viên phải là 33; còn nếu tính trên biên chế hiện tại của nhà trường là 44, thì số lượng giảng viên phải là 29. So sánh với số lượng giảng viên hiện có, Trường vẫn còn thiếu giảng viên. Đặc biệt còn thiếu ở một số chuyên ngành như Kinh tế chính trị, Dân vận…

Bên cạnh đó, phần lớn giảng viên còn trẻ, được trang bị cơ bản về lý luận, có tâm huyết với nghề nghiệp nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy; còn thiếu kiến thức thực tiễn, thiếu khả năng kết hợp giữa lý luận với thực tiễn, khả năng tổng kết thực tiễn.

Trong thời gian tới, để tiếp tục xây dựng đội ngũ giảng viên ngày càng vững mạnh, có năng lực chuyên môn giỏi, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, nhiệt tình tâm huyết với nghề nghiệp; đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Ban giám hiệu nhà trường xác định phải tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, làm tốt công tác tuyển chọn giảng viên.

Việc tuyển chọn phải thực hiện đúng quy trình được quy định trong Quy chế tuyển chọn giảng viên của Trường. Trong đó cần chú ý đến các yêu cầu sau: được đào tạo cơ bản về chuyên môn, đúng chuyên ngành cần tuyển dụng; bộc lộ được khả năng giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đức tính của người giảng viên; đáp ứng yêu cầu về sức khỏe, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có lý lịch rõ ràng, đảm bảo được phát triển Đảng theo quy định.

Thứ hai, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn - nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên.

Cùng với việc tuyển chọn nguồn, việc làm quan trọng tiếp theo là đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn- nghiệp vụ. Phải coi đây là việc làm thường xuyên, sau khi đã tham gia giảng dạy, định kỳ cử đi dự học các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên đề hàng năm của Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia và các bộ, ngành ở Trung ương. Trong đó cần chú ý đến các lớp bồi dưỡng, tập huấn về phương pháp, kỹ năng, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; thực hiện tốt việc cập nhật kiến thức mới, thông tin thời sự…cho đội ngũ giảng viên. Nhà trường cần có cơ chế, chính sách khuyến khích giảng viên học tập nâng cao trình độ, phấn đấu có giảng viên đạt trình độ tiến sỹ.

Thứ ba, chú trọng công tác rèn luyện phẩm chất chính trị của giảng viên

Bên cạnh năng lực chuyên môn đòi hỏi người giảng viên phải có phẩm chất chính trị tốt. Phẩm chất chính trị của người giảng viên trước hết thể hiện ở sự trung thành tuyệt đối với mục tiêu và con đường cách mạng mà Đảng, nhân dân ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình thế giới, trong nước đang có những diễn biến phức tạp, hơn lúc nào hết người giảng viên lý luận chính trị phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục đích, lý tưởng; kiên quyết đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc, sai trái, bảo vệ sự đúng đắn của chủ nghĩa Mác-Lênin.

 Phẩm chất chính trị còn thể hiện ở chỗ người giảng viên phải có đạo đức trong sáng. Người giảng viên phải tự giác trong việc tu dưỡng và rèn luyện đạo đức, đề cao tính tổ chức, kỷ luật. Nhà trường cần phải coi việc giáo dục, nâng cao phẩm chất chính trị đạo đức cho đội ngũ giảng viên là việc làm thương xuyên; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hiện tượng tiêu cực, chú trọng công tác quản lý giảng viên, tạo điều kiện để giảng viên phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện.

Thứ tư, tăng cường quản lý các hoạt động chuyên môn của giảng viên

Tiếp tục quản lý hoạt động giảng dạy của giảng viên  nhằm không ngừng nâng cao chất lượng. Trong đó chú ý về các mặt: kế hoạch giảng dạy, đề cương bài giảng, giáo án, đảm bảo nội dung, phương pháp giảng dạy, thời gian, quy trình các bước lên lớp… Tăng cường công tác thao giảng, dự giờ nhằm nâng cao chuyên môn- nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên.

Hoạt động nghiên cứu khoa học cần chú ý tập trung vào các chủ đề, các đề tài phục vụ cho chuyên môn đào tạo, giảng dạy, công tác quản lý của nhà trường. Trong đó đặc biệt chú ý đến việc tổ chức hội thảo, tọa đàm cấp khoa, cấp trường về các chủ đề thuộc về chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy. Đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác với các ban, ngành trong tỉnh trong nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho giảng viên có điều kiện trao đổi khoa học, tiếp cận với thực tế.

Công tác nghiên cứu thực tế phải đảm bảo có kế hoạch, có chủ đề; qua thực tế soi rọi lại giữa lý luận và thực tiễn; phát hiện những hạn chế, bất cập giữa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật với thực tiễn xã hội, từ đó tích lũy, bổ sung kiến thức thực tiễn cho đội ngũ giảng viên.

Tích cực tham gia cùng các sở, ngành của địa phương nghiên cứu , tổng kết hoạt động thực tiễn, giúp lãnh đạo tỉnh nhà trong tổng kết, rút kinh nghiêm để triển khai các chương trình, các phong trào được tốt hơn. Đồng thời góp phần bổ sung kiến thức lý luận và thực tiễn cho giảng dạy.

Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về giáo dục

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát giáo dục- đào tạo phải được tiến hành thường xuyên. Trong đó kiểm tra, giám sát được thực hiện chủ yếu thông qua khoa chủ quản và Ban giám hiệu; công tác thanh tra được thực hiện thông qua Thanh tra giáo dục- đào tạo theo kế hoạch được phê duyệt và quyết định của Hiệu trưởng nhà trường.

Nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn mới đòi hỏi nhà trường phải không ngừng phấn đấu vươn lên. Trong đó, xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới là yêu cầu cấp thiết. Với sự quyết tâm của Đảng ủy, Ban giám hiệu và toàn thể viên chức nhà trường, chúng ta tin tưởng Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận sẽ xây dựng được một đội ngũ giảng viên vững mạnh, có chuyên môn giỏi, phẩm chất chính trị tốt, góp phần quan trọng cùng nhà trường hoàn thành nhiệm vụ được giao./. 


Các tin khác