Vai trò của Hồ Chí Minh với Cách mạng tháng Tám 1945

Cách mạng Tháng 1945 có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới. Với Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. 

Đối với cách mạng thế giới, Cách mạng Tháng Tám là tiếng pháo nổ vang dội, ngọn cờ đầu cho phong trào giải phóng dân tộc và thuộc địa. Để có được sự thành công của Cách mạng Tháng Tám, ngoài những yếu tố khách quan và chủ quan, phải đề cập đến vai trò lãnh đạo tài tình của Hồ Chí Minh. Có thể nói, trong Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh đã tỏa sáng với đức độ, tài năng, mưu lược với sự chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, lực lượng... suốt thời gian dài.

Ngay từ hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản (03/02/1930), trong cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã xác định chủ trương của những người cộng sản Việt Nam là tiến hành tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản (sau này được nói rõ hơn là cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng XHCN); nhiệm vụ của cách mạng được chỉ rõ là đánh đổ đế quốc Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập (đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu). Tuy sau đó, những quan điểm của Người đã không được Quốc tế Cộng sản chấp thuận (vì không nắm được tình hình thực tiễn của cách mạng Việt Nam, Đông Dương) và yêu cầu hủy bỏ toàn bộ các văn kiện mà Hồ Chí Minh đã thông qua tại hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản và thay bằng Luận cương chính trị tháng 10/1930 (do Trần Phú soạn thảo). Đến Đại hội VII Quốc tế cộng sản (1935), những quan điểm trên của Người đã được nhìn nhận và đánh giá sự đúng đắn của nó. Khi tình hình thế giới có nhiều chuyển biến phức tạp, chiến tranh thế giới thứ II chuẩn bị bùng nổ, Hồ Chí Minh đã đề nghị Quốc tế Cộng sản (QTCS) cho phép Người về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng (1939).

Ngày 28/01/1941, vượt qua cột mốc biên giới 108, Người cùng các đồng chí về đến xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Cuối tháng 4/1941, theo đề nghị của Người, một cuộc hội nghị cán bộ tỉnh Cao Bằng được triệu tập để tổng kết kinh nghiệm tổ chức thí điểm các hội quần chúng như Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc nhằm tiến tới thành lập Mặt trận Việt Minh trong toàn quốc (chuẩn bị lực lượng chính trị). Tháng 5/1941, lấy danh nghĩa đại diện QTCS, Người đã triệu tập và chủ trì hội nghị lần thứ tám của TW Đảng CS Đông Dương (từ ngày 10-19/5/1941) với sự tham gia của các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên cùng một số đại biểu của xứ ủy Bắc kỳ, Trung kỳ và đại biểu hoạt động ở ngoài nước. Từ việc phân tích kỹ tình hình trong nước và quốc tế, Hội nghị quyết định "cần phải thay đổi chiến lược",  xác định rõ kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương là phát xít Pháp - Nhật và các lược lượng phản cách mạng tay sai cho chúng. Từ đó, hội nghị đã xác định đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Hội nghị chỉ rõ "cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện nay là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng"[1]. "Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được"[2]. Sự hoàn chỉnh về mặt chiến lược cách mạng này cũng là sự tiếp nối của nghị quyết hội nghị TW6, TW7 trước đó.

Nhằm tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ cách mạng, ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh chính thức ra đời với Tuyên ngônChương trình cụ thể. Bên cạnh đó, Người đã chỉ đạo Đảng ta tích cực xây dựng, phát triển căn cứ địa cách mạng và xuất bản báo Việt Nam độc lập để tuyên truyền, tổ chức nhân dân vào các hội cứu quốc của Việt Minh. Từ giữa tháng 6 đến tháng 11/1941, Người đã mở những lớp huấn luyện ngắn ngày cho cán bộ địa phương, lớp huấn luyện quân sự, quyết định tổ chức một đội vũ trang... Cùng thời kỳ này, Người đã biên soạn một số tài liệu như Cách đánh du kích (tác phẩm đầu tiên về quân sự), Lịch sử nước ta (gồm 236 câu lục bát, giáo dục về lịch sử của dân tộc, kêu gọi nhân dân đấu tranh và rút ra một kết luận có tính nguyên tắc: đoàn kết. Tác giả cũng tiên đoán Việt Nam độc lập vào năm 1945). Người cũng xác định để tiến hành cách mạng thành công, phải tiến hành khởi nghĩa vũ trang, sử dụng lực lượng chính trị kết hợp với lực lượng vũ trang. Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, gồm 34 đội viên do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Thực hiện lời căn dặn của Người "trận đầu phải thắng", Đội đã lập 2 chiến công oanh liệt: hạ đồn Phai Khắt (25/12/1944) và đồn Nà Ngần (26/12/1944), mở đầu truyền thống anh hùng của quân đội ta.  

Ngày 09/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, tạo điều kiện khách quan để Đảng ta phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước và sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa khi điều kiện cho phép. Ngày 12/3/1945, BTV TW Đảng ra Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta; ngày 15/3/1945, Tổng bộ Việt Minh phát Hịch kháng Nhật cứu nước. Để có thể kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng trong cả nước, đầu tháng 5/1945, Hồ Chí Minh quyết định chuyển đại bản doanh từ Cao Bằng về Tuyên Quang và thành lập Khu giải phóng, căn cứ địa vững chắc về mọi mặt để làm bàn đạp tiến lên giải phóng toàn quốc. Ngày 06/8/1945, được tin Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hirosima, Người yêu cầu mau tổ chức Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào. Ngày 14/8/1945, Vua Nhật tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Quân Nhật ở Đông Dương rệu rã. Chính phủ Trần Trọng Kim hoang mang, tê liệt. Thực dân Pháp ráo riết quay trở lại xâm lược Đông Dương. Thời cơ tổng khởi nghĩa chín muồi. Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (13 đến 15/8/1945) đã phát động và lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trước khi quân Đồng Minh kéo vào tước vũ khí quân đội Nhật. Tiếp theo đó, ngày 16 và 17/8/1945, Quốc dân Đại hội đại biểu đã họp tại Tân Trào dưới sự chủ trì của Hồ Chí Minh (hơn 60 đại biểu tham dự), Đại hội cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch với một Ủy ban thường trực gồm 5 người - tức Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tạo cơ sở pháp lý cho sự ra đời một chính phủ hợp pháp do nhân dân cử ra . Ngay sau Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, Người kêu gọi "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đẫ đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta...Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên!"[3] 23 giờ cùng ngày, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1.

Thực hiện quyết định của Đảng và của Quốc dân Đại hội Tân Trào, chớp đúng thời cơ, toàn dân ta ở khắp mọi vùng miền đã đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật. Ngày 19/8/1945, Tổng khởi nghĩa thành công ở Hà Nội, ngày 23/8 ở Huế, ngày 25/8 ở Sài Gòn. Trong một thời gian ngắn, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước đã thành công, chính quyền csch mạng đã về tay nhân dân. Ngày 23/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến Hà Nội. Ngày 26/8/1945, Người mở phiên họp đầu tiên với Ban Thường  vụ TW Đảng để thảo luận các vấn đề quan trọng, đặc biệt là việc công bố danh sách thành viên Chính phủ lâm thời và soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập. Người yêu cầu việc tổ chức mittinh lớn tại Hà Nội, ra mắt Chính phủ, tuyên bố Việt Nam độc lập và thiết lập chính thể dân chủ cộng hòa phải được gấp rút làm ngay, trước khi quân Đồng minh vào giải giáp vũ khí quân đội Nhật. Bản Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy"[4].

Như vậy, có thể khẳng định rằng vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam nói chung, với Cách mạng Tháng Tám nói riêng rất quan trọng. Từ việc Người xác định rõ đường lối cách mạng, kẻ thù cách mạng, nhiệm vụ cách mạng đến việc xây dựng căn cứ địa, xây dựng lực lượng (chính trị, vũ trang). Đặc biệt, việc đánh giá đúng tình hình trong nước, quốc tế; phân tích rõ tình hình địch-ta để chớp thời cơ, phát động Tổng khởi nghĩa trên phạm vi toàn quốc với phương châm lấy sức ta mà giải phóng cho ta là một chủ trương rất đúng đắn, sáng tạo. Việc xây dựng tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, được tập hợp trong Mặt trận Việt Minh cũng là một bài học lớn về công tác dân vận của Đảng trong mọi giai đoạn cách mạng. Thế giới đã đánh giá về Hồ Chí Minh là người đã làm thay đổi bản đồ chính trị thể giới trong Thế kỷ XX với những đóng góp của Người cho cách mạng Việt Nam và thế giới. Chúng tôi, những thế hệ được sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong thời bình, Chúng tôi luôn biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, biết ơn Đảng, biết ơn những thế hệ người Việt đã ngã xuống cho sự bình yên hôm nay. Là lớp người đang thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng tôi nguyện sẽ không ngừng rèn đức, luyện tài; thực hiện tốt nhiệm vụ, chức trách được giao, góp phần cùng đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao; đóng góp một phần công sức nhỏ của bản thân vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, hùng cường./.

 


[1] Đảng CS Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H, 1998, tập 7, tr 118-119.

[2] Đảng CS Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H, 1998, tập 7, tr 118-119.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, tập 3, tr 554.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, tập 4, tr 4.


Các tin khác