Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thắp sáng ngọn lửa giải phóng cho dân tộc Việt Nam

Sau khi xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp từng bước thiết lập bộ máy thống trị ở nước ta. Chính sách thống trị của thực dân Pháp đã tác động mạnh mẽ đến xã hội Việt Nam trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Các giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam lúc này đều mang thân phận của người dân mất nước và ở những mức độ khác nhau đều bị thực dân Pháp áp bức, bóc lột. 

Trước hoàn cảnh đó, các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc theo khuynh hướng phong kiến và tư sản diễn ra mạnh mẽ, tiêu biểu như: cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884), phong trào Cần Vương (1885 - 1896), phong trào yêu nước dưới sự lãnh đạo của các tầng lớp sĩ phu tiến bộ chịu ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ tư sản diễn ra sôi nổi, đại diện cho xu hướng bạo động là Phan Bội Châu, đại biểu cho xu hướng cải cách là Phan Chu Trinh… nhưng cuối cùng các phong trào đó đều bị thất bại.

Trước tình cảnh của đất nước, vào năm 1911, người thanh niên yêu nước - Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc) ra đi tìm đường cứu nước. Trong thời gian Người bôn ba ở nước ngoài, trong nước vẫn tiếp tục nổi lên các phong trào chống thực dân Pháp, như: Phong trào “tẩy chay Khách trú” (1919), Phong trào chống độc quyền xuất nhập khẩu ở Cảng Sài Gòn (1923), cùng với sự ra đời của các tổ chức đảng phái, trong đó nổi bật là Tân Việt cách mạng ĐảngViệt Nam quốc dân Đảng. Trước yêu cầu lịch sử của xã hội Việt Nam, các phong trào đấu tranh chống Pháp liên tiếp diễn ra sôi nổi. Mục tiêu của các cuộc đấu tranh này đều hướng tới giành độc lập dân tộc và dân chủ. Đồng thời, lập trường của các giai cấp tham gia những phong trào đó là nhằm khôi phục chế độ phong kiến, hoặc thiết lập chế độ quân chủ lập hiến, hoặc cao hơn là thiết lập chế độ cộng hòa tư sản. Nhưng các phong trào và tổ chức trên, do những hạn chế về giai cấp, về đường lối chính trị; hệ thống tổ chức thiếu chặt chẽ; chưa tập hợp được rộng rãi lực lượng của dân tộc, nhất là chưa tập hợp được hai lực lượng xã hội cơ bản (công nhân và nông dân) nên cuối cùng không có phong trào đấu tranh nào thành công.

Trong quá trình tìm đường cứu nước. Sau khi tìm hiểu kỹ các cuộc cách mạng điển hình của thế giới, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy rõ hạn chế của các cuộc cách mạng tư sản (Cách mạng Mỹ - 1776, Cách mạng Pháp - 1789...), theo Người: cách mạng tư sản không thể đưa lại độc lập cho dân tộc và hạnh phúc thật sự cho nhân dân Việt Nam. Người luôn đau đáu trong lòng, vậy con đường nào sẽ đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp?

Đến năm 1917, trước sự thành công rực rỡ của Cách mạng Tháng mười Nga như một tấm gương phản chiếu một thế giới mới xuất hiện cho nhân loại. Nguyễn Ái Quốc đã nhanh chóng tìm hiểu về cuộc cách mạng này. Tháng 7/1920, Người đã tình cờ đọc được bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin vào. Từ đây, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam, Người cho rằng: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[1]. Nguyễn Ái Quốc bắt đầu truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin cho những thanh niên Việt Nam yêu nước, vạch hướng chiến lược cách mạng Việt Nam và chuẩn bị điều kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 03/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập.

Dưới sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp cho Đảng ta vạch ra chiến lược, sách lược thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhờ đó, dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, cụ thể: Năm 1945 cách mạng tháng Tám thành công nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời; đến năm 1954 với chiến thắng Điện Biên Phủ chúng ta đã đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước, miền Bắc tiến lên CNXH.

Tuy nhiên, đế quốc Mỹ đã nhảy vào xâm chiếm Việt Nam với ý đồ muốn biết nước ta thành thuộc địa của Mỹ. Nhưng với sự tinh thông của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta tiếp tục thực hiện xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, còn miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống lại đế quốc Mỹ. Đến năm 1969, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Đảng ta tiếp tục thực hiện lời di huấn và sách lược của Người trong công cuộc chống đế quốc Mỹ. Sau 21 năm chống Mỹ, Đảng ta đã giành thắng lợi năm 1975 đưa đất nước thống nhất đi lên CNXH. Như vậy, thực tiễn lịch sử đã cho chúng ta nhận thấy, từ khi Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Người đã giải quyết được tình trạng khủng hoảng về đường lối cách mạng, về giai cấp lãnh đạo cách mạng diễn ra vào đầu thế kỷ XX, mở ra con đường và phương hướng mới cho dân tộc Việt Nam đánh thắng bọn thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để đưa đất nước thoát khỏi ách áp bức, bóc lột của bọn đế quốc, thống nhất đất nước.

Từ năm 1975 đến nay, tiếp tục thực hiện lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo dân tộc Việt Nam đi theo con đường tiến lên xã hội XHCN và trong từng giai đoạn cụ thể, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực như: Từ năm 1975 đến trước đổi mới (trước năm 1986), Việt Nam đã ổn định chính trị, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội…, từng bước đảm bảo đời sống nhân dân. Vào năm 1986, Đảng ta nhìn lại quá trình Đảng lãnh đạo xây dựng đất nước trong thời gian qua, với những thành tựu đã đạt được như vậy có xứng đáng với tiềm năng của đất nước chưa? Thẳng thắn nhìn vào sự thật, Đảng ta nhận thấy thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước, vẫn còn nhiều sai lầm khi xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu của Liên Xô. Từ đó, Đảng ta có đổi mới tư duy trong nhận thức về CNXH, về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam và nhận thức đã biến thành hành động trong thực tiễn. Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của Đảng là vạch ra đường đối định hướng cho nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam xây dựng một nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Sau gần 30 năm đổi mới (từ năm 1986 đến nay), dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã có nhiều thay đổi nổi bật: Vị thế của Việt Nam trên thế giới ngày càng được nâng lên; nền kinh tế của đất nước tăng trưởng mạnh qua từng năm và phát triển ổn định; tình hình chính trị được giữ vững; văn hóa phát triển đa dạng, phong phú nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc; dân chủ hóa được mở rộng; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên rõ rệt… theo mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

 


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 9, tr.313.


Các tin khác