Cách mạng tháng Tám - sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Đảng ta

Những ngày này của 70 năm về trước, cả dân tộc ta đang sục sôi một không khí hào hùng của những ngày khởi nghĩa để rồi giành độc lập chỉ trong vòng nửa tháng và ít đổ máu - Đó chính là thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, những chủ trương đúng đắn, linh hoạt, kịp thời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng tháng Tám, đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Có thể nói, sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Đảng ta được thể hiện ở những điểm chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, Đảng chuẩn bị về chủ trương, đường lối cách mạng và chủ động chuyển hướng chỉ đạo chiến lược khi tình hình thay đổi.

+ Xác định nhiệm vụ cách mạng:

Việc xác định đúng mâu thuẫn chủ yếu của dân tộc để đề ra nhiệm vụ đúng đắn cho cách mạng Việt Nam là điều cần thiết, có tính chất quyết định đến thắng lợi của cách mạng. Nếu như trong cao trào 1930 – 1931, Luận cương chính trị tháng 10/1930 của Đảng chủ trương phải tiến hành song song 2 nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thì qua quá trình đấu tranh cách mạng, đặc biệt, từ Hội nghị trung ương 6 (11/1939) đến Hội nghị trung ương 8 (5/1941), Đảng ta đã nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, đặt nhiệm vụ chống đế quốc lên hàng trước tiên của cách mạng Đông Dương. Nghị quyết HNTW 8 chỉ rõ: “…Cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng[1]…Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử tồn vong của quốc gia, của dân tộc…”[2].

Như vậy, đến đây, Đảng ta đã đặt cuộc cách mạng Việt Nam vào hoàn cảnh của một nước thuộc địa, bị đế quốc thống trị, không một nhiệm vụ nào khác có thể thay thế được. Đặc biệt, từ 9/1940, Nhật Bản vào xâm lược nước ta, nhân dân ta chịu hai tầng áp bức bóc lột Pháp – Nhật. Sự sống còn của dân tộc là phải tập trung lực lượng đánh đuổi 2 kẻ thù ra khỏi đất nước. Chính vì sự nhận định sáng suốt, đề ra chủ trương sát đúng nên Đảng ta đã tranh thủ, động viên, tập hợp được các tầng lớp nhân dân vào một mặt trận để đấu tranh chống kẻ thù.

+ Thành lập Mặt trận để đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân

 Ở mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng ta đều chủ trương thành lập Mặt trận để đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân đấu tranh, phù hợp với tình thế cách mạng. Từ hình thức Mặt trận đầu tiên là Hội phản đế đồng minh trong phong trào 1930 – 1931 đến Mặt trận dân chủ Đông Dương (6/1938) trong phong trào đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, rồi thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương (11/1939), Việt Nam độc lập đồng minh (5/1941) khi CTTG II bùng nổ và chủ nghĩa phát xít đang trở thành họa của thế giới để tập hợp mọi giai cấp, mọi đảng phái, dân tộc, tôn giáo...không phân biệt tuổi tác, giới tính...miễn là có lòng yêu nước vào các đoàn thể cứu quốc để đấu tranh chung dưới một ngọn cờ thống nhất nhằm mục tiêu giải phóng dân tộc.

Như vậy, Mặt trận đã chủ trương mở rộng biên độ tối đa để tập hợp lực lượng, quy tụ lực lượng và sức mạnh toàn dân tộc vào cuộc đấu tranh cho độc lập tự do. Đó là một sự chuẩn bị chu đáo và thành công của Đảng ta về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tập hợp lực lượng cách mạng.

Thứ hai, tích cực chuẩn bị lực lượng mọi mặt, xây dựng lực lượng chính trị kết hợp với lực lượng vũ trang.

Qua các cao trào cách mạng, Đảng ta đã tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, giai cấp tạo dựng lực lượng cách mạng, tích cực chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Đặc biệt, từ năm 1941, với việc thành lập Mặt trận Việt Minh bao gồm các tổ chức quần chúng như Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc…, Đảng đã động viên tinh thần ái quốc của mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội, bồi dưỡng và phát huy cao độ sức mạnh to lớn của lực lượng chính trị trong chuẩn bị và thực hành tổng khởi nghĩa.

Để giành được chính quyền cách mạng, Đảng luôn có chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ cách mạng. Đảng ta đã lãnh đạo từng bước xây dựng các đội du kích, tiền thân của lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia chiến đấu giành chính quyền trong những ngày tổng khởi nghĩa sau này như đội du kích Bắc Sơn, Ba Tơ, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân…

Bên cạnh đó, Đảng ta cũng luôn nhấn mạnh việc chuẩn bị căn cứ cách mạng làm chỗ dựa cho vũ trang khởi nghĩa. Khu giải phóng Việt Bắc đã được thành lập gồm các tỉnh: Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái đóng vai trò là căn cứ địa quan trọng của tổng khởi nghĩa.

Thứ ba, sự nhạy bén, chủ động nhanh chóng chớp thời cơ

Đảng ta đã phân tích sâu sắc sự phát triển của tình hình cách mạng, dự đoán các khả nǎng, chủ động đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Ngay đêm 09-3-1945, sau khi phát xít Nhật nổ súng lật đổ Pháp ở Đông Dương, với Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Đảng đã nhận định rằng, mặc dù tình hình chính trị đã khủng hoảng đến độ sâu sắc, nhưng điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương vẫn chưa thực sự chín muồi mà đang đi tới chín muồi nhanh chóng và quyết định phát động cao trào kháng Nhật cứu nước để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa.

Đến lúc nhận được tin Nhật gửi công hàm cho Đồng minh chấp nhận đầu hàng, quân đội Nhật hoang mang, tê liệt, Chính phủ Trần Trọng Kim do Nhật lập ra hoảng loạn, Đảng ta đã nhanh chóng họp quyết định phát động toàn dân tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi toàn quốc.

Như vậy, Đảng ta nhanh chóng chớp lấy thời cơ, quyết định phát động tổng khởi nghĩa đúng thời điểm, ngay khi Nhật và Chính phủ bù nhìn hoang mang, tan rã. Trong khi đó, lực lượng Đồng minh chưa có điều kiện vào tiếp nhận sự đầu hàng của quân Nhật. Đó là một quyết định sáng suốt, kịp thời của Đảng ta để tránh trường hợp bất lợi, cùng một lúc đối phó với nhiều kẻ thù.

Chính những chủ trương đúng đắn, sự lãnh đạo tài tình, khôn khéo của Đảng ta đã cổ vũ tinh thần dân tộc Việt Nam vốn có sẵn từ ngàn năm trước, lôi cuốn các tầng lớp nhân dân tham gia vào cuộc tổng khởi nghĩa, để giành chính quyền một cách nhanh chóng và ít đổ máu.

Quá khứ hào hùng, oanh liệt của đất nước từ đó đến nay đã đi qua 70 năm. Thắng lợi vĩ đại đầu tiên đó đã tạo nền tảng cho Đảng ta tiếp tục lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành nhiều thắng lợi to lớn trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ tổ quốc và đưa đất nước đi lên con đường xây dựng CNXH./.

 


[1] Giáo trình những vấn đề cơ bản về ĐCS và lịch sử ĐCS Việt Nam, tr 148

[2] Lịch sử 80 năm chống Pháp, tr 621. 


Các tin khác