Cử tri có vai trò quyết định trong lựa chọn người xứng đáng vào Quốc hội, vào Hội đồng nhân dân các cấp

Ngày bầu cử Quốc hội khóa XIV và bầu cử Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp địa phương nhiệm kỳ 2016 - 2021 đang đến gần. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong nhân dân trên khắp mọi vùng, miền của cả nước, là ngày hội toàn dân, qua đó nhân dân phát huy quyền dân chủ của mình đi bầu cử để lựa chọn những người xứng đáng bầu vào Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, vào HĐND các cấp - cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. 

Quốc hội và HĐND các cấp là những cơ quan do nhân dân lập ra (thông qua bầu cử), đại diện cho ý chí  nguyện vọng của nhân dân, quyết định các vấn đề trọng về quốc kế, dân sinh của đất nước, của địa phương. Do đó cử tri đi bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp là quyền; đồng thời là nghĩa vụ của công dân trong việc tham gia xây dựng, củng cố Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Cách đây gần bảy mươi mốt năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, đã tập hợp được sức mạnh toàn dân ta đứng lên đấu tranh làm nên thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945, lật đổ chính quyền tay sai của thực dân, phong kiến. Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt quốc dân, đồng bào cả nước đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (ngày nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam), Nhà nước dân chủ kiểu mới đầu tiên ở Đông Nam Á. Từ bước ngoặt lịch sử cách mạng vĩ đại đó nhân dân Việt Nam từ thân phận của người dân nô lệ, mất độc lập, tự do, đã bước lên vũ đài chính trị, trở thành người chủ của đất nước, được sống trong độc lập, tự do; được phát huy ngày càng đầy đủ quyền dân chủ của mình vào quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương, trong đó có việc thực hiện quyền ứng cử và bầu cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước từ trung ương đến địa phương. Các quyền đó của công dân được Nhà nước ta trịnh trọng ghi nhận trong Hiến pháp, pháp luật và đã mang lại ý nghĩa thực tế vô cùng quan trọng trong xây dựng và củng cố bộ máy Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ngày càng vững mạnh để phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.

Từ sự kiện chính trị quan trọng - bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp trong năm 2016 này, chúng ta nhớ về cuộc tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử Việt Nam diễn ra vào ngày 6/1/1946. Trong lời kêu gọi ngày 5.1.1946  của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi quốc dân đi bỏ phiếu, Người viết: Ngày mai dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước. Lời kêu gọi ấy cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về mặt lịch sử và tính thời sự. Vì vậy mỗi cử tri hôm nay cần thấm nhuần sâu sắc để thực hiện một cách đầy đủ quyền và nghĩa vụ trọng trách của mình trong ngày bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp sắp tới.

Ở nước ta, qua các bản Hiến pháp từ 1946 đến  Hiến pháp  năm 2013 và Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu HĐND (hiện nay là Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015) quy định chế độ bầu cử theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Vì vậy cử tri có quyền tự do dân chủ thực sự trong bầu cử. Do đó để lựa chọn người đại biểu xứng đáng thì quá trình chuẩn bị các hoạt động để tiến tới bầu cử, như: tìm hiểu các ứng cử viên qua thực tế, qua danh sách niêm yết, và nhất là qua hội nghị cử tri, tiếp xúc để nghe chương trình hành động của các ứng cử viên, và có thể “đặt hàng” cho các ứng cử viên để nếu họ trở thành đại biểu dân cử sẽ làm những điều mà cử tri ủy thác, giao phó. Cần khắc phục tình trạng một bộ phận cử tri thờ ơ trách nhiệm, có người đi bầu nhưng chưa biết là bầu số lượng bao nhiêu đại biểu tại đơn vị mình bỏ phiếu; chưa tìm hiểu rõ về ứng cử viên, cho nên khi bầu cử đã gạch tên một cách cảm tính vào lá phiếu. Tình trạng người đi bầu thay, một người bỏ phiếu cho nhiều người là một thực tế đã diễn ra ở nhiều nơi trong các lần bầu cử trước đây. Như thế  chứng tỏ cử tri chưa ý thức đầy đủ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, thậm chí là làm trái điều quy định của pháp luật về bầu cử; việc này, đơn vị bầu cử, tổ bầu cử ở những nơi đó mặc dù biết, nhưng vì muốn báo cáo thành tích hoàn thành bầu cử trước thời gian quy định nên đành bỏ qua.

 Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 hoạt động theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015; đồng thời nhiệm kỳ mới diễn ra trong bối cảnh đất nước và địa phương tỉnh Bình Thuận  tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và quốc tế; phấn đấu cho mục tiêu ấm no, hạnh phúc và phát triển toàn diện của nhân dân. Nhiệm kỳ mới, theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015đòi hỏi phải tăng số lượng đại biểu chuyên trách để ngày càng nâng cao tính chuyên nghiệp của các cơ quan quyền lực từ trung ương đến địa phương. Trước yêu cầu đó đòi hỏi trách nhiệm đại biểu trong các cơ quan quyền lực từ Quốc hội cho đến HĐND phải thực sự nâng cao một bước về chất. Để đáp ứng yêu cầu đó, rất cần ở vai trò trách nhiệm của cử tri trong việc bầu cử.  

Ngày 22/5/2016, cùng với cả nước, cử tri tỉnh Bình Thuận hăng hái thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình trong bầu cử, cân nhắc xem xét những ứng cử viên để “chọn mặt gửi vàng” bầu những người tiêu biểu, có đức, có tài, có tâm huyết, xứng đáng là người đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong Quốc hội và ở HĐND các cấp địa phương./.


Các tin khác