Một vài suy nghĩ về việc thực hiện đề tài khoa học ở Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận

Thực hiện Kế hoạch số 19/KH-HVCTQG, ngày 17/02/2016 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về việc Thực hiện Kết luận số 117-KL/TW ngày 20/11/2015 của Ban Bí thư về công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trong đó một trong những nội dung đối với các trường chính trị cần phải phấn đấu đến năm học 2017 - 2018, 100% các trường chính trị đều phải có đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Trên cơ sở kế hoạch đã nêu trên của Học viên Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, rà soát lại các đề tài nghiên cứu khoa học của Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận trong 10 năm qua, (từ năm 2005 đến nay) nhà trường đã thực hiện được 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về: “Chất lượng hệ thống chính trị ở các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao tỉnh Bình Thuận - Thực trạng và giải pháp”, biên soạn sách: “Lịch sử Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận (1962 - 2012)” và thực hiện 03 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường. Như vậy, so với các trường chính trị trong cả nước thì việc tham gia nghiên cứu đề tài của Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận thực hiện trong những năm qua tương đối ít, điều đó do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là do năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường vẫn còn hạn chế.

Nhận thức rõ điều đó, trong những năm gần đây, Ban Giám hiệu nhà trường luôn quan tâm, thường xuyên trao đổi, tìm cách thức làm thế nào để khơi dậy tiềm lực nghiên cứu khoa học trong đội ngũ cán bộ của trường, đặc biệt là đội ngũ giảng viên; vì theo Quy định của Học viện đối với giảng viên có 2 nghĩa vụ chính: giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế. Tuy nhiên nghĩa vụ nghiên cứu khoa học đối với giảng viên ở trường chính trị nếu không tham gia nghiên cứu đề tài thì khó có thể thực hiện tốt công tác giảng dạy. Không chỉ chú trọng đến công tác giảng dạy mà hoạt động nghiên cứu khoa học nói chung cũng như việc triển khai nghiên cứu đề tài khoa học nói riêng chưa đáp ứng trước những yêu cầu đổi mới. Từ năm 2013 đến nay, hoạt động nghiên cứu khoa học đã có sự khởi sắc, các đề tài khoa học cấp trường có xu hướng đi vào nghiên cứu, khái quát các hoạt động chính, nghiên cứu đi sâu từng mảng hoạt động của trường, cụ thể đã triển khai nghiên cứu 01 đề tài khoa học cấp trường về: “Xây dựng bộ thủ tục làm việc của Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận” do ThS. Nguyễn Thị Thuận Bích làm chủ nhiệm đề tài và tổ chức nghiệm thu tháng 6/2014. Đến tháng 6/2015 tiếp tục triển khai nghiên cứu 04 đề tài khoa học cấp trường với nội dung: Biên soạn đề cương các bài giảng trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính và hiện nay đang triển khai thực hiện 3 đề tài khoa học cấp trường về: Biên soạn bộ câu hỏi trắc nghiệm phần I, phần II và phần V.1, V3 trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính (bổ sung, chỉnh sửa năm 2014). Tính đến nay, nhà trường đang triển khai thực hiện 07 đề tài khoa học cấp trường, dự kiến từ nay đến tháng 9/2016 sẽ tổ chức nghiệm thu 07 đề tài khoa học cấp trường, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Như vậy, có thể nhận thấy chính sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp và quyết tâm của Ban giám hiệu nhà trường là động lực cơ bản thúc đẩy các hoạt động của trường từng bước đi vào nề nếp, tạo điều kiện, môi trường cho đội ngũ cán bộ, giảng viên thể hiện khả năng, tư duy sáng tạo trong quá trình triển khai nghiên cứu đề tài khoa học. Bởi vì thực tiễn đã chứng minh, để giảng dạy tốt thì việc kết hợp giảng dạy với tham gia nghiên cứu đề tài khoa học là giải pháp có hiệu quả và thiết thực nhất, giúp cho đội ngũ giảng viên nâng dần kỹ năng tư duy, cách thức lập luận; qua nghiên cứu khoa học mới có điều kiện tiếp xúc thêm nhiều nguồn tư liệu phong phú hơn và qua đó nâng dần khả năng lập luận, tổng kết thực tiễn, giúp cho hoạt động giảng dạy ngày càng đi vào nề nếp.

Bên cạnh việc triển khai thực hiện các đề tài khoa học cấp trường trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên để có thể tham gia vào nghiên cứu đề tài khoa học cấp tỉnh được, Ban giám hiệu nhà trường cần quan tâm nhiều hơn nữa đến chất lượng nghiên cứu khoa học, cách thức quản lý, triển khai thực hiện các nội dung đối với đề tài khoa học cấp tỉnh... thì mới có thể mạnh dạn đề xuất với Sở Khoa học và công nghệ tỉnh đăng ký triển khai nghiên cứu đề tài khoa học cấp tỉnh đạt chất lượng và hiệu quả tốt./.


Các tin khác