Xuống cấp đạo đức, gia tăng bạo lực!

Tết cổ truyền Bính Thân vừa kết thúc, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, thống kê những con rất đáng buồn, đáng lo ngại, đó  là hàng trăm người chết (300 người), hàng trăm người khác (380 người) bị thương vì tai nạn giao thông, hàng ngàn người (5.121 ca) phải nhập viện vì đánh nhau. 

Tại Bình Thuận, trong dịp tết Bính Thân 2016 cũng có hơn 100 ca nhập viện vì đánh nhau. Trong số các vụ ẩu đả, có vụ ở thị trấn Ma Lâm (Hàm Thuận Bắc), đối  tượng là Trần Thị Tường Vi 22 tuổi (ngụ tại thị tấn Ma Lâm) đánh em Huỳnh Anh  Như, nữ học sinh lớp 9 Trường THCS Ma Lâm, được quay Clip, đưa lên mạng xã hội, mà bất cứ ai xem Clip bạo lực này cũng hết sức phẫn nộ vì hành động kiểu côn đồ của Trần Thị Tường Vi, đánh em Huỳnh Anh Như rất dã man! Và kinh hoàng hơn là vụ án xảy ra vào dịp tết này (ngày 15/2/2016), do hành động của nhóm thiếu niên, gồm Tăng Văn Sơn (15 tuổi), Nguyễn  Văn Hải (16 tuổi), Mai Nguyên Phụng (19 tuổi) và Nguyễn Hoàng Long (15 tuổi) cùng ngụ TP Phan Thiết, truy sát, đâm chết em Võ Ngọc Trọng Hiếu, học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du (TP Phan Thiết) ngay trước cổng trường, lúc Hiếu vừa tan học buổi đầu tiên sau tết. Vụ án để lại gia đình em Hiếu nỗi đau khôn xiết trong những ngày đầu xuân năm mới; đồng thời gây bất bình và tâm lý bất an trong xã hội.  

Trước hiện tượng bạo lực gia tăng đáng lo ngại này, dư luận đặt câu hỏi phải chăng người Việt đang trở nên hung hãn hơn!?  Điều này cũng có lý, bởi qua theo dõi diễn biến tình hình trong những năm từ 2014 đến nay, cứ vào dịp tết, có tới hơn 3500 cho đến hơn 5000 người, cá biệt năm 2015 có hơn 6200 người không ở nhà chung vui đầm ấm, trọn vẹn cái tết với gia đình, mà vì nạn ẩu đả, hành hung nhau, dẫn đến thương tích phải đi vào bệnh viện! Thực trạng này đang làm mất dần tính bao dung, lòng nhân ái được lưu truyền từ ngàn đời nay của người Việt chúng ta. Câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng” sẽ bị lu mờ dần ý nghĩa, khi một bộ phận không ít những người đang có xu hướng đề cao lối sống thực dụng, coi trọng đồng tiền, vật chất mà làm mất dần lối sống tình cảm. Do đó thay lối xử sự bằng nghĩa cử nhân văn sang lối hành xử dùng bạo lực trong giải quyết các bất đồng, mâu thuẩn, nhất là những người thường sử dụng chất gây nghiện, kích thích như rượu, bia, ma túy dễ dẫn đến mất kiểm soát hành vi, trở nên hung dữ, nhiều nhất là những người thuộc lớp trẻ, ít có sự nhường nhịn, kiên nhẫn, kiềm chế. Ngược lại, muốn thể hiện mình với đối phương bằng hành động hung hăng, hiếu thắng, ưa lấy hung bạo để thắng nhân nghĩa! Do đó chỉ sự việc nhỏ xảy ra cũng có thể trở nên chuyện lớn; chẳng hạn như đưa ánh mắt hoặc thể hiện nụ cười không bình thường, bị cho là “đểu” nên dẫn đến “xử nhau” bằng bạo lực. Những vụ ẩu đả có thể xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi, từ gia đình đến xã hội, nhưng đáng lo ngại nhất là hai lĩnh vực gia đình và trường học đang có xu hướng gia tăng. Trong gia đình nạn bạo hành giữa vợ, chồng, cha mẹ với con. Nhiều người vợ, nhiều con trẻ, thậm chí có những người mẹ, người cha bị trở thành nạn nhân thê thảm của bạo hành. Trong trường học, nhất là các bậc phổ thông, mặc dù khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” được đề lên ở hầu hết các ngôi trường, nhưng trên thực tế việc “học lễ” đã bị sao nhãng cả từ phía người dạy và người học, từ đó dẫn đến nạn bạo lực học đường, như trò đánh thầy, học sinh chia nhau thành băng nhóm để “xử” nhau, thậm chí đánh cả thầy cô - người dạy dỗ mình. Đáng nói là những nữ sinh, vốn dĩ hiền hòa, bây giờ trở nên hung bạo, đánh hội đồng, cả băng nhóm hành hung một bạn đồng giới. Đây là những biểu hiện của sự lệch chuẩn về đạo đức đang gây nhức nhối trong đời sống xã hội.

Nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia tăng bởi nhiều yếu tố, cả về khách quan và chủ quan như: do tác động bên ngoài xã hội, phim ảnh hành động bạo lực đâm chém, thanh toán nhau xuất hiện tràn lan trên khắp các phương tiện thông tin, nhất là mạng Internet. Mặt khác, văn hóa ứng xử của người Việt hình như ít xuất hiện những từ “xin lỗi”, “thông cảm” khi mình làm điều gì đó chưa vừa lòng người khác. Rồi những áp lực của cuộc sống, việc làm, thu nhập, học hành, thi cử…Còn nhiều nguyên nhân khác, nhưng sâu xa nhất vẫn là vấn đề giáo dục từ ba lĩnh vực: gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó gia đình là quyết định nhất. Một số gia đình, do cha mẹ sống không gương mẫu, vợ chồng ly hôn nên buông lỏng giáo dục, phó mặc con mình cho xã hội. Nhiều bậc cha mẹ lo kiếm kế sinh nhai, lo chuyện kinh tế, làm giàu nên ít quan tâm việc dạy dỗ con cái. Cũng có không ít bậc cha mẹ do điều kiện kinh tế khá giả nên luôn nuông chiều con một cách thái quá, con muốn gì được chiều nấy. Chính vì thói quen được nuông chiều, nên nhiều trẻ lớn lên về thể xác; đồng thời cái tôi cũng trở nên rất lớn và bản tính hung hăng cũng hình thành từ đó. Thứ đến là việc giáo dục đạo đức trong nhà trường, các giá trị truyền thống "Tôn sư trọng đạo" bị nhìn nhận một cách méo mó, vật chất hóa, thực dụng; có trường hợp người thầy không giữ được tư cách đáng kính trọng trong quan hệ thầy trò, do đó nơi thì xảy ra thầy đối xử bằng bạo lực với trò, nơi thì trò đối xử với thầy không bằng sự kính trọng lễ phép, mà thay vào đó bằng hành động mất tính tôn sư.

Để thay thế lối hành xử bạo lực bằng ứng xử với nhau qua những nghĩa cử văn hóa, nhân văn, có thể tiến hành với nhiều giải pháp đồng bộ, trước hết chú trọng đến vấn đề giáo dục, bao gồm giáo dục từ gia đình, giáo dục trong nhà trường và xã hộị, làm cho mọi người dân nhận thức đúng đắn về pháp luật, biết đầy đủ về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong mối quan hệ với mọi người, và nhận thức sâu sắc ý nghĩa giá trị của đạo đức, lòng nhân ái, bao dung, thương người như thể thương thân để hình thành mối quan hệ hài hòa thân thiện trong cuộc sống hằng ngày của cộng đồng dân cư ở mỗi góc làng, ngõ phố. Mỗi người hãy khắc sâu vào tâm trí câu ca dao “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” để nhắc nhở rằng những người có quan hệ huyết thống, những người dân cùng một nước phải biết đấu tranh vì mục đích chung của cộng đồng, đừng gây xung đột, mâu thuẫn vì mục đích cá nhân, ti tiện; đồng thời phải biết thương yêu đùm bọc lấy nhau. Vậy, đúng như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: “Còn gì đẹp trên đời hơn thế/Người yêu người, sống để yêu nhau”./.


Các tin khác