Công tác đào tạo cán bộ ở Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận (từ năm 1992 - 6/2015)

Theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 10, ngày 26/12/1991, tỉnh Thuận Hải được chia tách thành hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Tỉnh Bình Thuận bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 4/1992. 

Từ đó, Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận được thành lập và có chức năng, nhiệm vụ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức ở địa phương về lý luận chính trị, về kiến thức quản lý nhà nước và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Trong điều kiện khó khăn của một tỉnh vừa mới chia tách, song Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành…, cùng với sự nỗ lực của tập thể công chức, viên chức nhà trường đã khắc phục khó khăn, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của trường theo chỉ tiêu tỉnh giao hằng năm.

So với năm 1992, đội ngũ cán bộ, giảng viên đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, bộ máy của trường gồm có 03 phòng và 04 khoa với 50 cán bộ, giảng viên, trong đó, trình độ thạc sĩ có 16 đồng chí, 03 đồng chí đang học thạc sĩ, đại học 13 đồng chí, cao đẳng 01 đồng chí, còn lại là trung cấp và nhân viên kỹ thuật.

Xuất phát từ yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh, nhà trường đã thực hiện đa dạng hóa các hình thức mở lớp như: mở các lớp trung cấp LLCT - HC, hệ đào tạo tập trung và tại chức học tại trường, mở các lớp trung cấp LLCT - HC, hệ đào tạo tại chức ở 10 huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, liên kết với Học viện trung tâm, Học viện khu vực II và khu vực III, Phân hiệu Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương, Phân viện Thanh thiếu niên, Trường Quân sự tỉnh Bình Thuận để mở các lớp cao cấp LLCT - HC, hệ đào tạo tại chức, đại học hành chính, trung cấp phụ vận, trung cấp thanh vận và trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở.

Sau 23 năm (1992 - 6/2015) thực hiện nhiệm vụ của tỉnh giao, Trường Chính trị đã đào tạo được 120 lớp với 9.927 học viên, cụ thể: mở 06 lớp đại học chính trị với 489 học viên; 06 lớp cao cấp LLCT - HC, hệ đào tạo tại chức với 624 học viên; 04 Đại học hành chính với 423 học viên; 95 lớp trung cấp LLCT - HC (hệ đào tạo tập trung và tại chức) với 7.715 học viên; 04 lớp trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở với 405 học viên; 02 lớp trung cấp ngành Công tác Phụ nữ với 137 học viên; 01 lớp trung cấp Nghiệp vụ thanh vận với 64 học viên; 01 lớp trung cấp Khuyến Nông Lâm với 46 học viên và 01 lớp đào tạo tiếng Chăm cho CBCC với 27 học viên.

Nhiều cán bộ cấp cơ sở, cấp huyện và cấp tỉnh sau khi được đào tạo đã phát huy tốt năng lực và sở trường của mình trên từng cương vị công tác, đáp ứng được những đòi hỏi của các chức danh lãnh đạo, quản lý và nhiệm vụ chính trị của đơn vị trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Đây chính là động lực quan trọng nhất để đội ngũ cán bộ của Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận tiếp tục nổ lực phấn đấu khắc phục những khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ tỉnh nhà, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của trường.

Để nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ cho tỉnh nhà, Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận luôn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm thực hiện tốt kế hoạch đào tạo cán bộ cho tỉnh. Song song với việc thực hiện kế hoạch đào tạo, một trong những vấn đề trọng tâm của nhà trường là nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên để đáp ứng nhu cầu trong thời kỳ đổi mới của tỉnh nhà. Năm 1992, nhà trường có 07 giảng viên (07 đại học, thời điểm này chưa có giảng viên nào đạt trình độ thạc sĩ). Trong thời gian qua, Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận tiếp tục đào tạo và tuyển dụng giảng viên, hiện nay trường có 18 giảng viên (13 thạc sĩ, 05 đại học), trong đó: 06 giảng viên chính và 12 giảng viên; đội ngũ giảng viên luôn tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, tự nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và ở các Học viện khu vực, Học viện Hành chính, Bộ Nội vụ... Đặc biệt từ năm 2005 đến nay, hằng năm nhà trường đã tổ chức thao giảng cấp khoa (04/04 khoa đã thực hiện kế hoạch tổ chức thao giảng cấp khoa), trong đó có 22/22 đồng chí được chọn tham gia thao giảng cấp trường đều đạt giảng viên dạy giỏi và trường đã tuyển chọn 09 trong số 22 giảng viên dạy giỏi tham gia Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc do Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức ở khu vực phía Nam (có 03 giảng viên đạt loại xuất sắc và 06 giảng viên đạt loại giỏi). Một điểm mới nhất của Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận là năm học 2014 - 2015, nhà trường đã xây dựng và thực hiện Kế hoạch lấy ý kiến phản hồi từ học viên theo Hướng dẫn số 09/HD-HVCTQG, ngày 23/01/2015 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc lấy phiếu phản hồi từ người học, kết quả có 11 giảng viên được lấy ý kiến phản hồi từ học viên. Cùng với hoạt động thao giảng, dự giờ, lấy phiếu phản hồi từ người học, hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên luôn được các khoa chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức đi từng đợt; đồng thời mỗi giảng viên cũng đã chủ động đi nghiên cứu thực tế một số nội dung để kết hợp giữa lý luận và thực tiễn. Đến nay, 100% giảng viên đã ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và kết hợp với đổi mới nhiều phương pháp trong một bài giảng đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo của trường.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập cũng được nhà trường quan tâm. Do đó, trong công tác quản lý học viên, nhà trường chủ động kiểm tra rà soát, đối chiếu danh sách học viên theo các khâu trong quy trình đào tạo ở từng hệ lớp. Đảm bảo các quy trình về thủ tục tuyển sinh, mở lớp, quản lý học viên các lớp theo quy định. Các chủ nhiệm lớp quản lý lớp đúng nội quy, quy chế; giải quyết kịp thời những vấn đề có liên quan đến việc học tập và rèn luyện của học viên theo thẩm quyền được phân công.

Để đạt được những kết quả trên, bài học kinh nghiệm của Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận:

Một là, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của trường và chỉ tiêu kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hằng năm của Tỉnh ủy và UBND tỉnh giao, Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan trên địa bàn tỉnh để xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai mở lớp.

Hai là, thực hiện đúng nội dung về chương trình đào tạo đối với hệ trung cấp LLCT và hệ trung cấp LLCT - HC do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành.

Ba là, đối với hệ trung cấp LLCT và trung cấp LLCT - HC, trong quá trình triển khai công tác mở lớp, nhà trường đều thực hiện đúng theo các quy chế, quy định về quản lý đào tạo do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành.

Bốn là, Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quy chế hoạt động khoa học, Quy chế hoạt động nghiên cứu thực tế và Quy chế thao giảng, dự giờ của trường để phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy của trường hoạt động đi vào nề nếp./.


Các tin khác