Nhận thức về tư pháp độc lập đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam

Nhà nước pháp quyền là một biểu hiện và thành tựu của dân chủ, một phương thức tổ chức quản lý xã hội và chỉ có nhà nước pháp quyền mới có thể duy trì trật tự công lý trong xã hội. 

Do vậy, xây dựng nhà nước pháp quyền là một nhu cầu tất yếu đối với Nhà nước Việt Nam vì bản chất của Nhà nước Việt Nam mang bản chất dân chủ, công bằng. Tư pháp độc lập là một trong những tiêu chí giúp đánh giá Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam bên cạnh các tiêu chí: xây dựng Nhà nước pháp quyền được xác định là mục tiêu và việc xác định này phải được thể chế hóa - hiến định; chế ngự và kiểm soát sự lạm dụng quyền lực nhà nước; sự tối thượng của pháp luật và đặc biệt là tối thượng của hiến pháp và cơ chế bảo vệ sự tối thượng của pháp luật, của hiến pháp - bảo hiến; bảo đảm các tính chất chính trị và pháp lý của luật pháp (dân chủ, công bằng, nhân đạo, hiệu lực, khả thi, tiên liệu…).

Yêu cầu đầu tiên và cơ bản của việc xây dựng nhà nước pháp quyền là phải đảm bảo tính độc lập của Tòa án. Một nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa của nó không thể thiếu được một nền tư pháp độc lập. Độc lập tư pháp là một nội dung trọng tâm, được ghi nhận chính thức trong Hiến pháp và pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới. Toà án có một vai trò, vị trí quan trọng trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Toà án là nơi thực hiện công lý và công bằng xã hội thông qua chức năng xét xử. Tư pháp độc lập được hiểu là Tòa án độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Trong ba hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp thì đặc trưng của hệ thống lập pháp là mang tính đại diện và phụ thuộc vào cử tri. Còn đặc trưng của hệ thống hành pháp là thực hiện, thi hành pháp luật, điều hành thống nhất. Tư pháp có nồng cốt chính là hệ thống toà án. Tư pháp phải độc lập, nó chỉ bảo vệ được pháp luật khi nó độc lập còn nếu mà nó bị tác động bên ngoài thì nó sẽ không bảo vệ được pháp luật. Yêu cầu về tư pháp độc lập không chỉ trong nhà nước pháp quyền mà còn trong bất cứ thể chế nào.

Với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới, cùng với cải cách nền hành chính, Đảng ta chủ trương ban hành và thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020, lấy Tòa án làm trung tâm, xét xử làm trọng tâm và lấy tranh tụng làm khâu đột phá; trọng tâm của CCTP là bảo đảm cho nguyên tắc Tòa án độc lập có hiệu lực trên thực tế. Chủ trương của Đảng cộng sản Việt Nam trong cải cách tư pháp cũng thể hiện rất rõ qua các văn kiện Đại hội và được cụ thể hóa trong Nghị quyết 49-NQ/TW. Tuy nhiên, trong các văn kiện này, bảo đảm cho tính độc lập của tư pháp chưa là một mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và hàng đầu mà nhấn mạnh tính hiệu lực, hiệu quả, trong sạch. Để đạt được mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là phải nhận thức một cách toàn diện về quyền tư pháp, nâng cao vị thế của quyền tư pháp, của Tòa án, của Thẩm phán. Để đổi mới hệ thống và bảo đảm tính độc lập của tòa án, trước tiên cần thay đổi nhận thức hay cách tiếp cận về Tòa án. Hiến pháp năm 2013 xác định nhiệm vụ bảo vệ công lý của Toà án, tuy nhiên xác định như thế là có phần hơi “quá”, nếu xác định bảo vệ trật tự pháp luật thì sẽ rõ ràng hơn. Công lý là một khái niệm khá mập mờ.

Độc lập của Tòa án được chia thành hai loại, độc lập về mặt pháp lý hình thức và độc lập về mặt thực tế. Những đánh giá định tính về độc lập của Tòa án ở Việt Nam còn khiêm tốn cả về mặt pháp lý hình thức cũng như về mặt thực tế. Về mặt pháp lý, độc lập của Tòa án theo pháp luật hiện hành chưa thể lạc quan. Những quy định của hiến pháp và pháp luật cho thấy hầu hết những tiêu chí của sự độc lập (quy định về độc lập của tòa án trong hiến pháp, thủ tục bổ nhiệm, nhiệm kỳ của thẩm phán, lương của thẩm phán, cơ chế kiểm hiến, công khai án, phân bổ án, độc quyền xét xử và quyết định chung cuộc) chưa được đánh giá ở mức khả quan (trừ hai tiêu chí: quy định về độc lập của tòa án trong hiến pháp và độc quyền xét xử và quyết định chung cuộc)[1].

Đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống tòa án là một yêu cầu khách quan nhằm đáp ứng vị trí, vai trò của Tòa án trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo đảm cho Tòa án thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người và là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật. Tư pháp độc lập là để pháp luật được tôn trọng và tuân thủ một cách triệt để bởi mọi cá nhân, tổ chức, cơ quan trong xã hội. Tư pháp độc lập là một trong những yếu tố thiết yếu đảm bảo sự hiện thực hóa của Nhà nước pháp quyền.

Khi xét xử, Thẩm phán cần phải có sự độc lập với các chủ thể sau: Độc lập với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong bộ máy cầm quyền, bao gồm cả lãnh đạo của tòa án, thẩm phán của tòa án cấp trên; các bên đương sự trong vụ việc; độc lập trước dư luận xã hội; độc lập của chính những người cùng làm công tác xét xử với nhau khi giải quyết một vụ án; độc lập của bản thân người làm công tác xét xử với chính mình (theo nghĩa họ không được xét xử những vụ việc mà bản thân họ đã có định kiến hoặc có lợi ích liên quan tới vụ việc hoặc với các bên trong vụ việc ấy).

Bất cứ quốc gia nào cũng cần sự độc lập của toà án. Nếu trong một quốc gia, toà án không độc lập thì có nghĩa là luật không được bảo vệ. Mà luật không được bảo vệ thì nó trái với nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền, luật là tối thượng. Nếu tư pháp không độc lập thì có thể nói ở đó không thể nhận diện được Nhà nước pháp quyền. Đây là tiêu chí quan trọng nhất ở mọi quốc gia và ở Việt Nam thì điều này lại càng quan trọng hơn. Nước ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền, thực trạng tư pháp ở Việt Nam vẫn chưa thật sự độc lập. Ở Việt Nam chưa có trường phái về Nhà nước pháp quyền cụ thể, chỉ là ở những bước ban đầu, nhận diện về Nhà nước pháp quyền. Những quan điểm này ở Việt Nam chưa nằm trong một thể thống nhất. Chúng ta phải có lộ trình và phương pháp để đạt mục tiêu.

Tóm lại, ở nước ta, quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phân công phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong mối quan hệ với các cơ quan thực hiện các nhánh quyền lực khác, sự độc lập tư pháp được thể hiện rõ rệt nhất ở chỗ không được can thiệp vào công việc của Tòa án, của Thẩm phán, nhất là hoạt động xét xử của Thẩm phán. Thẩm phán xét xử chỉ dựa trên chứng cứ toàn diện của vụ án, xem xét đánh giá bản chất sự việc một cách khách quan, vô tư, trung thực, tuân thủ pháp luật, không tuân theo ý chí của một ai khác. Muốn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì phải cần có sự độc lập của tư pháp. Trong lộ trình xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam cần thiết và bước đầu phải làm là phải đảm bảo cho tư pháp độc lập. Độc lập là cả một quá trình chứ không cố định. Để thống nhất nhận thức trong toàn xã hội về độc lập tư pháp, độc lập của Tòa án trong thực hiện nhiệm vụ của mình, cần thiết phải nghiên cứu, phân tích rõ các yếu tố bảo đảm cho sự độc lập tư pháp, độc lập của Tòa án, trên cơ sở đó xây dựng các thể chế, quy định phù hợp, thuận lợi trong triển khai thực hiện công tác Tòa án./.

 


[1] TS. Đỗ Minh Khôi, Giảng viên trường ĐH Luật Tp.HCM, Đề cương chi tiết môn Lý thuyết về nhà nước pháp quyền hiện đại.


Các tin khác