Tìm hiểu mô hình bác sĩ gia đình

Ngày nay, với nền y học hiện đại, dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng hoàn thiện, con người đang được thụ hưởng những gì tối ưu nhất từ các dịch vụ y tế. Khi cần chăm sóc và điều trị, bệnh nhân có thể được chăm sóc không chỉ ở các cơ sở y tế như các phòng khám, bệnh viện mà còn có thể được chăm sóc tại nhà khi cần với bác sĩ gia đình. Vậy Mô hình Bác sĩ gia đình là gì và hiện nay mô hình này được thực hiện như thế nào?

Có nhiều cách hiểu khác nhau về bác sĩ gia đình, mỗi nước có mỗi cách thực hiện và những yêu cầu về trình độ về bác sĩ gia đình khác nhau. Tuy nhiên có điểm chung đó là: Bác sĩ gia đình là người chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bệnh nhân, là bác sĩ đa khoa, chịu trách nhiệm thăm khám ban đầu, giới thiệu và chuyển người bệnh đến bác sĩ chuyên khoa hoặc bệnh viện khi có yêu cầu về chuyên môn. Với mục tiêu chung là giảm gánh nặng về thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan, giảm quá tải bệnh viện, nhằm tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho bệnh nhân.

Ở một số nước trên thế giới

Quan niệm về bác sĩ gia đình không phải là vấn đề mới ở các nước trên thế giới,  Mô hình bác sĩ gia đình là mô hình chăm sóc sức khỏe tuyến đầu khá phổ biến, không chỉ phát triển mạnh ở các nước phát triển như Mỹ, Anh mà còn ở nhiều nước khác.

Ở Mỹ, các bác sĩ gia đình tại Mỹ hoạt động theo nhiều mô hình khác nhau, từ các phòng khám tư cho đến bệnh viện, có thể hoạt động độc lập hoặc theo hệ thống ở các bệnh bệnh viện.

Ở Anh, thông thường một bác sĩ gia đình sẽ phụ trách từ 1.500 đến 2.000 bệnh nhân, các bệnh nhân được đăng ký một bác sĩ gia đình cụ thể để chăm sóc sức khỏe cho họ và nếu muốn khám lên tuyến trên thì bệnh nhân phải có được sự giới thiệu của bác sĩ gia đình.

Ở Pháp, để được hưởng quyền lợi của bảo hiểm y tế, bắt buộc những người trên 16 tuổi phải chọn cho mình một bác sĩ điều trị riêng tức là bác sĩ gia đình, và họ chính là những người bác sĩ đa khoa, đảm bảo là người chăm sóc y tế đầu tiên cho bệnh nhân, chịu trách nhiệm chuyển bệnh nhân đến các bác sĩ chuyên khoa.

Ngoài ra, ở một số nước khác, mô hình bác sĩ gia đình cũng đã phát triển, việc thăm khám và điều trị bệnh nhân của bác sĩ gia đình được phân chia theo phụ trách từng khu vực.

Ví dụ như ở Cu Ba, bác sĩ gia đình sẽ phụ trách từng khu vực dân cư và chịu trách nhiệm về giáo dục y tế và y tế dự phòng cho khu vực này, với tỷ lệ 1 nhân viên y tế trên khoảng 160 người dân; Tại Thổ Nhĩ Kỳ, có các trung tâm bác sĩ gia đình phụ trách theo khu vực và các trung tâm này hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu khá toàn diện, từ việc tiêm chủng, kế hoạch hóa gia đình đến việc sàng lọc ung thư, và các bệnh phẩm xét nghiệm sẽ được gửi lên tuyến trên kiểm tra. Các hoạt động khám, chữa bệnh ở đây được gắn kết chặt chẽ với hệ thống bảo hiểm y tế.

Ở Việt Nam

Việt Nam hiện nay đang học hỏi kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, đặc biệt là từ mô hình bác sĩ gia đình của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục, thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, cũng như góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, trong giai đoạn 2013 đến 2020 Bộ Y tế đã tiến hành triển khai Đề án Bác sĩ gia đình với việc xây dựng và phát triển mạng lưới sẽ được triển khai lồng ghép với mạng lưới y tế sẵn có, và trong giai đoạn 2013 đến 2015, Bộ Y tế đã thí điểm thành lập phòng khám Bác sĩ gia đình theo các mô hình: Phòng khám tại khoa khám bệnh của bệnh viện đa khoa; phòng khám bác sĩ gia đình lồng ghép với trạm y tế xã, phường, thị trấn; phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân theo cụm dân cư. Mục tiêu là thành lập được ít nhất 80 phòng khám bác sĩ gia đình tại các tỉnh, thành phố tham gia dự án. Sau đó, từ năm 2016-2020 sẽ nhân rộng mô hình ra toàn quốc.

Theo quy định của Bộ Y tế, bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa thực hành có chức năng cơ bản là cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tiếp và liên tục cho các thành viên trong hộ gia đình, quản lý, cung cấp toàn bộ các chăm sóc y tế hoặc hỗ trợ cho các thành viên của hộ gia đình được sử dụng các nguồn lực y tế và dịch vụ xã hội khác. Theo mô hình này, Bác sĩ gia đình đảm đương 3 vai trò chính: Khám lâm sàng, y tế dự phòng và bác sĩ tâm lý cho bệnh nhân. Họ sẽ khám sàng lọc, giải quyết được phần lớn các bệnh lý thông thường để tránh trường hợp người dân tự ý chuyển lên tuyến trên điều trị.

Bác sĩ gia đình có phải chỉ là bác sĩ đến khám trực tiếp tại nhà không?

Bác sĩ gia đình hoàn toàn khác với bác sĩ chỉ đến khám tại nhà. Bác sĩ khám tại nhà chỉ là đến khám và đi về, mang tính nhất thời, còn bác sĩ gia đình là mô hình chăm sóc sức khỏe lâu dài, liên tục và có tính cộng đồng cao, bởi họ còn có nhiệm vụ tham gia hướng dẫn phòng bệnh, phát hiện sớm bệnh cũng như kiểm soát bệnh mạn tính. Người chịu trách nhiệm chuyên môn của phòng khám phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề về y học gia đình và chịu trách nhiệm chỉ định bệnh nhân lên bác sĩ chuyên khoa và bệnh viện.

Bác sĩ gia đình là những người được đào tạo để chăm sóc bệnh nhân ban đầu một cách toàn diện, việc bác sĩ gia đình tới nhà bệnh nhân là một trong những hoạt động cần thiết khi bệnh nhân không đi được nhưng không có nghĩa bác sĩ gia đình là bác sĩ chăm sóc tại nhà, và xu hướng trên thế giới hiện nay là bác sĩ gia đình hạn chế đến nhà bệnh nhân vì chi phí thường sẽ cao hơn và không còn thời gian chăm sóc cho các bệnh nhân khác.

Ở nước ta hiện nay, đang có sự nhầm lẫn giữa bác sĩ gia đình và bác sĩ riêng chăm sóc tại nhà. Với bác sĩ chăm sóc tại nhà với sự thăm khám và chữa trị nhất thời 1 loại bệnh của bệnh nhân thì không nắm được tiền sử bệnh nhân, còn bác sĩ gia đình là người có trách nhiệm theo dõi bệnh nhân từ trước đến nay sẽ nhận biết được vì sao người bệnh bị bệnh lý đó, đến bệnh viện thì phải đến bệnh viện chuyên khoa nào, và những thông tin về bệnh nhân đều được các bác sĩ chuyên khoa chuyển lại cho bác sĩ gia đình, thể hiện trong bệnh án.

Như vậy, nếu thực hiện tốt đề án mô hình bác sĩ gia đình, không chỉ nhân dân ta được lợi mà nhà nước cũng sẽ được lợi khi giảm được quá tải bệnh viện, chi phí cho ngành y tế sẽ giảm bớt đi, nhân dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn góp phần phục vụ phát triển đất nước. Hy vọng trong thời gian tới nhà nước nói chung và Bộ Y tế nói riêng sẽ ban hành được những cơ chế chính sách cụ thể, rõ ràng, phù hợp để mô hình này được triển khai rộng rãi trong nhân dân./.


Các tin khác