Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về công tác dân vận

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về công tác dân vận là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa thiết thực. Do đó, mỗi người cán bộ, đảng viên phải phụ trách và làm đúng công tác dân vận theo phương châm: trọng dân, gần dân và có trách nhiệm với dân.

Sau Cách mạng tháng Tám, ngày 15/10/1949 Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự thật. Trong bài báo Dân vận ngay phần đầu tiên Bác Hồ lưu ý rằng vấn đề dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng nên cần phải nhắc lại. Tiếp đó, Người khẳng định: “nước ta là nước dân chủ bao nhiêu lợi ích đều vì dân,bao nhiêu quyền hạn đều của dân”. Đó là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt, là bản chất của nhà nước ta. Theo Người, công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tất cả chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân điều phải phụ trách dân vận. Từ đoàn thể Bác Hồ nói ở đây không phải là các đoàn thể chính trị, xã hội như hiện nay, mà chính là các tổ chức Đảng, vì lúc đó Đảng ta chưa ra công khai nên Bác dùng từ đoàn thể để chỉ Đảng. Chính từ các sự kiện này, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) quyết định lấy ngày 15/10 hàng năm là Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng.

Nội dung của công tác dân vận không chỉ là vận động nhân dân thực hiện những công việc mà Đảng, Chính phủ giao, mà còn có một nội dung rất quan trọng, đó là trách nhiệm của Đảng, của Chính phủ đối với nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Đảng và Chính phủ phải hết sức chăm lo đời sống của nhân dân, nếu dân đói thì Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét thì Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt thì Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm thì Đảng và Chính phủ có lỗi… Từ thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh rút ra bài học sâu sắc “sự nghiệp cách mạng là của nhân dân”. Sức mạnh của Đảng là sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Do đó phương pháp công tác dân vận phải hết sức linh hoạt và phong phú, phải xuất phát phải từ cái tâm, đạo đức và trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên trước nhân dân. Dân vận không thể chỉ dùng báo chương sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trong, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ ngồi nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn gần gũi, quan tâm, phải hiểu biết những thuận lợi, khó khăn và phải là người “đầy tớ thật trung thành” của nhân dân. Học tập và làm theo những điều Bác Hồ dạy trong suốt quá trình cách mạng, chính là Đảng ta đã làm tốt công tác dân vận, đưa đất nước ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Thực tế cho thấy, ở đâu và lúc nào làm tốt công tác dân vận thì tập hợp được quần chúng nhân dân tích cực tham gia và đạt kết quả toàn diện, vững chắc. Ngược lại, nơi nào xem nhẹ công tác dân vận; cán bộ xa rời quần chúng nhân dân, quan liêu, cửa quyền, thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức, không lắng nghe, tôn trọng và không quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, lợi ích của quần chúng nhân dân… thì chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước sẽ rất khó đến với người dân, từ đó việc thực hiện sẽ không thể nào có kết quả cao.

Nhân kỷ niệm 86 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2016), mỗi người cán bộ, đảng viên ccaafn phải ghi nhớ phương châm: trọng dân, gần dân và có trách nhiệm với dân. Nếu được vậy thì khó khăn, thách thức nào cũng vượt qua để giành mọi thắng lợi, như Bác Hồ khẳng định: Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công./.


Các tin khác