Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (2011) đã xác định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn (2011 - 2020) gồm ba khâu đột phá chiến lược là: thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng[1]. Đây chính là chìa khóa quan trọng để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, trong Báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015) và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020), thực hiện các đột phá chiến lược và tạo nền tảng để đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đáp ứng yêu cầu. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (2016), Đảng ta xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ đại hội, thể hiện:
* Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Hệ thống văn bản liên quan đến thể chế kinh tế tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện. Công tác sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đang được triển khai và đề cập đến nhiều nội dung liên quan đến việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta[2]... Giai đoạn (2011 - 2013), Quốc hội đã thông qua 35 luật, trong đó có nhiều luật, văn bản liên quan đến hoàn thiện thể chế kinh tế. Các chính sách thúc đẩy quá trình thị trường hóa như giá các loại hàng hóa quan trọng (điện, xăng dầu, than,...) và các dịch vụ công về giáo dục, y tế,… từng bước thực hiện theo cơ chế thị trường. Cải cách hành chính có bước tiến đáng kể.
Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, cạnh tranh minh bạch, bình đẳng hơn giữa các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng ngày càng hiệu quả các nguồn lực trong, ngoài nước cho phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tư nhân được xem là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế (đóng góp 39% tổng đầu tư toàn xã hội và khoảng 50% GDP). Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước được tăng cường góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công.
* Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao
- Thứ nhất, lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề: Hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo và dạy nghề đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và chiến lược, quy hoạch như Luật Giáo dục đại học năm 2012, Chiến lược phát triển nhân lực, Chiến lược giáo dục, Chiến lược dạy nghề, Quy hoạch phát triển nhân lực,… Nhiều chương trình thử nghiệm về nội dung và giải pháp quản lý giáo dục được tổ chức thành công.
Mạng lưới giáo dục, đào tạo được mở rộng, quy mô và chất lượng được nâng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Nội dung, phương pháp giáo dục đào tạo, thi cử và kiểm định chất lượng có đổi mới. Cơ cấu đào tạo hợp lí hơn. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, đào tạo. Chú trọng giáo dục, đào tạo tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý có bước phát triển. Xã hội hóa giáo dục, đào tạo được đẩy mạnh. Tỉ lệ nhập học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt mức cao. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 51,6 % vào năm 2015. Dạy nghề cho lao động nông thôn được quan tâm.
- Thứ hai, lĩnh vực về khoa học và công nghệ: Hệ thống chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ được tiếp tục hoàn thiện theo tinh thần đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, tổ chức và hoạt động. Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 31/10/2012 về Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Tiềm lực khoa học, công nghệ được tăng cường. Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ tăng bình quân 16,5%/năm, đạt khoảng 2% tổng chi ngân sách nhà nước. Đầu tư xã hội cho khoa học, công nghệ tăng nhanh, ước đạt 1,3% GDP vào năm 2015. Khoa học cơ bản đã có bước phát triển. Ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ có bước tiến bộ, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, y tế, thông tin truyền thông,… Các quỹ về khoa học và công nghệ được thành lập, bước đầu đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả. Phát triển thị trường khoa học, công nghệ, tăng cường hoạt động kết nối cung- cầu, giá trị giao dịch công nghệ tăng bình quân 13,5%/năm. Hình thành một số mô hình gắn kết hiệu quả giữa viện, trường với doanh nghiệp trong hoạt động khoa học và công nghệ.
* Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ
Từ nhiều năm nay, hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhiều công trình trọng điểm được triển khai và hoàn thành. Hạ tầng giao thông cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không, hàng hải, đường thủy được quan tâm đầu tư, bảo đảm tốt hơn sự kết nối trên phạm vi cả nước và giao thương quốc tế. Hạ tầng năng lượng cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Hạ tầng thủy lợi được đầu tư, nâng cấp và khai thác hiệu quả hơn. Hạ tầng đô thị, nhất là ở các thành phố lớn có bước được cải thiện. Hạ tầng thương mại với hệ thống siêu thị, chợ phát triển khá nhanh. Hạ tầng thông tin truyền thông phát triển mạnh, đã phóng thành công và đưa vào sử dụng Vệ tinh Vinasat-2. Hạ tầng giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch,... được quan tâm đầu tư. Ngoài nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, Nhà nước đã có chủ trương, chính sách huy động các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước dưới nhiều hình thức khác nhau cho mục tiêu ưu tiên này.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nêu trên, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (2016) cũng nhận định, việc thực hiện ba đột phá chiến lược còn có những hạn chế, yếu kém. Đó là: Thực hiện các đột phá chiến lược và tạo nền tảng để đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đáp ứng yêu cầu. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều vướng mắc, chưa tạo được đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học, công nghệ còn chậm. Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng kịp yêu cầu.
Với những thành tựu và hạn chế, yếu kém trong thực hiện ba đột phá chiến lược trong thời gian qua, cho thấy để thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn (2016 - 2020), Đảng ta cần tập trung thực hiện có hiệu quả các vấn đề sau:
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ hai, phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; gắn kết phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; đẩy mạnh xã hội hóa phát triển nhân lực.
Thứ ba, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại, tập trung phát triển hệ thống kết cấu trọng yếu; phát triển kết cấu hạ tầng ở địa bàn đô thị và những địa bàn còn khó khăn; huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng.
Tóm lại, thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (2016), là chủ trương đúng đắn của Đảng ta. Những mặt hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện ba khâu đột phá chiến lược giai đoạn (2011 - 2015) sẽ được Đảng ta tiếp tục triển khai thực hiện trong giai đoạn (2016 - 2020). Tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, nhiệm vụ trọng tâm này sẽ được thực hiện tốt, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng./.
[1] Văn kiện đại hội Đảng lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr.106
[2] Ví dụ: tổ chức bộ máy nhà nước, chính quyền địa phương; vai trò của các thành phần kinh tế; đồng bộ và phát triển các loại thị trường