Chiến tranh toàn dân sự xuyên suốt và giá trị thời đại từ những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến

Chiến tranh toàn dân là nghệ thuật và truyền thống đánh giặc quý giá của dân tộc ta. Những ngày đầu “Toàn quốc kháng chiến”, tuy thời gian chiến đấu không dài, nhưng chiến tranh nhân dân đã có bước phát triển rất quan trọng về cách thức tổ chức, sử dụng lực lượng và hình thức chiến đấu. Sự phối hợp chặt chẽ các lực lượng, chiến trường và trên các mặt đấu tranh.

Ngay từ những ngày đầu, trước sức mạnh hơn hẳn về lực lượng chủ lực và phương tiện tác chiến hiện đại của quân Pháp, hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã anh dũng đứng lên đánh giặc bảo vệ đất nước. Người dân trên cả nước, là đàn ông hay đàn bà, người già hay người trẻ, không phân chia dân tộc, tôn giáo, đảng phái và giai tầng xã hội, đã là người Việt Nam đều anh dũng đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp cứu Tổ quốc. Nhân dân đánh địch bằng mọi thứ vũ khí và trang bị sẵn có như: Súng, gươm, giáo mác, cuốc thuổng và gậy gộc. Toàn dân đánh giặc với tinh thần và quyết tâm rất cao: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, thể hiện rõ ý chí, nghị lực và sức mạnh của chiến tranh toàn dân. Cụ thể ở Hà Nội, trước khi quân Pháp nổ súng khiêu khích, gây rối nhưng quân và dân Hà Nội cảnh giác, không bị mắc mưu, tuân thủ kỷ luật, chờ lệnh của cấp trên chứ không bắn trả. Hai bên đường, nhà cửa đóng kín, nhưng bên trong nhà, ban công, cửa sổ những mái nhà bằng đều trở thành vị trí chiến đấu. Tường trong nhà, ngoài sân, trên gác, đều đã được đục thành lỗ giao thông, mở đường đi từ buồng này sang buồng khác, nhà này sang nhà khác, đi suốt dọc dãy phố, luồn sang dãy phố ngang, tạo thành một trận địa chiến đấu liên hoàn. Đâu đâu cũng xuất hiện những dòng khẩu hiệu viết trên cửa, trên tường: “Sống chết với Thủ đô”, “Thà chết không chịu trở lại làm nô lệ”. Cho thấy ý chí của người dân Thủ đô, đây là việc nước, việc của toàn dân chứ không phải của riêng ai, riêng cá nhân nào, quyết tâm giữ vững Thủ đô, ngoài ra còn thể hiện tinh thần đoàn kết của toàn dân, khí thế từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, toàn dân cùng tham gia đánh giặc giữ nước, bảo vệ quê hương tổ quốc thân yêu của mình và niềm tin vào kháng chiến nhất định sẽ thắng lợi.

Với sự đồng lòng của toàn dân, với sự lãnh đạo của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến chống Pháp cuối cùng cũng đi đến thắng lợi hoàn toàn bằng Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” buộc Pháp phải rút quân về nước cũng như từ đó cỗ vũ, tạo động lực mạnh mẽ cho toàn dân tộc đứng lên đấu tranh chống lại sự xâm lược của đế quốc Mỹ kết thúc vẻ vang bằng Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đem lại hòa bình, độc lập thống nhất cả nước.

Và đến giai đoạn hàn gắn vết thương chiến tranh, đưa đất nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như giai đoạn hiện nay, cả nước lại một lòng chung sức chung tay, vừa cải tạo vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa bảo vệ Tổ quốc, tạo thành một khối đồng lòng thống nhất trong cả nước như lời hiệu triệu “Toàn quốc kháng chiến” năm xưa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính điều đó đã mang lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử cho đất nước ta. Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Với tinh thần toàn dân Việt Nam như một, những tháng ngày vừa qua, đồng bào miền Trung đang phải hứng chịu những trận lũ lụt tàn phá nhà cửa, ruộng vườn, tài sản mất mát rất lớn, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, toàn dân cả nước chung tay chia sẽ những đau thương, mất mát “hướng về miền Trung”, tương thân tương ái, đoàn kết lẫn nhau. Và cũng từ đó sẽ tạo ra một khối đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, tạo động lực cho toàn dân cả nước thực hiện mục tiêu chung vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu./.


Các tin khác