Bình Thuận: thực hiện chính sách giảm khó khăn cho ngư dân do ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng

Bình Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, với chiều dài bờ biển trên 192 km, vùng biển rộng 52.000 km2, tiếp giáp và liên thông với các ngư trường lớn, có nguồn lợi thuỷ sản đa dạng về chủng loại và trữ lượng, với nhiều loài hải đặc sản nổi tiếng có giá trị kinh tế cao. Do đó, tỉnh Bình Thuận có tiềm năng rất lớn để phát triển ngành kinh tế thủy sản.

Tại tỉnh Bình Thuận, thời gian qua cùng với sự phát triển chung của các ngành kinh tế, ngành khai thác thủy sản đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh nhà. Trong năm 2020, sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh đạt 220 ngàn tấn. Năm 2021, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh đạt 225.211 tấn, tăng 1,8% so năm 2020; trong đó khai thác biển đạt 224.872,2 tấn (chiếm trên 52%), tăng 1,8% so với năm 2020.Giá trị xuất khẩu hàng hóa nhóm hàng thủy sản tăng theo hàng năm, cụ thể: Năm 2019 đạt 136,165 triệu USD; Năm 2020 đạt 159 triệu USD; Năm 2021 đạt 171,5 triệu USD, tăng 7,86% so với năm 2020. Đến nay, sản phẩm thủy sản của tỉnh đã có mặt trên 71 quốc gia.

Giai đoạn năm 2020 - 2025, thực hiện cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị khai thác, trong đó khai thác vùng biển khơi chiếm 60%, ngư dân tỉnh Bình Thuận đã đầu tư đóng mới, trang bị an toàn và ứng dụng trang thiết bị hiện đại như: máy tầm ngư, máy định vị, máy đo độ sâu… góp phần gia tăng năng lực và hiệu quả khai thác xa bờ. Tính đến tháng 3/2022, tỉnh Bình Thuận có 98% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; trong đó, nhóm tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên lắp đặt đạt tỷ lệ 100%. Nhờ đó, việc theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá đã có sự cải thiện đáng kể, nhất là phát huy hệ thống giám sát tàu cá phục vụ theo dõi, giám sát, cảnh báo kịp thời các trường hợp tàu cá vượt ranh giới biển Việt Nam. Hiện nay, ngư dân tỉnh đã tiến hành hiện đại hóa đội tàu khai thác theo hướng đồng bộ; trong đó, 100% tàu cá xa bờ trang bị đầy đủ thiết bị điện tử hàng hải, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá theo quy định; 100% tàu cá xa bờ và tàu dịch vụ thu mua có trang bị hầm bảo quản sản phẩm đạt chuẩn nhằm giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản xuống dưới 10% vào năm 2020.

Tuy nhiên, từ tháng 12/2021 đến nay giá xăng, dầu liên tục tăng cao và được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp trong thời gian tới, tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống và an sinh xã hội của người dân; trong đó có cộng đồng ngư dân ven biển và ngành khai thác thủy sản. Tại tỉnh Bình Thuận, giá xăng dầu liên tục tăng cao càng làm tăng gánh nặng chi phí chuyến vươn khơi của ngư dân. Theo tính toán, chi phí nhiên liệu thường chiếm từ 45 - 60% chi phí đầu vào phục vụ sản xuất cho tàu cá khai thác thủy sản. Nên khi giá dầu tăng, chi phí cho chuyến ra khơi sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Ngoài ra, do giá nhiên liệu tăng nên giá các mặt hàng khác phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản tăng theo từ 10 - 15%, kéo theo chi phí đầu vào tăng từ 35 - 48%. Trong khi giá bán hải sản tăng không đáng kể. Những khó khăn trên dẫn đến tình trạng nhiều tàu cá ngừng hoạt động khai thác thủy sản do thu không đủ bù chi phí đầu vào. Trong tỉnh tính đến thời điểm hiện nay, tàu cá ngừng hoạt động chiếm khoảng 40 - 55%, đặc biệt các tàu cá làm nghề tiêu thụ nhiều nhiên liệu như: Lưới kéo, nghề rê,.... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống và an sinh xã hội của cộng đồng ngư dân. Lũy kế 5 tháng đầu năm  2022, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh Bình Thuận đang có dấu hiệu tăng chậm lại với 83.710,7 tấn, chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khai thác biển đạt 83.479,2 tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Để tháo gỡ những khó khăn, kịp thời hỗ trợ cho ngư dân đảm bảo đời sống, tạo động lực khuyến khích ngư dân an tâm sản xuất, bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, tỉnh Bình Thuận cần tiếp tục triển khai các giải pháp sau đây:

Một là, tiếp tục thực hiện hiệu quả Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa

Theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg, một số tàu có công suất từ 400 mã lực trở lên, mỗi năm được hỗ trợ tiền nguyên liệu và sắm thiết bị hỗ trợ khai thác là 300 triệu đồng. Nhằm động viên ngư dân tham gia khai thác trên các vùng biển xa, đến cuối năm 2021 Bình Thuận đã phê duyệt 1.237 tàu cá đủ điều kiện được hỗ trợ theo QĐ 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hai là, tỉnh sớm triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội cho thuyền viên tàu khi Chính phủ thông qua.

Ngày 04/6/2022, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị xem xét, đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội cho thuyền viên tàu. Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị hỗ trợ thuyền viên làm việc trên tàu cá tạm ngừng hoạt động sản xuất do giá nhiên liệu tăng. Thời gian hỗ trợ trước mắt 6 tháng. Mức hỗ trợ theo mức lương tối thiểu theo vùng áp dụng đối với người lao động quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Ba là, ngư dân Bình Thuận thực hiện các giải pháp bằng cách tiết kiệm nhiên liệu, tăng thu nhập như: các tàu cá nên hoạt động theo tổ, đội để chia sẻ ngư trường, nâng cao hiệu quả khai thác; trước khi ra khơi cần nắm rõ tình hình thời tiết, ngư trường để tổ chức đánh bắt có hiệu quả; các tàu cá phải liên kết với các tàu dịch vụ hậu cần, để tiêu thụ sản phẩm ngay trên biển; để bù vào giá nhiên liệu tăng cao, ngư dân cần tăng cường khâu bảo quản sản phẩm sau khai thác, giữ chất lượng không bị hư hỏng để bán được giá cao hơn.

Tóm lại, giá xăng dầu liên tục tăng cao càng làm tăng gánh nặng chi phí chuyến vươn khơi của ngư dân, nhiều tàu cá ngừng hoạt động khai thác thủy sản, đời sống của ngư dân đã khó nay càng khó hơn,… Chính vì vậy, thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ giúp giảm bớt những khó khăn, cải thiện cơ bản đời sống, tạo động lực khuyến khích ngư dân an tâm sản xuất, bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc./.


Các tin khác