Kết quả thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW “về tăng cường lãnh đạo công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn” ở tỉnh Bình Thuận

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những chính sách quan trọng giúp tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã chú trọng triển khai công tác này, qua đó đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”, tỉnh Bình Thuận đã chủ động, tích cực xây dựng tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, được dư luận đồng tình và đánh giá cao. Đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và toàn xã hội về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, từ đó đã mang lại những kết quả nhất định.

Từ nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành có liên quan tổ chức Hội nghị triển khai kết hợp với tập huấn nghiệp vụ về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động nữ, người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đối với cán bộ của phòng Lao động - Thương binh và xã hội, phòng Nông nghiệp và PTNT (phòng Kinh tế), phòng Tài chính - kế hoạch cấp huyện và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, UBND cấp huyện đã chỉ đạo phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp Đài Phát thanh - Truyền hình cấp huyện xây dựng Kế hoạch tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về học nghề và việc làm trên các phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên đưa các tin, bài, chuyên mục về mô hình dạy nghề tốt, các gương điển hình về học nghề và tự tạo việc làm có hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo UBND cấp xã tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của địa phương và chú trọng phát huy vai trò của các hội, đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên thực hiện tuyên truyền, tư vấn học nghề và tạo việc làm cho các hội viên, đoàn viên thông qua các lớp tập huấn, các buổi sinh hoạt do Hội, đoàn mình tổ chức. Ngoài ra, Phòng Lao động - TBXH, phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế), Trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp huyện phối hợp với UBND cấp xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho người dân nắm rõ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề của Nhà nước để đăng ký học nghề.

Từ kết quả về công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện về dạy nghề cho lao động nông thôn, trong giai đoạn 2011- 2015, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 24.062/22.440 người với 896 lớp, đạt 107% kế hoạch. Giai đoạn 2016 - 2022, đã đào tạo nghề cho 15.981/16.595 người với 543 lớp, đạt 96% kế hoạch (Năm 2021: không thực hiện công tác đào tạo nghề nông nghiệp vì các cơ sở dạy nghề được trưng dụng làm nơi chữa bệnh Covid-19). Nhìn chung, qua các giai đoạn triển khai công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (từ năm 2011 - 2015), (2016 - 2022) các nghề có tỷ lệ học viên tham gia học cao như: trồng và chăm sóc cây thanh long; trồng cây thanh long theo tiêu chuẩn VietGap; chăm sóc, cạo mủ cao su; chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng rau an toàn; bảo vệ thực vật… Sau khi được học nghề, thì số lao động nông thôn có việc làm đạt khoảng 80%.

Bên cạnh kết quả đạt được từ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thời gian qua, ở tỉnh Bình Thuận cũng đã có nhiều chính sách hướng về người học và đội ngũ giáo viên, giảng viên nhằm thu hút, tạo động lực đối với người tham gia. Cụ thể, lao động nông thôn tham gia học nghề được hỗ trợ chi phí đào tạo, hỗ trợ tiền ăn, đi lại theo từng mức và từng nhóm đối tượng, đảm bảo theo đúng quy định của. Ngoài ra, lao động nông thôn làm việc ổn định ở nông thôn sau khi học nghề còn được tạo điều kiện vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm. Đối với giáo viên, người dạy nghề tham gia giảng dạy, UBND tỉnh đã điều chỉnh tăng mức chi thù lao giáo viên, người dạy nghề (Năm 2011: Giáo viên dạy lý thuyết: 40.000 đồng/giờ, thực hành: 35.000 đồng/giờ; Năm 2019 con số này lần lượt là 65.000 đồng/giờ và 55.000 đồng/giờ). Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn được kiện toàn và phát triển. Toàn tỉnh hiện có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện có 817 người và đều được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và quản lý. Chương trình, giáo trình đào tạo được xây dựng cơ bản phù hợp với nhu cầu và thường xuyên được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung. Tổng kinh phí hỗ trợ lao động nông thôn học nghề trong giai đoạn 2011-2020 là 240.465 triệu đồng, trong đó: Kinh phí Trung ương là 112.474 triệu đồng, kinh phí địa phương là 127.991 triệu đồng.

Từ kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI), thì tỉnh Bình Thuận vẫn còn tồn tại một số khó khăn trong việc thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động như:  Việc điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề và việc làm, định hướng nghề tại một số địa phương chưa sát với thực tiễn và hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các địa phương chưa mạnh dạn nghiên cứu và đề xuất các nghề mới; Việc chiêu sinh đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn cho các đối tượng tthuộc doanh nghiệp, hợp tác xã, lao động nông nghiệp thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn khó khăn do không có nhu cầu; Đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề nông nghiệp cấp tỉnh và cấp huyện còn thiếu, chủ yếu là làm kiêm nhiệm nên công tác tham mưu, quản lý, giám sát có nhiều hạn chế; mức thù lao cho giáo viên còn thấp nên khó thu hút lực lượng giáo viên tham gia giảng dạy đào tạo nghề lao động nông thôn; Chưa kêu gọi được các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đào tạo nghề cho các vùng sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là thực hiện các chương trình tập huấn, mô hình trình diễn khuyến nông, khuyến ngư; Trung tâm Khuyến nông tỉnh chưa tham gia vào công tác đào tạo nghề theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong thời gian đến, tỉnh Bình Thuận đặt ra mục tiêu: Nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh; Phấn đấu thực hiện cơ cấu tỉ lệ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn cho các đối tượng thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã, lao động nông nghiệp thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thực hiện công tác đào tạo nghề nông nghiệp đảm bảo chất lượng và hiệu quả; sau khi học xong ít nhất có 80% lao động nông thôn có việc làm ổn định và tăng thu nhập; Tập trung vào một số mô hình điểm về đào tạo nghề nông nghiệp hiệu quả để nhân rộng như: Mô hình chăn nuôi gia súc trên các địa bàn huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Tánh Linh; Mô hình trồng rau an toàn tập trung tại các huyện Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Đức Linh; Nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, trong đó ưu tiên đào tạo nghề phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chứng nhận an toàn, nghề quản trị trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã và các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; Uớc đến năm 2021- 2030 đào tạo nghề nông nghiệp cho cho động nông thôn là: 20.360 chỉ tiêu.

Như vậy, qua kết quả thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn” ở tỉnh Bình Thuận cho thấy, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã từng bước gắn kết giữa đào tạo với sử dụng lao động tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động, thay đổi thói quen canh tác, tác phong làm việc theo hướng tiếp cận với tác phong công nghiệp./.


Các tin khác