Cách mạng tháng Tám - Từ lý luận đến thực tiễn

Sự kiện cách mạng tháng Tám là một biểu hiện sinh động nhất chứng tỏ rằng cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở một nước thuộc địa do toàn dân nổi dậy dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản có đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại thì hoàn toàn có khả năng thắng lợi. Đây được xem là cuộc thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Marx-Lênin ở một nước thuộc địa phong kiến, do đó, mở ra những nhận thức mới mẻ và triệt để trong quan niệm, lý luận cũng như giải pháp để giải quyết vấn đề độc lập dân tộc, vấn đề dân tộc và thuộc địa,…

Vấn đề cơ bản đầu tiên của mọi cuộc cách mạng xã hội là vấn đề chính quyền nhà nước. Cuộc cách mạng vô sản không phải là ngoại lệ. Thế nhưng, cách mạng vô sản so với các cuộc cách mạng do giai cấp bóc lột tiến hành có sự khác nhau căn bản về bản chất và mục đích. Cách mạng tháng Tám năm 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương đã chuyển chính quyền từ tay giai cấp phong kiến và đế quốc sang các tầng lớp nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo - đó là một kỳ tích vĩ đại của cách mạng tháng Tám. Việc chính quyền từ tay giai cấp tư sản sang giai cấp vô sản, khác hẳn với chính quyền từ tay giai cấp phong kiến sang tay giai cấp tư sản. Một bên là chính quyền từ tay giai cấp bóc lột, sang tay nhân dân, người lao động bị bóc lột - tức là sang tay đại đa số người dân trong nước. Còn một bên chỉ là chính quyền trong các thế hệ giai cấp bóc lột nối tiếp nhau. Cuộc chuyển biến trước xét theo lịch sử xã hội loài người chỉ là “sự thay đổi” trong nội bộ xã hội có giai cấp, còn cuộc biến chuyển sau mới thực sự là cách mạng. Tính ưu việt của chính quyền giai cấp vô sản nảy sinh từ đó.

Cách mạng tháng Tám là cuộc cách mạng dân chủ tư sản nhưng là dân chủ tư sản kiểu mới – nó thực hiện nhiệm vụ phản phong kiến và phản đế quốc để rồi sau đó chuyển sang nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ngay từ năm 1930, trong Luận cương của Đảng đã ghi rõ mục đích của cách mạng Việt Nam là “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[1]. Cách mạng tháng Tám là bước thứ nhất của cách mạng Việt Nam: thực hiện nhiệm vụ của cách mạng dân chủ tư sản. Hiện nay, nhân dân ta đang thực hiện bước thứ hai: thực hiện nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đứng về mặt nội dung cách mạng thì bước thứ hai thực sự vĩ đại, là quan trọng, sâu sắc và triệt để. Song, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa có thể tiến hành được là nhờ là nhờ có cách mạng tháng Tám đã đem lại chính quyền về tay nhân dân do giai cấp vô sản lãnh đạo.

Đồng thời, cần khẳng định rằng cuộc cách mạng không phải là một biến cố lịch sử xảy ra một cách ngẫu nhiên mà là kết quả của một quá trình phát triển lâu dài của xã hội thì cách mạng tháng Tám quả là một tất yếu của lịch sử, là con đẻ của hoàn cảnh lịch sử. Chúng ta phải thừa nhận rằng cách mạng thành công không phải là một sự may rủi mà là sự biểu hiện của một đường lối chính trị hết sức đúng đắn, một phương pháp lãnh đạo và tổ chức khoa học và quả thật cách mạng tháng Tám là một thành công lớn của khoa học cách mạng. Sự nghiệp giải phóng dân tộc không phải chỉ có việc đề ra tư tưởng chính trị đúng đắn, đường lối cách mạng đúng đắn có thể đi đến thành công, mặc dù đó là nhân tố tối quan trọng, đồng thời, nó còn thể hiện ở phương pháp lãnh đạo, hình thức tổ chức đấu tranh cách mạng. Ngoài ra, vấn đề còn đặt ra là phải thực hiện đường lối cách mạng đó thế nào, với lực lượng nào và dưới hình thức tổ chức nào? Về mặt này, chúng ta có thể thấy rõ có sự khác nhau trong lập trường và chủ trương của các nhóm hay các giai cấp lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta từ đầu cho đến khi cách mạng tháng Tám thành công.

Một khía cạnh nữa cũng cần quan tâm là trong bối cảnh và mối tương quan với các nước trong khu vực. Sự đầu hàng của phát xít Nhật cũng như hoạt động của các lực lượng dân tộc vì mục tiêu độc lập của của nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á tạo nên những tình thế cách mạng rất gần với tình hình ở Việt Nam. Vậy tại sao chỉ có Việt Nam mới tạo nên một cao trào cách mạng có sử dụng bạo lực cách mạng do những người cộng sản lãnh đạo thành công và xây dựng nhà nước công nông đầu tiên và duy nhất ở Đông Nam Á?. Thắng lợi của cách mạng tháng Tám, của công cuộc kháng chiến và kiến quốc ở nước ta chính là sự thành công rực rỡ của lý luận khoa học về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa của chủ nghĩa Marx-Lênin. Hồ Chí Minh khẳng định “Thắng lợi của cách mạng tháng Tám một lần nữa chứng tỏ tính chất đúng đắn của chủ nghĩa Marx-Lênin về vấn đề dân tộc thuộc địa, tính chất đúng đắn của đường lối mà cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười 1917 đã đề ra”[2]. Không chỉ có ý nghĩa về mặt chính trị và quân sự, cách mạng tháng Tám còn vạch ra con đường cho các dân tộc bị nô dịch và bị áp bức, mà còn bao hàm cả ý nghĩa là một sự kiện lớn về mặt tư tưởng, tác động sâu sắc đến tinh thần của nhân loại bị áp bức.

Cách mạng tháng Tám thắng lợi tức là đã giải quyết một cách thành công và vẻ vang mâu thuẫn giữa nội dung nội dung cách mạng và quyền lãnh đạo cách mạng. Sở dĩ giai cấp công nhân đã giải quyết thành công mâu thuẫn ấy, đó là vì trong quá trình cách mạng giải phóng cho dân tộc và cho giai cấp, giai cấp công nhân đã xây dựng được đảng tiền phong chân chính của mình là là Đảng Cộng sản Đông Dương. Được vũ trang bằng chủ nghĩa Marx-Lênin, lại tiếp thu được kinh nghiệm phong phú của cách mạng vô sản toàn thế giới, chủ yếu là cách mạng Nga và Trung Quốc, Đảng đã lãnh đạo phong trào cách mạng nước ta theo đường lối đúng đắn. Có thể nói rằng, không có sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương, thì không thể có cách mạng tháng Tám và không có lý luận cách mạng khoa học Marx-Lênin, không có ảnh hưởng quyết định phong trào cách mạng thế giới (trước hết là cuộc cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại) thì cách mạng tháng Tám không thể thành công. Chúng ta cũng có thể khẳng định rằng đứng về đường lối chính trị, cách mạng tháng Tám không những là một thắng lợi huy hoàng của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam mà còn là thắng lợi lớn của phong trào cách mạng vô sản thế giới, thắng lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới.

Hồ Chí Minh đã nói về ý nghĩa cách mạng như sau: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những người bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng của giai cấp công nhân mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc” [3]. Chính vì tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn đó, cách mạng tháng Tám không chỉ là niềm tự hào đối với một thành tựu của quá khứ mà còn luôn luôn là bài học lịch sử quý giá cho hiện tại của nhiều thế hệ người Việt Nam đang tiếp bước trên con đường mà cách mạng tháng Tám đã mở ra.


[1] Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (02-1930)

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 8, tr. 572.

[3] Hồ Chí Minh: Báo cáo chính trị đọc tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ II (02-1951)


Các tin khác