Bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc - Giá trị Cách mạng Tháng Tám

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc ta. Tinh thần quật khởi và giá trị to lớn của Cách mạng Tháng Tám đã trở thành động lực to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đã 77 năm trôi qua nhưng những bài học của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị, trong đó có bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết là một truyền thống quý báu trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta. Đoàn kết cũng đã trở thành một giá trị tiêu biểu trong nền văn hoá chính trị Việt Nam hiện đại. Tổng kết kinh nghiệm lịch sử dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: “Dân ta phải biết sử ta. Sử ta dạy cho ta bài học khi nào dân ta đoàn kết thì độc lập nước ta được giữ vững, khi nào dân ta không đoàn kết thì độc lập nước ta có nguy cơ bị xâm phạm” (1).

Sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, học thuyết cách mạng tiên tiến nhất của thời đại. Năm 1924, Người từ Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc), lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, quy tụ những thanh niên - trí thức yêu nước ưu tú, mở nhiều lớp huấn luyện để đào tạo họ thành một lớp cán bộ tài năng, chuẩn bị cho sự nghiệp cứu nước. Khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đứng ra thống nhất các tổ chức cộng sản, sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 03/02/1930, vấn đề đầu tiên, được Người đưa ra coi như nguyên tắc để gạt bỏ các bất đồng trước đó và đi tới thống nhất phong trào cộng sản Việt Nam là: “Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương” (2). Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn là một bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam, tạo ra nhân tố hạt nhân quy tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Đây là tiền đề quan trọng nhất cho những bước phát triển tiếp theo và cho thắng lợi hoàn toàn của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh ngay từ đầu đã liên minh cách mạng công - nông, tạo nên yếu tố hạt nhân và nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc. Cao trào 1936 - 1939, với điều kiện trong nước và thế giới có nhiều biến đổi quan trọng, Đảng đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đổi mới mạnh mẽ công tác vận động và tổ chức quần chúng. Với sự trở về của lãnh tụ Nguyễn ái Quốc, Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 8 của Đảng họp vào từ ngày 10 đến 19/5/1941 đã hoàn chỉnh chủ trương chuyển hướng chiến lược cách mạng của Đảng, mở ra con đường đi tới thắng lợi của cuộc đấu tranh yêu nước, giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Hội nghị khẳng định: Cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng; Người viết “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thẩy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa bỏng” (3). Hội nghị Trung ương 8 của Đảng và sự ra đời của Mặt trận Việt Minh đánh dấu một bước ngoặt trong đường lối lãnh đạo cách mạng hướng tới việc mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, quy tụ và phát huy cao độ nội lực dân tộc cho một cuộc hồi sinh vĩ đại. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua Việt Minh, dân tộc ta không những đã đoàn kết lại mà lần đầu tiên đoàn kết có hiệu quả cao nhất. Chính vì vậy, tất cả những quyết định của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Minh đều đã được tuyệt đại đa số quần chúng nhân dân mọi tầng lớp ủng hộ, kể cả các lực lượng vốn đứng ngoài Mặt trận Việt Minh. Kết quả là chỉ khoảng hai tuần, được đồng bào cả nước đồng lòng, đồng sức, Cách mạng tháng Tám 1945 đã thắng lợi hoàn toàn trong cả nước.

Như vậy, từ khi ra đời, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất coi trọng việc tập hợp và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân để tạo nên sức mạnh quật khởi trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã chứng minh đường lối đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xác định lực lượng cách mạng. Với đường lối đúng đắn ngay từ đầu, Đảng ta đã huy động được sức mạnh của lực lượng toàn dân tộc, nêu cao tinh thân yêu nước, khát vọng độc lập tự do, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm đem sức ta mà tự giải phóng cho ta; đã tập hợp được các tổ chức yêu nước và đông đảo quần chúng nhân dân thành một khối trên tất cả địa bàn rừng núi, nông thôn, đồng bằng và đô thị; trong tất cả mọi giai cấp, tầng lớp xã hội. Không có lực lượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc thì không thể có thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Bài học về xây dựng phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong Cách mạng Tháng Tám đến nay vẫn còn nguyên giá trị, vẫn là “vấn đề sống còn của cách mạng”. Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, Đảng ta luôn coi trọng, bổ sung, hoàn chỉnh đường lối, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh Nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng ta chỉ rõ: “Trong những năm tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết một lòng; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy; có quyết tâm chính trị cao; dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình; chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống; nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; không ngừng gia tăng tiềm lực mọi mặt của quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và những thành quả phát triển đã đạt được; đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững” (4).

Ngày nay, chúng ta đang tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; giữ vững môi trường hoà bình, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là tác động của suy thoái kinh tế, tài chính, những tiêu cực và tệ nạn xã hội, vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo... làm ảnh hưởng nhất định đến tư tưởng và đời sống các tầng lớp Nhân dân. Với vai trò là tổ chức đại diện của Nhân dân, là một bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống chính trị ở nước ta, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên cần làm tốt hơn nữa vai trò là nòng cốt chính trị, có trách nhiệm vẻ vang trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động Nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hành dân chủ, xây dựng đồng thuận xã hội để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị của đất nước trong giai đoạn mới. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ phải là ba chân kiềng vững chắc của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ta, Tổ quốc ta.

Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám, mỗi công dân Việt Nam cần phải không ngừng rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy tính sáng tạo, truyền thống yêu nước nồng nàn để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.


(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.3, tr.221.

(2) Sđd, tr.561.

(3) Sđd, tr.198.

(4) ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.1, tr.109


Các tin khác