Kết quả thực hiện chính sách người có công ở tỉnh Bình Thuận trong giai đoạn hiện nay

Thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng là việc làm thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Hiếu nghĩa, bác ái” của dân tộc Việt Nam. Phát huy truyền thống quý báu đó, dưới dự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã thực hiện có kết quả công tác "Đền ơn, đáp nghĩa", động viên mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực dành điều kiện tốt nhất về đời sống vật chất, tinh thần cho thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Tỉnh đã triển khai thực hiện tốt các chính sách theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; nhiều kết quả đạt được đã được nhân dân ủng hộ, đồng tình, nhất là việc giải quyết kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi cho từng đối tượng được hưởng theo quy định; chế độ tham quan, điều dưỡng, chế độ trợ cấp ưu đãi cho con của người có công với cách mạng đang theo học, cấp BHYT,… đã được các ngành, các địa phương trong tỉnh quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, các phong trào Đền ơn đáp nghĩa đã được duy trì thường xuyên và tiếp tục phát triển như: phong trào đóng góp xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, phong trào xây tặng nhà tình nghĩa, phong trào nhận phụng dưỡng, đỡ đầu đã được các cơ quan, đơn vị và nhân dân trong tỉnh hưởng ứng tích cực. Số xã, phường được công nhận làm tốt công tác thương binh liệt sỹ, chiếm tỷ lệ cao. Chế độ thăm hỏi, tặng quà, tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhân Ngày Thương binh, liệt sỹ, dịp Lễ, Tết duy trì thường xuyên đã góp phần làm cho đời sống người có công và thân nhân được nâng lên. Ngoài ra, vấn đề xã hội hóa trong phong trào chăm sóc người có công của tỉnh nhà cũng được đẩy mạnh, kế thừa và phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” mà trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận luôn quan tâm thực hiện tốt. Cụ thể:

Về vận động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa (năm 2016 đến nay) được 42,892 tỷ đồng/30 tỷ đồng (đạt 142,97 % kế hoạch giao). Từ số tiền vận động, Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở người có công cho 1.895 gia đình. Thẩm tra hồ sơ và quyết định trợ cấp thường xuyên cho 2.305 người có công với cách mạng, nâng tổng số đối tượng người có công tỉnh đang quản lý là: 44.381 người đang hưởng các chính sách, chế độ theo quy định.

Bên cạnh đó, tỉnh đã giải quyết cho trên 10.500 người thờ cúng liệt sỹ hưởng trợ cấp thờ cúng hàng năm. Ngoài ra, giải quyết các chế độ trợ cấp cho người có công và một số chế độ ưu đãi khác, như: thực hiện các chính sách như: ưu đãi trong giáo dục đào tạo, hàng năm đã thực hiện chế độ miễn, giảm học phí và trợ cấp ưu đãi cho gần 2.800 cháu là con của người có công với cách mạng đang theo học tại các trường; tạo điều kiện giúp đỡ các cháu học sinh, sinh viên an tâm, phấn khởi trong học tập. Thực hiện chế độ cấp bảo hiểm y tế hàng năm cho hơn 17.000 đối tượng, điều dưỡng phục hồi sức khoẻ cho gần 22.500 lượt người; cấp các phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho hơn 550 trường hợp người có công theo quy định[1].

Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh không còn hồ sơ tồn đọng ở 03 cấp xã, huyện, tỉnh theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động – TB&XH. Từ năm 2016 đến 2020 đã tổ chức đưa 773 người có công với cách mạng đi tham quan Thủ đô Hà Nội và viếng Lăng Bác Hồ và đưa trên 4.590 người có công đi điều dưỡng tập trung; có 100% hộ chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú[2]. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, về vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đạt 4.258.022.599 đồng/6.000 triệu đồng; Rà soát và phân bổ chỉ tiêu hỗ trợ kinh phí sửa chữa, nâng cấp các Công trình Ghi công Liệt sĩ và nhà ở người có công dột nát, hư hỏng từ nguồn quỹ Đền ơn đáp nghĩa năm 2022 và các nguồn vận động khác. Tham mưu Ban quản lý đền ơn đáp nghĩa tỉnh hỗ trợ 10 nhà ở người có công dột nát hư hỏng tại các huyện, thị xã. Phối hợp phòng KH-TC tham mưu lãnh đạo sở trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án và thực hiện đề án mã số hóa hồ sơ người có công trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2022. Tổ chức đưa 130 người có công đi điều dưỡng tập trung tại Bến Tre[3].

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công ở Bình Thuận vẫn còn một số hạn chế. Đời sống của một bộ phận gia đình chính sách trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn nhất là vùng sâu, vùng xa cần được quan tâm giải quyết. Việc nắm bắt, giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng ở một số địa phương chưa sâu sát, còn lúng túng, nhất là giải quyết chế độ cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày. Nhiều chính sách, chế độ hiện nay đã không còn phù hợp với thực tế, nhất là chế độ trợ cấp một lần cho người hoạt động kháng chiến mức 120.000 đồng/thâm niên là quá thấp nên có nhiều cử tri thắc mắc. Việc huy động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tuy vượt kế hoạch nhưng chưa huy động được nhiều trong các doanh nghiệp. Còn một số đài, bia ghi tên liệt sĩ do xây dựng đã lâu, thiếu sự quan tâm quản lý, chăm sóc của cấp uỷ, chính quyền ở một số địa phương nên đã hư hỏng, xuống cấp.

Nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách ưu đãi người có công, trong thời gian đến cần thực tốt một số giải pháp sau:

Một là, tích cực tuyên truyền và tổ chức triển khai, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi, bổ sung). Tập trung giải quyết dứt điểm những trường hợp phát sinh chưa xác nhận là người có công với cách mạng nhằm bảo đảm 100% đối tượng có công với cách mạng được thụ hưởng chính sách trợ cấp theo quy định.

Hai là, đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng “xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng”, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống, tinh thần của người có công. Có kế hoạch về giải pháp nâng cao đời sống người có công đến năm 2025 không có thành viên trong gia đình có công với cách mạng có mức sống dưới mức trung bình của cư dân trên địa bàn tỉnh.

Ba là, tập trung nguồn lực giúp đỡ các gia đình chính sách còn nhiều khó khăn, cải thiện cuộc sống một cách thiết thực, bền vững, như:  quan tâm đến dạy nghề, tạo việc làm, giúp đỡ phát triển sản xuất kinh doanh. Chăm lo giáo dục, đào tạo cho con em thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công để tiếp nối truyền thống hào hùng của cha ông. Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở người có công với cách mạng từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và các nguồn huy động khác. Tiếp tục thực hiện tốt  Đề án Mã số hóa hồ sơ người có công trên địa bàn toàn tỉnh. Tập trung tuyên truyền cổ vũ những tấm gương thương binh, gia đình liệt sĩ tiêu biểu trong lao động, học tập, làm kinh tế và hoạt động văn hóa, xã hội.

Bốn là, tích cực điều tra thông tin về liệt sỹ, thân nhân liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ. Đẩy mạnh tiến độ thực hiện Đề án “tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin”. Tập trung đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các Nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ ở các địa phương trong tỉnh. Tổ chức và phối hợp thực hiện tốt Đề án “Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo”, Đề ánXác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin”.

Năm là, thực hiện tốt việc tổ chức đưa người có công đi điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình; tổ chức đưa người có công đi tham quan Thủ đô Hà Nội, viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sáu là, phát động phong trào thi đua 100% xã, phường, cơ quan, đơn vị trong tỉnh làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và người có công. Trên cơ sở đó, từng cấp, từng đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thiết thực. Đồng thời, tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ; thông qua đó, tiếp tục giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ trong toàn tỉnh.

Bảy là, tổ chức thanh, kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với người có công, đặc biệt là thực hiện tốt chính sách với đối tượng hưởng chế độ bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh. Kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm minh các hành động tiêu cực, nhất là những cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, quan liêu, tham nhũng, cố ý làm trái trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công.


(1) Báo cáo tình hình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020 và giai đoạn 2016-2020 lĩnh vực Lao động, người có công và xã hội, Sở Lao động – TB&XH tỉnh Bình Thuận, tr10.

(2) Báo cáo tình hình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020 và giai đoạn 2016-2020 lĩnh vực Lao động, người có công và xã hội, Sở Lao động – TB&XH tỉnh Bình Thuận, tr10.

(3) Báo cáo tình hình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Phòng Người có công, Sở Lao động – TB&XH tỉnh Bình Thuận, tr1.

 


Các tin khác