Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi du lịch tại thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới

Nhắc đến Đà Nẵng, chắc hẳn ai ai cũng sẽ nhớ đến cái tên Đà Nẵng- thành phố đáng sống. Bởi lẽ, Đà Nẵng luôn ẩn chứa những điều thú vị thu hút du khách gần xa. Hiếm có thành phố nào núi - sông - biển liền nhau tạo ra một bản giao hòa đầy sức sống. Núi có Bà Nà, sông có đôi bờ sông Hàn sôi động và những bãi biển đẹp nhất như Mỹ Khê, Xuân Thiều, Nam Ô…để rồi mỗi lần khách du lịch đặt chân đến nơi đây lại lưu luyến chẳng muốn về. Yêu tất cả cuộc sống con người bình dị nơi đây xen lẫn vào nét hiện đại giữa khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Để rồi phải thốt lên rằng thành phố đáng sống chính là Đà Nẵng” nơi yêu thương lan tỏa và cuộc sống vẹn tròn.

Trong năm 2021 do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên số lượng du khách đến Đà Nẵng giảm đáng kể, cụ thể: số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt gần 1,17 triệu lượt khách, giảm 55,8% so với 2020. Trong đó khách quốc tế ước đạt 110 ngàn lượt, giảm 84,2% so với cùng kỳ; khách nội địa ước đạt gần 1,06 triệu lượt, giảm 45,5% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành ước đạt 2.554 tỷ đồng, giảm 36,6% so với năm 2020.

Sau khi có chủ trương mở cửa lại các hoạt động du lịch, ngay từ giữa tháng 3/2022 hoạt động du lịch đã có nhiều khởi sắc. Từ đầu năm đến nay, nhiều khu, điểm du lịch đón được lượng khách lớn như Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills đón được hơn 350 nghìn lượt khách, tăng 95% so với cùng kỳ năm 2021; Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài đón hơn 75.000 lượt khách, tăng gần 90% so với cùng kỳ năm 2021, Công viên Châu Á đón hơn 136.000 lượt khách; Danh thắng Ngũ Hành Sơn đón gần 135.000 lượt khách…; công suất buồng phòng bình quân vào dịp cuối tuần với các chính sách khuyến mại tại một số khách sạn ven biển đạt 70- 75% (cao hơn so với trước khi mở cửa lại du lịch). Từ ngày 21/02 – 21/5/2022, khi bắt đầu áp dụng Chính sách M.I.C.E Đà Nẵng năm 2022, Sở Du lịch đã tiếp nhận tư vấn và thực hiện đón 18 đoàn khách M.I.C.E với hơn 7.200 lượt khách (trong đó có 04 đoàn từ 700 khách trở lên, 4 đoàn từ 300-700 khách và 10 đoàn trên 100 khách), tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Du lịch Đà Nẵng cũng vừa được vinh danh với giải thưởng, danh hiệu quốc tế top 25 điểm đến được yêu thích nhất Châu Á năm 2022 do Trang TripAdvisor (website du lịch nổi tiếng thế giới của Mỹ) công bố.

Trong tháng 5/2022, số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 308,4 nghìn lượt, tăng 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 10,7 nghìn nghìn lượt, tương đương so với cùng kỳ; khách nội địa ước đạt hơn 297,7 nghìn lượt, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành ước đạt 1.486,9 tỷ đồng, tăng gấp 7,3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 861 nghìn lượt, giảm 9,2% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 24,6 nghìn lượt, giảm 67,2% so với cùng kỳ; khách nội địa ước đạt khoảng hơn 836,4 nghìn lượt, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2021; doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành ước đạt 2.255 tỷ đồng, tăng gấp 1,1 so với cùng kỳ năm 2021.

Khôi phục hoạt động du lịch sau khi ảnh hưởng nghiêm trọng đại dịch Covid-19, tiếp tục phát triển du lịch trở thành một trong ba trụ cột của Đà Nẵng để đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch, trung tâm dịch vụ hàng đầu, tầm khu vực, thành phố sự kiện, trung tâm hội nghi quốc tế là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Nhằm thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống, kiểm soát đại dịch, vừa đẩy mạnh khôi phục tăng trưởng kinh tế với Chủ đề năm 2022 là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, ngành du lịch Đà Nẵng dự kiến 02 kịch bản như sau:

Về kịch bản 1: Phấn đấu tổng lượng khách lưu trú dự kiến đạt 3,5 triệu lượt khách, tăng 3 lần so với ước thực hiện năm 2021 (đạt 1,3 lần so với năm 2020); trong đó, khách quốc tế ước đạt 180 ngàn lượt, tăng 1,6 lần và khách nội địa ước đạt hơn 3,32 triệu lượt, tăng 3 lần. Doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt trên 6,7 ngàn tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với ước thực hiện năm 2021 (đạt 1,7 lần so với năm 2020).

Về kịch bản 2: Lượng khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt khoảng 2,1 triệu lượt khách, tăng 87,8% so với năm 2021; khách quốc tế ước đạt 100 ngàn lượt (tương đương năm 2021) và khách nội địa ước đạt 2 triệu lượt, tăng 2 lần so với năm 2021. Doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt hơn 4 ngàn tỷ đồng, tăng 2 lần so với ước thực hiện năm 2021.

Để đạt được kịch bản nêu trên, ngành du lịch Đà Nẵng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể như sau:

Thứ nhất, triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh covid-19 trong hoạt động du lịch bằng các giải pháp, biện pháp đồng bộ tại từng cơ sở kinh doanh du lịchđể đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh đồng thời khôi phục hoạt động du lịch an ninh an toàn và hiệu quả. Tập trung triển khai thực hiện: phương án phòng chống dịch COVID-19, quy trình đón và phục vụ khách (có lồng ghép biện pháp phòng chống dịch); quy trình xử lý sự cố y tế tại cơ sở kinh doanh du lịch.

Thứ hai, tập trung khôi phục hoạt động du lịch theo phương châm “chủ động -thích ứng - linh hoạt” và hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động du lịch

Triển khai có hiệu quả kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch thành phố Đà Nẵng theo phương châm “Chủ động - thích ứng - linh hoạt để đạt hiệu quả khôi phục du lịch và đảm bảo an toàn cho khách du lịch, người lao động và cộng đồng”; Phương án thí điểm đón và phục vụ khách du lịch quốc tế; tổ chức kế hoạch khai thác khách du lịch nội địa theo lộ trình; định hướng tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch trong tình hình mới (bối cảnh vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa khai thác kinh doanh) và tham mưu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Xây dựng và triển khai các hoạt động, sự kiện, chương trình kích cầu du lịch Đà Nẵng năm 2022; tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch phù hợp với tình hình thực tế để thu hút khách.

Tiếp tục triển khai, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động du lịch tiếp cận và thụ hưởng các chính sách đã ban hành để khôi phục và phát triển hoạt động kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19; tham mưu, kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, HĐND, UBND thành phố tiếp tục có chính sách, giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động du lịch. Tiếp tục triển khai miễn phí tham quan các khu điểm du lịch do nhà nước quản lý trong năm 2022 (Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng và Bảo tàng Điêu khắc Chăm). Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng mềm cho lực lượng lao động trực tiếp phục vụ du lịch, đội ngũ quản lý, nhân viên các doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn viên...

Thứ ba, triển khai quy hoạch, đề án, định hướng phát triển du lịch sớm hoàn thành 02 chuyên đề tích hợp trong Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu ban hành các quy hoạch phân khu, trong đó có tích hợp định hướng phát triển du lịch.

Thứ tư, thực hiện một số nội dung thí điểm và chuẩn bị sản phẩm du lịch mới để khôi phục du lịch. Khuyến khích sự năng động, sáng tạo, thích ứng linh hoạt của các doanh nghiệp du lịch để cung ứng, đưa vào khai thác phục vụ nhiều sản phẩm/dịch vụ mới phù hợp tâm lý, thị hiếu và xu hướng khách trong tình hình mới.

Thứ năm, chuẩn bị nguồn nhân lực du lịch. Trong thời gian tới cần tập trung triển khai theo phân kỳ Kế hoạch nguồn nhân lực du lịch giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục triển khai thực hiện 10 bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch và Bộ tiêu chí chuẩn an toàn trong phục vụ khách du lịch tại cơ sở lưu trú du lịch, khu điểm du lịch; chuẩn an toàn đối với sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng khách du lịch trên địa bàn thành phố.

Thứ sáu, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch đến thịtrường nội địa và quốc tế theo thông điệp “Enjoy Danang”; hỗ trợ xúc tiến mở lại các đường bay quốc tế và đón khách quốc tế; tổ chức sự kiện Diễn đàn phát triển đường bay châu Á (Routes Asia) năm 2022, Hội chợ du lịch trực tuyến Danang FantastiCity; truyền thông tour du lịch thực tế ảo trên nền tảng VR 360 và Scan 3D.

Thứ bảy, triển khai chuyển đổi số trong hoạt động du lịch.

Đầu tư công nghệ số phát triển du lịch thông minh, đảm bảo môi trường an ninh, an toàn. Triển khai mô hình “Sàn giao dịch du lịch trực tuyến”; thí điểm thẻ du lịch thông minh; xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch và hệ thống giám sát du lịch thông minh; nâng cấp cổng thông tin du lịch Đà Nẵng và ứng dụng Danang Fantasticity theo hướng đồng bộ, tất cả dịch vụ du lịch trong một ứng dụng... Nghiên cứu triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông minh vào việc quản lý khách tham quan, dã ngoại tại bán đảo Sơn Trà.

Thứ chín, đảm bảo môi trường du lịch; quản lý và khai thác hợp lý tài nguyên du lịch (biển, bán đảo Sơn Trà...), chuẩn bị phương án ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động du lịch.

Thứ mười, tăng cường công tác liên kết hợp tác trong và ngoài nước để phối hợp quảng bá điểm đến, sản phẩm và trao đổi khai thác các nguồn khách. Tranh thủ nguồn lực và sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài và các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam; các Hội Việt kiều ở nước ngoài, hội du học sinh để tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến du lịch, tìm kiếm và khai thác thị trường.

Có thể nói rằng hai năm do ảnh hưởng dịch Covid-19 là khoảng thời gian quý giá để “thành phố đáng sống” tạm nghỉ để gia tăng trải nghiệm, nhìn lại quá khứ, chuẩn bị những kịch bản phát huy những tiềm năng sẵn có do thiên nhiên ưu đãi chờ ngày bứt phá. Tin rằng, trong thời gian tới thành phố Đà Nẵng thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên không chỉ tạo ra điểm nhấn về du lịch tại Việt Nam về không gian sống đẳng cấp, thu hút khách du lịch đến thăm quan để phát triển nhanh, mạnh, vững chắc và xứng đáng với mệnh danh“thành phố đáng sống” đáng đầu tư và vươn tầm quốc tế là khu du lịch kiểu mẫu đã và đang được kiến tạo theo quy hoạch hiện đại sớm lộ diện./.


Các tin khác