CÔNG TÁC ĐÀO TẠO CÁN BỘ, GIẢNG VIÊN CỦA TRƯỜNG CHÍNH TRỊ BÌNH THUẬN (2000 - 2012)

  • /
  • 30.5.2012 - 15:5

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Trường Chính trị Bình Thuận luôn luôn chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực - nhất là đào tạo trình độ sau đại học nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh nhà trong giai đoạn cách mạng mới

      Trong những năm gần đây, công tác này ngày càng được các thế hệ lãnh đạo chủ chốt của nhà trường quan tâm hơn, ưu tiên cả về chế độ, chính sách; quỹ thời gian; điều kiện... cho cán bộ, giảng viên, nhân viên được cử đi học. Nhờ vậy, nếu như trước năm 2000, toàn trường chỉ có 02 tốt nghiệp thạc sĩ hệ chuyên tu, 18 cử nhân, thì từ năm 2000 đến nay, đã có thêm 17 người bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ (đã có 04 đồng chí nghĩ hưu, 03 đồng chí chuyển công tác). Kết quả, tổng số thạc sĩ toàn trường hiện có là 14 đồng chí (chưa tính 01 đồng chí đang theo học cao học)  thuộc các chuyên ngành khác nhau như: Triết học, Kinh tế - Chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Xây dựng Đảng, Luật, Lịch sử Đảng, Tôn giáo học, Chính trị học, Phương pháp sư phạm hành chính… chiếm tỷ lệ 34,14%; 17 đồng chí có trình độ cao đẳng, đại học chiếm tỷ lệ 41,46%; 01 đồng chí đang học đại học văn bằng hai…

        Có được những kết quả đáng kể đó, bên cạnh có sự đổi mới về chế độ, chính sách của tỉnh nhà; sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, phải nói đến sự nổ lực phấn đấu của từng đồng chí được cử đi học, đã xác định rõ mục đích, động cơ đúng đắn là cần thiết phải tích cực học tập để nâng cao trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường giai đoạn mới; đồng thời, đã biết sắp xếp hợp lý cuộc sống gia đình, để gia đình thực sự là “hậu phương” vững chắc hỗ trợ cho mình trong quá trình học tập.

       Song bên cạnh đó, công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường, vẫn còn có nhiều điều đáng để băn khoăn. Cụ thể:

       Thứ nhất, đến nay, toàn trường chưa có người nào được cử đi đào tạo trình độ tiến sĩ, trong khi các trường chính trị bạn như Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang… số lượng tiến sĩ ngày càng tăng.

       Thứ hai, thời gian gần đây, số lượng giảng viên có trình độ thạc sĩ của trường có chiều hướng giảm. Chỉ tính từ năm 2009 đến nay, đã giảm 04 người, trong đó, chuyển công tác cho 03 giảng viên có trình độ thạc sĩ (01 thạc sĩ Luật, 01 thạc sĩ kinh tế - chính trị và 01 thạc sĩ CNXH khoa học), 02 giảng viên đã nghỉ hưu, trong đó 01 có trình độ thạc sĩ và 01 giảng viên chính chuẩn bị nghĩ hưu, làm cho đội ngũ giảng viên nói chung và giảng viên có trình độ cao của trường, vốn đã thiếu lại càng thiếu hơn.

       Tình hình trên do những nguyên nhân cơ bản sau:

       Thứ nhất, về phía đội ngũ cán bộ, giảng viên: một số “Tự bằng lòng” với trình độ hiện có; một số bị chi phối nhiều bởi điều kiện kinh tế của gia đình; hoặc con còn quá nhỏ, nên việc học hành bị chậm hoặc “khựng” lại.

       Thứ hai, về phía chế độ, chính sách của tỉnh nhà: dường như chưa đủ “hấp dẫn” để thu hút nhân tài từ khắp nơi về tỉnh nói chung và về Trường Chính trị tỉnh nói riêng; chế độ, chính sách đối với người đi học còn nhiều bất cập: trong khi giá cả ngày càng tăng đến “chóng mặt”, thì chế độ hỗ trợ cho người đi học còn quá “khiêm tốn”. Bên cạnh, chế độ khen thưởng đối với những đồng chí đạt thành tích cao trong học tập chưa thỏa đáng, cũng chưa  tạo “động lực” cho họ trong học tập, rèn luyện.

       Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường trong thời gian tới cần phải:

      1. Đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường:

      - Phải nhận thức đúng đắn việc cần thiết tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực của mình, một mặt vừa để khẳng định chính mình; mặt khác, vừa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của học viên nói riêng và yêu cầu đào tạo cán bộ của tỉnh nhà một cách toàn diện nói chung.

       - Phải biết sắp xếp công việc gia đình sao cho khoa học và hợp lý, để tạo tâm lý cho người ở nhà “vui vẻ” gánh vác việc nhà, để mình yên tâm học tập.

      2. Đối với nhà trường:

      - Cần có sự động viên, khuyến khích mạnh mẽ hơn đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên - nhất là cán bộ, giảng viên trẻ để họ tự giác, tích cực tham gia các lớp đào tạo sau đại học, đặc biệt là các lớp đào tạo trình độ tiến sĩ.

       - Nên có nguồn kinh phí hỗ trợ cho anh em trong quá trình học tập; hoặc tạo điều kiện cho anh em được tham gia giảng dạy trong thời gian về nghỉ Tết, nghỉ hè hoặc thời gian về viết luận văn tốt nghiệp.

       3. Đối với tỉnh:

      - Nên tiếp tục nghiên cứu bổ sung kinh phí hỗ trợ cho anh em tham gia các lớp sau đại học một cách thỏa đáng hơn để họ yên tâm học tập.

      - Có chế độ khen thưởng, kỷ luật rõ ràng, phân minh để động viên cán bộ đi học đạt kết quả tốt hơn./.

 

                                                                                          Thạc sĩ Lê Thị Tuyết Vân

                                                                                     (Trưởng Khoa Xây Dựng Đảng)


  • |
  • 956
  • |

Các tin khác