SUY NGHĨ VỀ MỘT SỐ BẤT CẬP TRONG ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC TẠI VIỆT NAM

Theo công bố mới nhất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, số sinh viên tốt nghiệp đại học và cao học không tìm được việc làm hiện nay ở Việt Nam khoảng 72.000 người - đây là một con số thực sự "gây sốc" cho các nhà quản lý, cho bản thân sinh viên và các gia đình của họ. Do tình hình kinh tế toàn cầu suy thoái nên thất nghiệp việc làm là điều khó tránh khỏi cho mọi quốc gia. Tuy nhiên, cần có những giải pháp hữu hiệu hơn để hạn chế tình trạng lãng phí nguồn nhân lực đã qua đào tạo ở Việt Nam như hiện nay.

Sau một thời gian miệt mài ở giảng đường đại học, tốn kém thời gian và kinh phí cho việc học tập, nhiều sinh viên ra trường đã không tìm được việc làm. Do vậy, nhiều người có điều kiện về mặt tài chính thì tiếp tục theo học lên cao học để mong muốn có cơ hội tìm việc làm. Một số người lại "học ngược" chương trình trung cấp hoặc cao đẳng ở những ngành, nghề có thể tìm việc dễ hơn. Một số người khác tìm việc trong các nhà máy, xí nghiệp với vai trò lao động thủ công và đương nhiên họ không sử dụng đến bằng cử nhân mà họ đã được đào tạo. Một bộ phận khác đi làm phục vụ ở các quán ăn...Điều đó cho thấy sự lãng phí lớn về nguồn nhân lực được đào tạo của quốc gia mà các nhà quản lý cần có giải pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng trên. Đồng thời, gia đình và bản thân sinh viên cần có sự nhìn nhận để có sự chọn lựa phù hợp cho công việc trong tương lai.

Có lẽ có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên và sâu đây là một số nguyên nhân chính cùng với một vài giải pháp:

Thứ nhất, việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên hiện nay chưa thực sự được chú trọng. Hầu hết học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học đều muốn bước vào ngưỡng cửa đại học và chọn những ngành "hot" chứ không quan tâm đến việc ra trường có tìm được việc làm hay không. Cho nên việc định hướng nghề nghiệp phải được cả gia đình và nhà trường chú trọng dựa trên năng lực của bản thân học sinh và thực tiễn của địa phương và xã hội. Tốt nhất, nên định hướng nghề nghiệp cho học sinh vào năm học lớp 10. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cùng vào cuộc trong việc định hướng nghề nghiệp này cho đoàn viên, hội viên của mình.

Thứ hai, do tâm lý chuộng bằng cấp trong xã hội dẫn đến thực trạng cử nhân thừa nhưng lại thiếu những thợ có tay nghề bậc cao trong các nhà máy, xí nghiệp. Với tâm lý chuộng bằng cấp như hiện nay, thì vấn đề thất nghiệp cứ vẫn diễn ra ngày càng trầm trọng hơn. Vì vậy, trong đào tạo cũng như trong tuyển dụng, cần phải có sự ưu tiên cho đào tạo công nhân tay nghề cao với những mức lương tương ứng.

Thứ ba, "hội chứng" mở trường đại học ở các địa phương trong cả nước mà không kiểm soát được điều kiện mở trường và chất lượng đào tạo. Những năm gần đây, địa phương nào cũng đua nhau nâng cấp các trường trung cấp lên cao đẳng, cao đẳng lên đại học và xin cấp phép mở thêm trường đại học công lập hoặc trường đại học tư. Tuy nhiên, rất nhiều trường đại học lại chưa đủ điều kiện về số lượng, chất lượng giảng viên cơ hữu để mở các chuyên ngành đào tạo ( theo yêu cầu hiện nay, để mở chuyên ngành đào tạo, mỗi chuyên ngành phải đảm bảo ít nhất có 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ). Vì vậy, vừa qua, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã yêu cầu dừng tuyển trên 200 chuyên ngành ở nhiều trường đại học trong cả nước. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư mở trường đại học không tính toán hết mọi khả năng nên dẫn đến tình trạng có trường nhưng không tuyển được sinh viên và dẫn đến thua lỗ trong làm ăn kinh doanh. Điều cần nói thêm là chất lượng đào tạo hiện nay ở nhiều trường đại học chưa đảm bảo chất lượng, vẫn theo kiểu đào tạo lý thuyết mà không gắn với thực tiễn nên khi ra trường, phần lớn sinh viên rất bỡ ngỡ với công việc.

Do vậy, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục & Đào tạo cùng những bộ, ngành liên quan và các địa phương cần rà soát, thẩm định nghiêm túc việc cho phép mở trường đại học, khắc phục tình trạng như "hội chứng" hiện nay. Thậm chí, nếu qua kiểm tra, thanh tra trên thực tế mà trường không đạt yêu cầu, cần chấm dứt hoạt động. Mặt khác, cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giảng viên để Việt Nam có được một số trường đại học uy tín, có chất lượng, ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Có như vậy, sinh viên tốt nghiệp cử nhân tại Việt Nam cũng có cơ hội tìm việc làm ở nước ngoài.

Thứ tư, trong tìm kiếm việc làm, đôi khi các cử nhân nên chấp nhận làm việc ở những nơi tuyển dụng dù có mức thu nhập không cao trong một khoảng thời gian. Xem đó là môi trường để học hỏi và tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm cho việc tìm kiếm việc làm trong thời gian tới. Đôi khi, đây là những bước dừng chân tạm thời nhưng cần thiết, để sẽ có những bước chuyển mới đến những công việc phù hợp hơn trong tương lai./.

 

                                                                                 

 


Các tin khác