Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Trên thế giới hiện nay, cơ bản có hai mô hình Nhà nước pháp quyền. Thứ nhất, đó là mô hình tổ chức theo cơ chế “Tam quyền phân lập”, trong đó 3 quyền của nhà nước là hành pháp, lập pháp, tư pháp được phân chia cho 3 cơ quan độc lập nắm giữ. Mô hình này của Nhà nước tư sản. Mô hình thứ hai là “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước…”.  Mô hình này của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam. Ở nước ta, mô hình thứ hai này được thể hiện tại Khoản 3, Điều 2 Hiến pháp năm 2013: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ đề cập về cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà nước xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân, vì dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp, quản lý xã hội theo Hiến pháp và pháp luật nhằm phục vụ lợi ích và hạnh phúc của nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đồng thời chịu trách nhiệm trước nhân dân và sự giám sát của nhân dân. Xu hướng xây dựng nhà nước pháp quyền là hệ quả của sự phát triển, bảo vệ dân chủ bằng pháp luật. Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta là một quá trình lâu dài, khó khăn và bao hàm cả việc cải cách các thể chế, thay đổi văn hóa, đặc biệt văn hóa pháp quyền. Quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN phải đạt được nhiều mục tiêu như mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền con người, phát triển kinh tế… Để xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN có tính mục tiêu như vậy, chúng ta nhất thiết phải có cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước để hạn chế sự lạm quyền hoặc xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, xã hội và của những người dân từ phía các cơ quan nhà nước.

Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh và thời đại nào, nhà nước cũng là một thiết chế nắm các công cụ như quân đội, cảnh sát, nhà tù, toà án, bộ máy hành chính,  nhà nước có khả năng áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước như cưỡng chế dân sự, cưỡng chế hành chính. Khi sử dụng bộ máy công quyền, áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước, cũng dễ xuất hiện khả năng lạm dụng quyền lực hoặc vì một lý do khách quan, chủ quan nào đó mà cơ quan công quyền, các nhân viên nhà nước không chấp hành pháp luật, xâm phạm tới quyền tự do, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Vì vậy, bản thân nhà nước có nhu cầu kiểm soát hoạt động của các cơ quan nhà nước, của các cán bộ, công chức, viên chức nhằm ngăn ngừa và phát hiện những sai phạm của cơ quan nhà nước, của các cán bộ, công chức, viên chức, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm.

Quyền lực được ví như một dòng sông lớn. Khi giữ nó trong phạm vi giới hạn của hai bờ, nó có cả vẻ đẹp và sự hữu ích, nhưng khi nó phá vỡ bờ thì nó sẽ quá hung dữ như bị chặn đứng giữa dòng, nó sẽ cuốn trôi mọi thứ, tàn phá và hủy hoại bất cứ nơi nào mà nó đi qua[1]. Bất cứ ở đâu có quyền lực thì sẽ xuất hiện xu thế lạm quyền và chuyên quyền, dù quyền lực ấy thuộc về ai. Quyền lực nhà nước bên cạnh sự thống nhất, phân công, phối hợp còn bao hàm cả sự kiểm soát để tránh sự lạm quyền của bất cứ cơ quan nào trong bộ máy nhà nước. Chẳng hạn, trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, để tăng cường kiểm soát việc thực hiện quyền hành pháp, Hiến pháp năm 2013 quy định Quốc hội có quyền bỏ phiếu tín nhiệm đối với thủ tướng, bãi bỏ văn bản của chính phủ, thủ tướng trái với hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là chủ trương, đường lối có tính chiến lược của Đảng ta. Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã ghi nhận: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”[2]. Để xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, chúng ta phải có cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài bởi Nhân dân và ngay chính bên trong bởi các cơ quan nhà nước. Montesquieu, nhà tư tưởng chính trị người Pháp đã tìm ra cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước hữu hiệu, đó là kiểm soát quyền lực nhà nước từ phía Nhân dân và từ chính các cơ quan trong bộ máy nhà nước đó, “việc đặt cả nhà nước và công chúng vào một cơ chế kiểm soát hợp lý và hữu hiệu đã làm nên cái mà cả trước và sau Montesquieu, các nhà chính trị lừng danh khác đã không thực hiện được, là sự kết hợp giữa dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện[3]. Kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên trong trở thành nội dung “cốt lõi” của hoạt động kiểm soát. Kiểm soát từ chính các cơ quan nhà nước để tránh tình trạng một nhánh quyền lực quá mạnh sẽ có tham vọng trở thành độc đoán, lạm quyền, lấn quyền các cơ quan khác. Đảm bảo không nhánh quyền lực nào thao túng được nhánh quyền lực nào. Các nhánh quyền lực độc lập với nhau trong việc thực hiện các chức năng nhà nước. Nhưng không vì thế mà các cơ quan này lại được phép “tự do” hoạt động theo ý mình, quyền lực của các cơ quan nhà nước luôn bị giới hạn và kiểm soát bởi Nhân dân thông qua Hiến pháp và bởi chính các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước thông qua cơ chế “kiềm chế và đối trọng”.

Tóm lại, khi nói đến kiểm soát quyền lực nhà nước trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, chúng ta phải hiểu rằng đó chính là kiểm soát giữa chính các nhánh quyền lực: lập pháp, hành pháp, tư pháp để không xảy ra tình trạng lạm quyền, lấn quyền ảnh hưởng đến hoạt động của bộ máy nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của chính người dân. Đặc biệt, Nhân dân cũng có quyền kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua quyền bầu cử và ứng cử. Nhân dân có quyền giám sát và chất vấn về hoạt động của các cơ quan, tổ chức nhà nước, các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ bị cử tri bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân./.

 


[1] Nguyễn Thị Hồi (2005), Tư tưởng phân chia quyền lực nhà nước với việc tổ chức bộ máy nhà nước ở một số nước, NXB Tư pháp, Hà Nội, tr. 113.

[2] Đảng Công sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.175

[3] Lê Tuấn Huy (2006), Triết học chính trị Montesquieu với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 140.


Các tin khác