Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến thương binh, liệt sĩ và công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ. Người luôn khẳng định những đóng góp, công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, các thương, bệnh binh đối với sự nghiệp cứu nước giải phóng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”[1]. Và trong Di chúc thiêng liêng Người đã căn dặn biết bao điều hệ trọng về công tác lao động - thương binh và xã hội: Đầu tiên là công việc đối với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), : “Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh”; đối với các liệt sĩ: “mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”; đối với cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sĩ: “chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”[2].
74 năm đã đi qua nhưng những hậu quả và dư âm của chiến tranh còn sót lại vẫn còn lớn lao và khốc liệt, là vết thương lòng còn ghi dấu mãi mãi trong tâm trí của mỗi thế hệ người dân Việt Nam. Những chàng trai, cô gái tuổi 20 xung phong lên đường đã mãi hòa mình vào lòng đất mẹ; hình ảnh những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng và hàng nghìn bia khuyết danh “Chưa biết tên anh nhưng chiến công anh bất diệt” trên khắp đất nước ta. Ngoài những mất mát, hi sinh mà các thế hệ cha ông đã vĩnh viễn mất đi ở chiến trường thì vẫn còn đó những di chứng, thương tật để lại cho thế hệ con cháu sau này. Đó là những nạn nhân của chất độc màu da cam, là những đứa trẻ bị di chứng của chiến tranh do bố mẹ tham gia chiến trường. Máu xương của các thế hệ đi trước đã tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc, chiến công của ông cha đã đi vào lịch sử dân tộc, trở thành trang sử vàng chói lọi để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau mãi mãi tự hào.
Những ngày mùa thu tháng Bảy, cả nước lại lặng mình tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ và thêm tự hào về bước phát triển của công tác chăm sóc thương binh, liệt sĩ theo tư tưởng và sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đối với thế hệ trẻ Việt Nam, tri ân và đền ơn đáp nghĩa luôn là tình cảm và hành động tự giác của mỗi người trẻ. Tuổi trẻ hôm nay, may mắn được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, độc lập tự do của dân tộc, được học tập, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Với lòng thành kính, biết ơn sâu sắc, tuổi trẻ Bình Thuận nói chung, đoàn viên, thanh niên Chi đoàn Trường Chính trị nói riêng hằng năm vào các các dịp lễ, tết, các ngày lễ lớn đặc biệt là dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 đều có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, thể hiện lòng tự hào và nêu cao đạo lý tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa” như: thông qua sinh hoạt định kỳ, chi đoàn tổ chức tuyên truyền về sự ra đời, ý nghĩa của Ngày Thương binh - Liệt sĩ, truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa - Uống nước nhờ nguồn” gắn với lịch sử truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc; tổ chức các chuyến hành trình về nguồn, hành trình đến với các địa danh lịch sử, di tích truyền thống, các địa chỉ đỏ như: Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ tỉnh, thành phố; Tam Tân – nơi thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh Bình Thuận; … tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà các gia đình chính sách, người có công, thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng,… có hoàn cảnh khó khăn. Những việc làm thiết thực trên vừa là sự tri ân của tuổi trẻ với sự hi sinh cao cả của các thế hệ đi trước, góp phần cùng toàn xã hội chăm sóc, đền ơn đáp nghĩa với những người có công vừa tôn vinh các giá trị truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc, thông qua đó giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Nhìn lại lịch sử dân tộc ta đó là lịch sử của dựng nước và giữ nước, là sự hi sinh và những chiến công oanh liệt của các bậc cha ông để giành, giữ độc lập tự do cho Tổ quốc. Những công lao to lớn đó mãi là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam, là điểm tựa tinh thần cho thế hệ trẻ mai sau. Thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và Chi đoàn Trường Chính trị Bình Thuận nói riêng hôm nay là những người may mắn và hạnh phúc sinh ra trong thời bình nhưng qua những nhân chứng lịch sử, qua những trang sử hào hùng chúng tôi luôn tự hào và nguyện tiếp bước con đường thế hệ đi trước đã chọn, sống, lao động và học tập thật tốt, cống hiến hết mình để xây dựng đất nước ta ngày càng to đẹp hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn./.
[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, trang 401.
[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, trang 616.