Một số giải pháp góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng của đảng viên trẻ

Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra chủ trương: Nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong đấu tranh tự phê bình và phê bình... . Thực hiện chủ trương đó là trách nhiệm của tất cả các tổ chức đảng và mỗi đảng viên, trong đó đòi hỏi có phần đóng góp không nhỏ của đảng viên trẻ.

Tuy nhiên, thực trạng trong sinh hoạt đảng của đảng viên trẻ hiện nay, bên cạnh một số đồng chí đã thể hiện được bản lĩnh mạnh dạn, thẳng thắn phát biểu ý kiến thì số đông đảng viên trẻ nhìn chung còn hạn chế về chất lượng; tính chiến đấu trong công tác tự phê bình và phê bình chưa cao, nhiều đảng viên trẻ có biểu hiện rụt rè, sợ bị cho là “háu đá”, thậm chí sợ bị “ghim” (trù dập). Vì vậy nảy sinh tâm lý ngại đụng chạm với đảng viên khác, nhất là đối với đảng viên là cán bộ chủ chốt trong cơ quan, đơn vị, đảng viên lớn tuổi... Do vậy, khi dự sinh hoạt hội họp thường kỳ của chi bộ, họp kiểm điểm đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên hằng năm, thậm chí cả trong Đại hội chi bộ, Đảng bộ, đảng viên trẻ cứ chọn giải pháp im lặng để an toàn, chỉ giơ tay đồng ý, coi việc phát biểu ý kiến xây dựng không phải là trách nhiệm của mình. Nếu người chủ trì cuộc họp có mời hay chỉ định đích danh thì cũng phát biểu chung chung, chỉ nêu ưu điểm mà không nói khuyết điểm, không dám nói thẳng, nói thật những điều mình đã biết, đã nhận thức được.

Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của đảng viên trẻ, điều rất cần chú trọng hiện nay là phải phát huy vai trò trách nhiệm, tính tích cực, chủ động, tự giác của các đảng viên trẻ, qua đó tạo không khí dân chủ, bình đẳng trong sinh hoạt Đảng. Để thực hiện được điều đó, là người đã từng tham gia sinh hoạt nhiều năm ở chi bộ có nhiều đảng viên trẻ, và tiếp xúc tìm hiểu ở những đảng viên trẻ, đảng viên mới ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương,  xin kiến nghị một số giải pháp như sau:

Thứ nhất là: Cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các tổ chức đảng trong cơ quan, đơn vị, địa phương cần mở rộng và phát huy dân chủ thực sự, không chỉ bằng lời nói mà phải bằng việc làm cụ thể, nêu cao tính gương mẫu, tạo không khí dân chủ trong sinh hoạt chi bộ, đảng bộ. Như vậy sẽ xóa được tâm lý sợ sệt, e dè trong đảng viên trẻ. Cần thể hiện thái độ đúng đắn, cầu thị khi tiếp thu ý kiến của đảng viên trẻ; nếu có ý kiến chưa đúng, chưa chuẩn thì chân thành giải thích, động viên; đồng thời định hướng nội dung phát biểu cần đi vào cụ thể, thiết thực; nếu là ý kiến đúng thì nghiêm túc tiếp thu và có kế hoạch sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm; không nên định kiến, chủ quan đưa ra những nhận xét chỉ trích gay gắt, thậm chí có hành động trù dập đối với đảng viên trẻ có ý kiến thẳng thắn góp ý. Luôn coi trọng sự đóng góp ý kiến của các đảng viên trẻ, đảng viên mới; bởi thực tế đã có ở một số chi bộ khi đảng viên trẻ tích cực đề xuất ý kiến, nhưng sau vài lần những ý kiến tâm huyết đó không được quan tâm xem xét, thậm chí bị bác bỏ, do vậy chính đảng viên có ý kiến và những đảng viên trẻ khác không muốn tham gia phát biểu.

Thứ hai là: Mỗi đảng viên trẻ cần phải ý thức rằng vào Đảng để cống hiến, đóng góp và xây dựng. Vì thế luôn phát huy trách nhiệm của mình trong xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan, đơn vị; phải thấy được tầm quan trọng cũng như nắm được những nguyên tắc, phương pháp đóng góp ý kiến, vượt qua những trở ngại về cấp bậc, chức vụ, tình cảm, khắc phục tâm lý e dè, né tránh, ngại va chạm khi phê bình, góp ý cho  người khác.

Thứ ba là: Điều mà như Chi bộ Bình Thuận đã làm và rất có hiệu quả là Chi ủy chi bộ có quy định yêu cầu trong sinh hoạt chi bộ, các đảng viên phải phát biểu ý kiến. Do đó khi họp, đại diện Chi ủy chi bộ báo cáo tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ đề ra tháng trước; đồng thời nêu phương hướng nhiệm vụ của tháng tới, sau đó yêu cầu đảng viên phát biểu đóng góp ý kiến, trước hết nhắm vào những đảng viên trẻ, ngại nói, ngại phát biểu trước tập thể. Do cách làm đó dần đã trở thành thói quen, nền nếp tự giác phát biểu của đảng viên trẻ trong sinh hoạt Đảng. Như vậy sẽ tránh được sự ỉ lại, hoặc cho rằng đảng viên lớn tuổi phát biểu trước đã nói rồi, mình không có gì mới để nói nên im lặng cho xong. Việc đưa quy định này cũng nhằm để đánh giá ý thức, trách nhiệm của đảng viên, trong đó nhấn mạnh về đảng viên trẻ trong việc tham gia xây dựng Đảng và đánh giá chất lượng, xếp loại đảng viên hằng năm. Nên có sự động viên, khuyến khích, biểu dương những đảng viên trẻ tích cực tham gia phát biểu ý kiến, mạnh dạn trong đấu tranh tự phê bình và phê bình; bảo vệ người phê bình đúng đắn, chân thành, nhất là đối với đảng viên trẻ là điều thường xuyên coi trọng ở các chi bộ, đảng bộ; mặt khác cũng phải nhắc nhở, thậm chí phê bình những đảng viên trẻ còn e dè, nể nang, né tránh, buông xuôi.

Thứ tư là: Tăng cường công tác bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho đảng viên mới bảo đảm thực chất. Đây là vấn đề được Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra. Song điều cần thiết nhất là phải đổi mới nội dung bồi dưỡng một cách thiết thực; không đơn thuần bồi dưỡng những lí luận chung chung mà chú trọng bồi dưỡng các kỹ năng về sinh hoạt đảng cho đảng viên trẻ, đảng viên mới, trong đó có kỹ năng thuyết trình, kỹ năng phát biểu ý kiến trước tập thể, phương pháp tự phê bình và phê bình. Được trang bị những kỹ năng cần thiết như vậy sẽ giúp đảng viên trẻ tự tin thể hiện mình trong sinh hoạt đảng./.


Các tin khác