Các nguyên tắc bầu cử tiến bộ của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta

Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân và thế giới: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời”. Bản Tuyên ngôn khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy(1).

Quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam được khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố ngày 02/9/1945 đã đặt cơ sở pháp lý quan trọng, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Việc ban hành Hiến pháp, thành lập Chính phủ chính thức là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để củng cố và tăng cường chính quyền của nhân dân. Ngày 03/9/1945, chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị một trong sáu nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống…”(2).

Ngày 08/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 14-SL quy định sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Đây là văn bản pháp luật đầu tiên về bầu cử ở nước ta. Bản Sắc lệnh gồm 07 điều, quy định: “Trong một thời hạn hai tháng kể từ ngày ký Sắc lệnh này sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu quốc dân đại hội”; “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường” ; “Một Uỷ ban để dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử sẽ được thành lập”; “Để dự thảo một bản Hiến pháp đệ trình Quốc hội, một Uỷ ban khởi thảo Hiến pháp 07 người sẽ thành lập”. Sắc lệnh đã khẳng định yêu cầu bức thiết của Tổng tuyển cử, đồng thời khẳng định chúng ta có đủ cơ sở pháp lý, điều kiện khách quan và chủ quan để tiến hành cuộc Tổng tuyển cử đó.                   

Tiếp đó, ngày 20/9/1945, Chính phủ lâm thời đã ban hành các Sắc lệnh số 34-SL thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp gồm có: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu; Sắc lệnh số 39-SL ngày 26/9/1945 về thành lập Uỷ ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử gồm 9 người, trong đó có đại diện của các ngành, các giới; Sắc lệnh số 51-SL ngày 17/10/1945 quy định “Thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải thực hiện theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín”.

Sắc lệnh số 51 ngày 17/10/1945 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc ấn định ngày bầu cử và thể lệ bầu cử Quốc hội (3)

Ngày 02/12/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời ban hành tiếp Sắc lệnh số 71-SL và Sắc lệnh số 72-SL để bổ khuyết Sắc lệnh số 51-SL về thủ tục ứng cử và bổ sung số đại biểu bầu cho một số tỉnh.

Trong các văn bản trên, các quy định cơ bản về nguyên tắc bầu cử tiến bộ, dân chủ đã được thể hiện rất rõ. Cụ thể là:

Nguyên tắc bầu cử phổ thông đầu phiếu quy định quyền bình đẳng nam, nữ trong bầu cử, ứng cử và địa bàn bầu cử theo phương thức mỗi người chỉ được bầu cử, ứng cử ở một nơi nhất định...: Điều 2, Sắc lệnh số 51-SL quy định: “tất cả những công dân Việt Nam 18 tuổi trở lên không phân biệt nam nữ đều có quyền bầu cử và ứng cử, trừ ra những người này: 1. Những người điên: những người mà dân địa phương đã công nhận là điên. Danh sách những người trong làng hay khu phố do Uỷ ban nhân dân làng hay khu phố ấn định. 2. Những người hành khất chuyên môn, hay là những người do một hội thiện nào nuôi vĩnh viễn. Danh sách những người này do Uỷ ban nhân dân làng hay khu phố ấn định. 3. Những người bị can án mà không được hưởng sắc lệnh đại xá của Chính phủ dân chủ cộng hoà”.

Đây là nguyên tắc nhằm thu hút tất cả các tầng lớp nhân dân trong nước, miễn là đến độ tuổi trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) đều được tham gia bầu cử. Nguyên tắc này cũng bảo đảm cho cả những người nước ngoài đã sống lâu năm ở Việt Nam, tỏ lòng trung thành với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và có mong muốn được tham gia Tổng tuyển cử cũng được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho họ thực hiện quyền bầu cử. Vì vậy, ngày 07/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 73-SL quy định điều kiện, thủ tục cho người nước ngoài được nhập quốc tịch Việt Nam để họ trở thành công dân Việt Nam, được hưởng quyền bầu cử. Điều đặc biệt đáng lưu ý là thủ tục nhập quốc tịch nếu theo Điều 4 Sắc lệnh số 73-SL thì đơn xin nhập quốc tịch phải qua UBND tỉnh, rồi chuyển tiếp cho Ủy ban kỳ, sau đó được chuyển cho Bộ Tư pháp xem xét và quyết định. Nhưng Điều 5 của Sắc lệnh số 73-SL quy định: “những người xin nhập quốc tịch Việt Nam mà được UBND tỉnh thấy có đủ điều kiện và ưng nhận, thì được hưởng ngay quyền bầu cử và ứng cử, không phải chờ sắc lệnh cho nhập quốc tịch Việt Nam”.

Nguyên tắc bầu cử trực tiếp được quy định tại Điều 31, Sắc lệnh số 51-SL: khi bầu cử, “mỗi cử tri phải thân hành đi bầu, không được được ủy quyền và cũng không được bầu bằng cách gửi thư”, nhằm chống gian lận và lợi dụng kẽ hở để chống phá của các thế lực phản động, thù địch đồng thời cử tri trực tiếp bầu ra cơ quan đại diện quyền lực nhà nước ở tất cả các cấp mà không thông qua tầng nấc trung gian nào “Đơn vị tuyển cử là tỉnh, nghĩa là dân trong mỗi tỉnh bầu thẳng đại biểu tỉnh mình dự vào Quốc dân đại hội” (Điều 7, Sắc lệnh số 51-SL).

Nguyên tắc bỏ phiếu kín nhằm đảm bảo đảm bí mật, an toàn và tự do ý chí của cử tri (kể cả những người không biết chữ), bảo đảm cho cử tri được yên tâm, tự do thể hiện ý chí của mình mà không phải chịu một áp lực nào. Nguyên tắc này được thể hiện tại các Điều 36, 37 và 38 của Sắc lệnh số 51-SL: “Cử tri sẽ bầu bằng phiếu kín”; “Nếu cử tri không biết chữ quốc ngữ nhưng biết viết chữ Hán, tạm thời được phép viết chữ Hán trong phiếu bầu”; “Còn những cử tri không biết viết chữ quốc ngữ cùng chữ Hán thì ngày bầu cử, trước khi bắt đầu bỏ phiếu, sẽ lập một tiểu ban 3 người (một người của ban phụ trách cuộc bầu cử cử ra, hai người do dân làng, tỉnh lỵ (hay khu phố)) cử ra viết giúp cho người đi bầu, một người viết, hai người kiểm điểm. Khi lập xong, tiểu ban đó phải tuyên thệ trước mặt các người đi bầu rằng: sẽ viết đúng theo lời người đi bầu và giữ bí mật”. Nguyên tắc này đảm bảo cho mọi cử tri đều có thể thực quyền của mình, phù hợp với trình độ dân trí của nước ta lúc bấy giờ, nhất là đối với tầng lớp dân nghèo không có điều kiện đi học (lúc này hơn 90% đồng bào ta mù chữ(4)).

Cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 là sự kiện lịch sử trọng đại, mở đầu cho quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới; là sự khởi đầu và phát triển của Quốc hội, một thiết chế dân chủ, trụ cột trong Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên xuất phát từ nhiều yếu tố nhưng những quy định về những nguyên tắc bầu cử tiến bộ, dân chủ trong các sắc lệnh đầu tiên về bầu cử cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục được kế thừa và phát triển đến nay trong 05 bản Hiến pháp của nước ta, đặc biệt là trong bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sắp tới.


(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4. tr.3.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4. tr.7.

(3)http://quochoi.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Lists/News&ItemID=38879.

(4) Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.16-18, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.


Các tin khác