Tuyên ngôn Độc lập - một áng “Thiên cổ hùng văn” nước Việt

Cách đây 75 năm, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Bản Tuyên ngôn Độc lập trở thành một văn kiện cực kỳ quan trọng, là một kiệt tác, một áng “Thiên cổ hùng văn” lập quốc vĩ đại. Bản Tuyên ngôn Độc lập không dài, chỉ vỏn vẹn có 49 câu, với 1.010 chữ, nhưng lại chứa đựng những nội dung vô cùng to lớn, ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Bên cạnh sứ mệnh khai sinh, đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội; bản Tuyên ngôn Độc lập còn là bản tuyên ngôn về nhân quyền, về cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng thiêng liêng giữa các dân tộc và mỗi con người của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Từ ngày 28/8/1945, tại chiếc bàn ăn trên gác hai số nhà 48, phố Hàng Ngang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập trung tinh thần, trí tuệ và tình cảm để soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập; đến ngày 31/8/1945, bản Tuyên ngôn Độc lập đã được Ban Thường vụ Trung ương Đảng nhất trí thông qua trước khi công bố trước toàn thể nhân dân Việt Nam và toàn thế giới vào ngày 02/9/1945. Sau này, khi nhớ lại về những ngày soạn thảo bản Tuyên ngôn, Bác Hồ nói: “Đó là những giây phút sung sướng nhất của đời mình”. Đây là kết quả của một quá trình tư duy khoa học độc đáo và thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó càng khẳng định rõ ràng và nhất quán một chân lý hết sức giản dị nhưng có tầm khái quát cao là: Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng như trí tuệ sắc sảo của Người mãi mãi soi sáng con đường chúng ta đi. Và đúng 14 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời tiến ra lễ đài. Thay mặt cho Chính phủ, Hồ Chí Minh - Chủ tịch Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới nước Việt Nam đã giành được độc lập.

Mở đầu bản Tuyên ngôn, Người đã trích dẫn hai bản Tuyên ngôn nổi tiếng trong lịch sử đó là bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ (1776) và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp (1791): “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Người trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Kể từ ngày bản Tuyên ngôn Độc lập ra đời đến nay, vị thế đất nước đã có nhiều đổi thay, lời thề lịch sử từ Chủ tịch Hồ Chí Minh với bản Tuyên ngôn Độc lập luôn rọi sáng triệu triệu trái tim, khối óc của người Việt Nam yêu nước trên mọi vùng, miền của Tổ quốc và định cư ở nước ngoài. Thông điệp của Tuyên ngôn Độc lập cho thế hệ người Việt Nam là: quyết giữ vững nền độc lập, tự do của Tổ quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Chỉ có như thế và trên cơ sở tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thì nhân quyền mới được bảo đảm. Đồng thời, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là nhân tố nền tảng cho sự tiến bộ không ngừng của quyền con người.

Bản Tuyên ngôn Độc lập - một áng “Thiên cổ hùng văn” nước Việt - Bản anh hùng ca của thời đại, một văn kiện có ý nghĩa lịch sử có giá trị tư tưởng và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Tuyên ngôn Độc lập là sự phát triển đỉnh cao của tư tưởng độc lập, tự do đã được thể hiện trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam, trong Đường cách mệnh, Cương lĩnh chính trị và nhiều văn kiện quan trọng khác của Đảng và Việt Minh. Đồng thời, bản Tuyên ngôn Độc lập là sự tiếp nối truyền thống anh hùng bất khuất của ông cha ta, kế thừa và phát triển những bản tuyên ngôn trước đây của Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi.

Dù 75 năm đã qua đi, nhưng thời khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 02/9/1945 vẫn như đang vang vọng khắp đất nước và mãi mãi khắc sâu vào hàng triệu trái tim và khối óc của mỗi người dân Việt Nam, ngày 2 tháng 9 đã trở thành ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam. Lời kêu gọi: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” vẫn đang thôi thúc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, đoàn kết, thống nhất, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu: Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước. Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Và bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế với sự tự hào và tinh thần phấn đấu không mệt mỏi, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, cộng đồng cùng nhau xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, tiến bộ và văn minh./.


Các tin khác