Kinh nghiệm bước đầu trong giảng dạy trực tuyến ở Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận

Khởi đầu năm 2020, Ban Giám hiệu nhà trường đã triển khai cho các phòng, khoa của trường tham mưu kế hoạch mở lớp theo Quyết định số 3409/QĐ-UBND, ngày 30/12/2019 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc giao chỉ tiêu kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2020 cho Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-Ttg, ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 48-CT/TU, ngày 31/3/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhằm phòng, chống có hiệu quả việc lây nhiễm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở Việt Nam và trên thế giới, nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học và Phòng Tổ chức - Hành chính - Thông tin - Tư liệu nghiên cứu triển khai phần mềm Microsoft Teams vào trong quản lý điều hành và giảng dạy ở các lớp kể cả hệ đào tạo và hệ bồi dưỡng trên địa bàn toàn tỉnh do Trường Chính trị tỉnh mở lớp.

Trong 06 tháng đầu năm mở lớp, kết quả bước đầu triển khai phần mềm Microsoft Teams ở Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận đã đạt được như sau:

Một là, công các quản lý, chỉ đạo, điều hành của Ban Giám hiệu được tiến hành đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thực hiện sự chỉ đảo của các cấp trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhà trường thực hiện chế độ làm việc chỉ có đại diện Ban Giám hiệu, văn thư, 01 lãnh đạo phòng TCHC-TTTL trực hàng ngày tại cơ quan; các giảng viên, viên chức còn lại làm việc tại nhà. Việc lãnh đạo, điều hành, trao đổi công việc đều được thực hiện bằng hình thức trực tuyến qua các phần mềm quản lý điều hành, gửi nhận văn bản, hệ thống mail công vụ, zalo, họp trực tuyến qua phần mềm Microsoft Teams.

Hai là, triển khai được kế hoạch mở lớp trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Từ tháng 01/2020 đến nay, nhà trường đã tiến hành giảng dạy trực tuyến ở 18 lớp trung cấp LLCT - HC (hệ tập trung, hệ không tập trung) của năm học trước chuyển sang và khai giảng mới trong năm 2020 và 02 lớp hệ bồi dưỡng (chuyên viên và chuyên viên chính).

Ba là, đội ngũ giảng viên cơ bản ứng dụng khá tốt phần mềm Microsoft Teams, đảm bảo được nội dung bài giảng theo yêu cầu trong giảng dạy.

Bốn là, các chủ nhiệm lớp đã tiếp cận khá nhanh, cơ bản triển khai, hướng dẫn cho học viên cài đặt và sử dụng phần mềm Microsoft Teams khá thành thạo; bước đầu quản lý và theo dõi sát tình hình học tập của lớp.

Năm là, học viên các lớp được tiếp tục tham gia học tập đúng tiến độ đề ra của chương trình học tập nhưng vẫn đảm bảo được sức khỏe trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, do bước đầu mới triển khai hình thức giảng dạy trực tuyến với phần mềm Microsoft Teams nên vẫn còn có những hạn chế, khó khăn như sau:

Một số ít giảng viên sử dụng phần mềm chưa thành thạo nên thao tác còn lúng túng như tạo góc ảnh của giảng viên trên màn hình chưa đẹp; chưa thành thạo trong việc lên lịch buổi giảng để tạo đường link cho học viên vào lớp đúng địa chỉ; chia sẻ màn hình PowerPoint và âm thanh video của bài giảng có lúc không rõ nét;  tương tác với học viên chưa nhiều.

Vẫn còn có một số ít chủ nhiệm lớp còn gặp khó khăn trong quản lý lớp bằng phần mềm Microsoft Teams; còn lúng túng trong thao tác hướng dẫn học viên cài đặt và sử dụng phần mềm này.

Một số học viên ở vùng sâu, vùng xa và vùng có điều kiện kinh tế khó khăn nên không có đủ điều kiện về phương tiện tham gia học tập như: đường truyền của mạng internet yếu và không ổn định; mùa nóng hay bị cúp điện; không có máy vi tính sách tay có camera, điện thoại thông minh nên sử dụng máy vi tính để bàn làm việc ở cơ quan… đã dẫn đến học viên vừa học vừa làm việc riêng nên việc tiếp thu bài học có lúc bị gián đoạn, hoặc khi tương tác với giảng viên thì không thấy được hình ảnh học viên. Một số ít học viên sau khi cài đặt xong phần mền Microsoft Teams thì không nhớ mật khẩu hoặc nhập nhằm mặt khẩu, địa chỉ tài khoản nên không thể vào lớp học.

Những hạn chế, khó khăn như trên xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu như trình độ sử dụng công nghệ thông tin của một số giảng viên, chủ nhiệm lớp và học viên còn có hạn chế nhất định; cơ sở vật chất và phương tiện học tập chưa đáp ứng được yêu cầu của việc dạy và học tập theo công nghệ 4.0; một số ít học viên có ý thức học tập lý luận chính trị chưa cao.

Thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Công văn số 549-CV/HVCTQG-TCT, ngày 12/5/2020 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các trường chính trị trong tình hình mới theo Chỉ thị số 19/TC-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ; để thực hiện tốt hơn việc ứng dụng phần mền Microsoft Teams vào quản lý và giảng dạy trong thời gian tới, Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận tiếp tục thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, Ban Giám hiệu nhà trường tiếp tục chỉ đạo các phòng, khoa nghiên cứu và ứng dụng phần mềm Microsoft Teams vào quản lý và giảng dạy.

Thứ hai, nhà trường tiếp tục sắp xếp, bố trí phòng học phù họp với hình thức giảng dạy trực tuyến; tiếp tục nâng cấp và bảo dưỡng đường truyền internet ổn định; bố trí thêm các phương tiện hỗ trợ giảng dạy ở các phòng học giảng dạy trực tuyến.

Thứ ba, tiếp tục triển khai lịch học cả thứ bảy và chủ nhật ở các hệ lớp do trường đảm nhận trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, bố trí lịch học song song hai hình thức là trực tuyến và trực tiếp.

Thứ tư, đội ngũ giảng viên tiếp tục nghiên cứu các ứng dụng của phần mềm để giảng dạy trực tuyến theo kế hoạch của nhà trường.

Thứ năm, chủ nhiệm lớp tiếp tục nghiên cứu các ứng dụng của phần mềm để hướng dẫn cho học viên cài đặt và sử dụng thành thạo phần mềm Microsoft Teams trước khi lớp học chính thức; tăng cường phối hợp với giảng viên để quản lý chặt chẽ học viên khi tham gia học trực tuyến.

Thứ sáu, học viên phải nâng cao ý thức trong học tập lý luận chính trị; không làm việc riêng trong giờ học; linh hoạt trong việc sử dụng đường truyền.

Vận dụng tốt công nghệ thông tin nói chung, ứng dụng tốt phần mềm Microsoft Teams nói riêng trong quản lý và giảng dạy ở hệ thống trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận sẽ góp phần đa dạng hóa hình thức dạy và học, đáp ứng được yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho địa phương trong thời gian tới, vừa đảm bảo tiến độ mở lớp, vừa đáp ứng được những yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội khi có những tình huống xảy ra./.


Các tin khác