Các khâu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện khá tốt, đảm bảo đúng quy chế, quy định. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của trường ngày càng được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh. Đội ngũ giảng viên nhà trường ngày càng sử dụng thành thạo giáo án điện tử và tăng cường áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học viên; bên cạnh đó, Trường đã đa dạng hóa hình thức thi hết phần học như: tự luận, trắc nghiệm, vấn đáp để góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Mặc dù trong điều kiện cơ sở vật chất của trường ngày càng xuống cấp, các lớp mở tại huyện có nơi chưa đảm bảo điều kiện phục vụ lớp học; nhưng với tinh thần, trách nhiệm cao, đội ngũ giảng viên và học viên vẫn cố gắng vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt việc giảng dạy và học tập theo kế hoạch.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ở Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận vẫn còn gặp không ít khó khăn và hạn chế nhất định, đó là:
Thứ nhất, sự phối hợp trong công tác mở lớp giữa các ngành liên quan có lúc, có việc thiếu chặt chẽ; một số cơ quan, đơn vị có cán bộ đi học các hệ lớp chưa tạo điều kiện về thời gian, điều đó ảnh hưởng đến việc quản lý học viên, nhất là các lớp bồi dưỡng ngắn ngày.
Thứ hai, cơ sở vật chất, nhất là hội trường đã thiếu và xuống cấp; nguồn tư liệu của thư viện trường chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.
Thứ ba, một số ít giảng viên vẫn còn nặng về phương pháp thuyết trình, ít sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực; đội ngũ giảng viên nhà trường vẫn còn thiếu so với yêu cầu. Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa lý luận và thực tiễn vào giảng dạy còn hạn chế, nhất là đối với giảng viên trẻ.
Thứ tư, hoạt động nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ bắt buộc đối với giảng viên của Trường Chính trị tỉnh để bổ sung kiến thức lý luận và thực tiễn vào bài giảng, góp phần tổng kết thực tiễn và giải quyết những vấn đề vướng mắc, bức xúc ở địa phương; trong khi đó, số giảng viên trẻ chưa mạnh dạn tham gia nghiên cứu đề tài khoa học, nên kiến thức thực tiễn còn hạn chế.
Thứ năm, chương trình, tài liệu phục vụ các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho công chức cấp xã do các đơn vị phối hợp mở lớp biên soạn, có lúc tiến độ biên soạn còn chậm, nội dung chưa đảm bảo phải chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần dẫn đến kéo dài thời gian thẩm định chương trình, tài liệu nên phải lùi kế hoạch mở lớp, ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Thứ sáu, do yêu cầu mở lớp của các huyện, thị xã, thành phố, Đảng ủy trực thuộc trong những năm qua tăng nên số lượng các lớp hệ không tập trung mở tại các địa phương, sở, ngành nhiều hơn; cùng với đó, việc quản lý quá trình học tập và rèn luyện của học viên đối với một số địa phương cũng gặp không ít khó khăn. Mặc dù có sự phân công phối hợp trong công tác đồng chủ nhiệm, tuy nhiên có lớp, nhất là lớp mở tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, việc phối hợp quản lý lớp học có lúc chưa đạt hiệu quả; một số học viên còn thụ động trong buổi học cũng như trong giờ thảo luận, có học viên chưa xác định đúng động cơ, mục đích học tập rõ ràng, còn có biểu hiện lười học chính trị, học để đủ điều kiện cấp bằng, đủ chuẩn, chuyển ngạch…Điều đó cũng ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và hạn chế nêu trên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chung; trong thời gian tới, cần tăng cường thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất, tăng cường công tác phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ và các sở, ban, ngành có liên quan trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh; bám sát và chủ động hơn nữa trong công tác triển khai mở lớp theo kế hoạch được giao.
Thứ hai, nhà trường tiếp tục thúc đẩy các đơn vị thi công xây dựng trường sớm hoàn thiện cơ sở trường mới để phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo theo các tiêu chí của trường chính trị chuẩn theo quy định của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, lấy người học làm trung tâm - là phương pháp giảng dạy phù hợp với yêu cầu thực tế hiện nay; tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh các bộ đề thi trắc nghiệm, đề tài khóa luận tốt nghiệp đối với hệ lớp Trung cấp LLCT - HC và bài tập xử lý tình huống cho hệ lớp bồi dưỡng chuyên viên và chuyên viên chính, nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học.
Thứ tư, để nâng cao chất lượng giảng dạy, mỗi giảng viên phải không ngừng nâng cao nhận thức đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế; trong đó chú trọng đến việc đầu tư thời gian, công sức cho công tác nghiên cứu, tham gia thực hiện đề tài khoa học, để kịp thời cập nhật kiến thức thực tiễn.
Thứ năm, giảng viên phải thường xuyên nắm bắt, cập nhật văn bản mới có liên quan đến nội dung bài giảng để kịp thời thông tin đến học viên.
Thứ sáu, tăng cường hơn nữa sự phối hợp với các trung tâm bồi dưỡng chính trị ở các huyện trong công tác đồng chủ nhiệm đối với việc quản lý lớp, nhà trường sớm ban hành cẩm nang chủ nhiệm lớp để thực hiện đúng quy định. Đồng thời, tăng cường hoạt động của Ban thanh tra giáo dục nhà trường để làm tốt hơn nữa việc quản lý lớp học đảm bảo theo đúng quy chế, quy định.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, sẽ khắc phục được những hạn chế, đồng thời sẽ là động lực, cơ sở để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường trong những năm tiếp theo, đáp ứng yêu cầu mới hiện nay./.