Theo số liệu kết quả kiểm kê thì diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh là gần ba trăm bảy mươi nghìn hecta, bao gồm rừng tự nhiên và rừng trồng được phân cho các tổ chức là các Ban quản lý rừng, Công ty Lâm nghiệp, Doanh nghiệp ngoài quốc doanh, đơn vị vũ trang, Ủy ban Nhân dân cấp xã và các hộ gia đình. Các đơn vị được phân có trách nhiệm quản lý, bảo vệ và tiến hành các hoạt động sản xuất gắn với phần diện tích được giao cho nhằm vừa làm tốt công tác bảo vệ rừng vừa tạo thêm nguồn thu đáng kể và hơn nữa sẽ được chi trả cung ứng dịch vụ môi trường rừng từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận đi vào hoạt động từ năm 2011 theo các quyết định của Trung ương và địa phương. Tính đến thời điểm năm 2019, tổng diện tích rừng đủ diều kiện cung ứng dịch vụ môi trường rừng mà Quỹ cung ứng là hơn một trăm năm mươi nghìn hecta, trong đó số hộ cá nhân nhận hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng tính riêng trong thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là 1.927 hộ chiếm hơn bảy mươi nghìn hecta (số lượng hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 90% trong tổng số được giao khoán, nhằm ổn định cho đồng bào sản xuất, bám trụ với rừng và tạo nguồn thu để ổn định cuộc sống). Hằng năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đều có xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp đến địa bàn các xã; từ đó góp phần nâng cao nhận thức về công tác quản lý bảo vệ rừng nói chung và trong thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nói riêng trên địa bàn tỉnh, trong đó đối tượng chủ yếu là các hộ gia đình, cộng đồng dân cư được giao nhận khoán bảo vệ rừng và sống ven rừng cùng các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn; qua đó tạo sự đồng thuận và mang lại kết quả bền vững trong quá trình thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở địa phương. Ngoài ra định kỳ hàng tháng, quý ở địa bàn các xã, các đơn vị chủ rừng là các Ban quản lý rừng đều có tổ chức kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện của lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng thuộc mình quản lý, kịp thời đề xuất, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện. Nhìn chung trong thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, trong đó nổi bật chính với những kết quả chủ yếu sau:
Một là, sự đóng góp hiệu quả của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng vào công tác bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh. Qua thực hiện chính sách, đến nay đã tổ chức cho 18/20 đơn vị chủ rừng là tổ chức Nhà nước, 01 UBND xã, 02 tổ chức thuộc lực lượng vũ trang và 04 đơn vị chủ rừng là tổ chức không thuộc nhà nước có đủ điều kiện để tham gia thực hiện cung ứng dịch vụ môi trường rừng, theo đó có khoảng 50% diện tích trên tổng diện tích rừng toàn tỉnh được chi trả bằng nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng, từ đó đã góp phần rất lớn vào công tác bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh. Nguồn thu từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được đầu tư lại cho công tác bảo vệ rừng, góp phần hạn chế, ngăn chặn tình trạng phá rừng và suy giảm do mất rừng trong điều kiện hiện nay.
Hai là, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng; qua thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân sống gần rừng, mà chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã miền núi tham gia nhận khoán bảo vệ rừng; mặc dù cơ cấu thu nhập còn thấp (khoảng 20 đến 25% thu nhập của hộ gia đình) nhưng cũng đã góp phần nâng cao thêm thu nhập cho người dân để cải thiện cuộc sống và ổn định sinh kế lâu dài, tạo điều kiện để họ có thêm động lực tham gia tích cực vào công tác bảo vệ rừng ở địa phương.
Ba là, hỗ trợ thêm nguồn kinh phí hoạt động cho các chủ rừng là tổ chức; ngoài kinh phí thường xuyên, đối với các đơn vị chủ rừng là các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và các tổ chức được nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng còn được hưởng khoản kinh phí cung ứng dịch vụ môi trường rừng từ số diện tích rừng do đơn vị tự quản lý nằm trong lưu vực; đây là nguồn kinh phí hỗ trợ đáng kể ngoài định mức chi thường xuyên hàng năm, đã góp phần vào việc nâng cao thêm thu nhập và tăng cường năng lực cho các đơn vị chủ rừng để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng được giao.
Với những kết quả tích cực như thế trong chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân được giao khoán quản lý, bảo vệ rừng tích cực hơn trong việc gắn bó, sản xuất bảo vệ rừng. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách cũng còn những khó khăn như trong cơ cấu nguồn kinh phí thu dịch vụ môi trường rừng của tỉnh phần lớn được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Trung ương điều phối (tỷ lệ khoảng hơn 80%), nguồn kinh phí của tỉnh chỉ tập trung từ các nhà máy thủy điện, các nhà máy nước sinh hoạt nhưng không lớn, mặc dù Bình Thuận là một trong những tỉnh phát triển về du lịch, nhưng nguồn thu dịch vụ môi trường rừng từ lĩnh vực này lại không có nhiều do đặc điểm là các khu du lịch đều nằm ven biển, và không có trực tiếp sử dụng nguồn cung ứng dịch vụ môi trưởng rừng; diện tích rừng tương đối lớn nên đôi lúc việc thẩm định cũng còn tương đối khó khăn do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết; công tác phối hợp của các cấp, các ngành và với các địa phương trên địa bàn tỉnh trong công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng đôi lúc chưa thật sự chặt chẽ… Thiết nghĩ, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mang lại hiệu quả rất tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trong giai đoạn hiện nay, do đó các cấp, các ngành, các địa phương và mỗi người dân cần ý thức, tự giác, quan tâm đúng mức, chung tay cùng hành động nhất là mở rộng vận động xã hội hóa trong lĩnh vực này, nhằm đem lại một màu xanh bạt ngàn ở những cánh rừng trong toàn tỉnh, một môi trường trong lành từ rừng mang lại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà và thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra./.