Học tập và làm theo phong cách dân vận khéo của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”[1]. Không chỉ dừng lại ở lí luận, cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, với nhiều cương vị khác nhau, Người còn thực hành hiệu quả những quan điểm, tư tưởng về dân vận, hình thành nên phong cách dân vận rất riêng, rất đặc sắc.

[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr. 234.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực, tuyệt vời về “Dân vận khéo” thể hiện qua phong cách, ứng xử của Người trong công việc thường ngày. Phong cách dân vận của Người hết sức giản dị như chính cuộc sống của Người, đó là gần gũi với dân, thành tâm với dân, nói đi đôi với làm, vì nhân dân mà phục vụ.

Về phương pháp dân vận, theo Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo phải dân chủ, thiết thực, cụ thể và toàn diện theo đúng đường lối quần chúng của Đảng, dân chủ với nhân dân và vì nhân dân, để sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng mãi trường tồn. Theo Người, để vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân, không để sót một người nào, góp thành lực lượng toàn dân để thực hành những công việc nên làm, những công việc mà đoàn thể và Chính phủ đã giao cho”[1], Đảng phải lãnh đạo thực hiện tốt những cách thức công tác dân vận: Phải có chỉ thị, mít-tinh, báo chương, sách vở, khẩu hiệu, truyền đơn. Phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ rằng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng. Chỉ có như vậy, sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân mới tạo nên sức mạnh của Đảng.

Tác phong nổi bật ở Hồ Chí Minh là tính nhất quán giữa lời nói và việc làm, giữa tư tưởng và hành động. Tác phong nói đi đôi với làm của Người hàm chứa mối quan tâm đến con người bằng những việc làm và hành động cụ thể, thiết thực.  Ngay sau cách mạng tháng Tám thành công, để diệt giặc đói, giúp đồng bào các vùng gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, Người đã gương mẫu thực hiện phong trào “hũ gạo cứu đói”. Cùng với đó là việc phát động phong trào “tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”, bản thân Người là một tấm gương sáng về tăng gia sản xuất, tạo một cuộc sống giản dị, phù hợp với hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước. Trong suốt những năm tháng giữ cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi rất nhiều nơi từ miền xuôi lên miền ngược, từ nhà máy đến bệnh viện, trường học…tiếp xúc đủ với các giai tầng xã hội, các tôn giáo, dân tộc. Mục đích của các chuyến đi của Người không gì khác là làm công tác dân vận. Người tìm hiểu đời sống, sản xuất, sinh hoạt của dân, phát hiện những điển hình tiên tiến làm lợi cho dân, cổ vũ toàn dân học tập làm theo và kịp thời ngăn chặn những việc làm sai trái có hại cho dân.

Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, nơi có trình độ phát triển kinh tế - xã hội chưa cao, Người đã nêu ra hai yêu cầu: “Một mặt là làm sao mưu lợi ích cho đồng bào. Một mặt nữa là làm sao tránh được tệ hại cho đồng bào”[2]. Mưu lợi ích cho đồng bào, chính là hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại cuộc sống, phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, giáo dục… Người luôn đặc biệt quan tâm và chỉ ra những biện pháp cụ thể và chăm sóc những người già yếu, cô đơn, tàn tật, thương binh, liệt sĩ và gia đình họ, coi đó là nghĩa vụ của nhân dân và trách nhiệm của nhà nước. Người đến với dân, gần gũi với dân bằng tình nhân ái bao la của Người. Do vậy khi thâm nhập vào quần chúng, tác phong của Người thật gần gũi, thân thương với đôi dép lốp, quần áo bình dị, nụ cười hiền hậu, tấm lòng rộng mở.

Một phong cách mẫu mực liên quan chặt chẽ đến công tác dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh là gương mẫu làm trước để cán bộ, đảng viên và quần chúng làm theo. Điều này Người đã nói rõ trong bài báo Dân vận: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”[3]. Người đã nói như vậy và đã gương mẫu làm tấm gương sáng về dân vận cho mọi người noi theo. Để làm tốt công tác dân vận thì phẩm chất hàng đầu của người cán bộ là phải có uy tín với dân. Để có uy tín theo Hồ Chí Minh, người lãnh đạo phải mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm để đưa công việc ngày càng tiến bộ chứ không phải giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình.

Có thể nói, phong cách dân vận của Người thật giản dị, rất đời thường, phản ánh đúng phẩm chất đạo đức cao đẹp của Người. Nó là sự tổng hợp những phương pháp, biện pháp, cách thức mà Người sử dụng để thực hiện nhiệm vụ vận động, tập hợp quần chúng phấn dấu cho mục tiêu cao cả là độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.

Học tập và làm theo những điều Người dạy trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta đã làm tốt công tác dân vận, đưa đất nước ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đại hội XII của Đảng đã đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng Đảng, trong đó có nhiệm vụ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Trước yêu cầu ngày càng cao của công tác dân vận trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi mỗi cán bộ trong hệ thống chính trị nói chung, mỗi cán bộ dân vận nói riêng, phải nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn phương pháp dân vận Hồ Chí Minh; để nâng cao năng lực công tác, đề xuất những chủ trương, giải pháp và chỉ đạo tổ chức thực hiện, giải quyết có hiệu quả nhất những nhiệm vụ đặt ra.

Tiếp tục đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, đồng thời, thực hiện tốt phong cách dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác dân vận, về phong trào thi đua “Dân vận khéo”; tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng phong trào gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.

Thứ hai, xác định nội dung trọng tâm phong trào thi đua “Dân vận khéo” phù hợp với điều kiện từng địa bàn, từng đối tượng. Chú trọng 2 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, gắn các phong trào thi đua của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.

Thứ ba, chú trọng xây dựng, phát triển mô hình, điển hình ở những nơi khó khăn, phức tạp, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có tôn giáo, công nhân ở các khu công nghiệp, trong giải quyết các điểm nóng phức tạp, bức xúc nổi cộm, trong cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân.

Thứ tư, hệ thống dân vận tăng cường tham mưu cho cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả hơn phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng mô hình, điển hình; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, định kỳ sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời và có giải pháp để nhân rộng điển hình.

Trong tình hình mới hiện nay, việc học tập và làm theo phong cách “Dân vận khéo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện hiệu quả chủ trương, giải pháp về công tác dân vận theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước./.


[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.6, tr. 232.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.161.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.233 – 234.


Các tin khác