Tôn vinh một nghĩa cử cao đẹp

Với thông điệp “Một giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại”, đã bao trọn ý nghĩa và mục đích lớn lao trong các Chiến dịch hiến máu nhân đạo. Hiến máu cứu người là một nghĩa cử cao đẹp thể hiện sự hiểu biết, lòng nhân ái và trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng, là hành động giúp đỡ những người bệnh đang cần những giọt máu quý giá để duy trì sự sống, đó còn là truyền thống tương thân, tương ái cao quý của dân tộc ta.

 

Ngày nay, hiến máu nhân đạo không còn là trách nhiệm bổn phận riêng của một cá nhân cụ thể nào mà rất cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng kêu gọi: “Mỗi cá nhân, mỗi tập thể, đặc biệt là các nhà quản lý cần hăng hái hưởng ứng phong trào hiến máu cứu người và coi đó là trách nhiệm bổn phận thiêng liêng của mỗi chúng ta”. Chúng ta hãy chung tay nhân rộng và phát triển nghĩa cử cao đẹp ấy rộng khắp mọi nơi. Góp phần giúp cho cuộc sống tươi đẹp tràn đầy tình yêu thương cao cả.

Năm 2018, thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức thí điểm “Tháng Nhân đạo” tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, mang lại hiệu quả thiết thực. Tổng giá trị vận động năm 2018 đạt trên 243 tỷ đồng trợ giúp 626.000 lượt người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên mọi miền Tổ quốc. Hưởng ứng ngày “Thế giới tôn vinh người hiến máu ngày 14 tháng 6”, sáng 11/5/2019, tại khu vực Tượng đài “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tham dự Lễ phát động “Tháng Nhân đạo” năm 2019 với chủ đề “Kết nối, sẻ chia và lan tỏa”. Từ nghĩa cử này góp phần giúp cho hành động hiến máu cao đẹp phát triển mạnh mẽ tại cộng đồng. Tại Lễ phát động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chia sẻ: “Tháng Nhân đạo năm 2019 lần đầu tiên ở quy mô toàn quốc theo Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội với hoạt động nhân đạo, đặc biệt là mong muốn thúc đẩy, lan tỏa tinh thần nhân đạo. Tuy rằng chúng ta chọn tháng 5 là Tháng Nhân đạo nhưng hoạt động nhân đạo và tinh thần nhân đạo cần được thực hiện, mọi nơi, mọi lúc và mãi mãi, lan tỏa cả trong 12 tháng, 365 ngày trong năm, 24 giờ trong ngày”.

Xác định được ý nghĩa và tầm quan trọng của hiến máu tình nguyện, Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Bình Thuận đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc hiến máu tình nguyện và tác dụng của máu trong điều trị, cứu chữa người bệnh. Công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện được tổ chức thường xuyên với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng như treo băng rôn, khẩu hiệu trước khi diễn ra đợt hiến máu tình nguyện; tổ chức phát động ngày “Toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4”, ngày “Thế giới tôn vinh người hiến máu 14/6”…  với nghĩa cử cao đẹp “Một giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại”, chỉ qua đó thôi chúng ta có thể thấy được vai trò to lớn của hành động mang tính nhân văn sâu sắc này. Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội, các cơ quan đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang và nhất là sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Kết quả đạt được là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy phong trào và tạo được một nét văn hóa mới trong cộng đồng về hoạt động nhân đạo và góp phần cùng ngành y tế giải quyết tình trạng khan hiếm máu, mang lại niềm vui, sự sống cho người bệnh.

Để thể hiện tình nhân ái, cộng đồng và tích cực hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hiểu được ý nghĩa nhân văn sâu sắc và lợi ích của việc hiến máu nhân đạo, ngay từ bây giờ mỗi mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người dân hãy cùng tham gia hoạt động hiến máu nhân đạo - đó là hành trình để cuộc sống thêm ý nghĩa hơn vì máu từ trái tim ta sẽ truyền đến trái tim của mọi người mang theo tình yêu thương nhân loại bao la./.

 


Các tin khác